Bức tranh doanh nghiệp nhà nước thêm một lần nữa được mổ xẻ cho thấy vẫn là màu xám, chưa thấy cải thiện so với kỳ vọng của nền kinh tế.
Thông tin từ hội thảo đánh giá về thực trạng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra tuần qua cho thấy, tỷ trọng của DNNN trong hệ thống doanh nghiệp dù giảm song tổng giá trị vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào vẫn tăng, nhất là ở các đơn vị mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tốc độ tăng doanh thu của DNNN có xu hướng chậm hơn tốc độ tăng nguồn vốn kinh doanh, chậm hơn tốc độ tăng doanh thu của doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài – FDI. Cụ thể năm 2017, DNNN chiếm 29% nguồn vốn kinh doanh nhưng chỉ tạo ra 16% doanh thu thuần.
Tăng trưởng của DNNN có đặc điểm là thâm dụng vốn, sử dụng một khối lượng lớn đất đai có giá trị cao nhưng nguồn tài nguyên này chưa được hạch toán chi phí đầy đủ, làm giảm hiệu quả sử dụng. Trên thực tế, lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của khu vực DNNN phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn. Xét trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, phần lớn nguồn lực tập trung vào bảy tập đoàn và trên 60 tổng công ty nhà nước, trong đó ba tập đoàn Dầu khí, Điện lực và Viettel cùng tạo ra 50% doanh thu, 51% lợi nhuận.
Thế nhưng đây đều là những doanh nghiệp hoạt động trong ngành mức độ cạnh tranh thấp, tập trung vào khai thác tài nguyên hoặc những ngành như viễn thông, năng lượng. Còn ở những ngành có mức độ cạnh tranh cao như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo thì hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp lại rất thấp.
Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp – thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM), hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN có xu hướng giảm. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2012 là 16,4%; 2013 là 15,8% đến năm 2017 chỉ còn 12,2%. Nguyên nhân chính là do yếu kém nội tại của doanh nghiệp, những bất cập của thể chế, quản trị doanh nghiệp tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích thao túng hoạt động của doanh nghiệp, tham nhũng, lãng phí. Ở góc độ quản trị kinh doanh, cơ chế hiện tại chưa tạo đủ áp lực để người quản lý DNNN tối đa hóa giá trị tài sản, thậm chí lạm dụng chi tiêu, trục lợi từ tài sản nhà nước. Có trường hợp đầu tư bằng mọi giá, bất chấp hiệu quả đầu tư bởi mua sắm càng lớn thì cơ hội tư lợi càng cao.
Hội thảo này cho thấy một xu hướng cần mở rộng tối đa DNNN không nắm giữ cổ phần chi phối, tính đúng, tính đủ chi phí của DNNN cả kể quyền sử dụng đất và các lợi thế kinh doanh. Tách hoàn toàn đội ngũ cán bộ quản lý DNNN ra khỏi chế độ công chức, viên chức, thực hiện chế độ thị trường, hợp đồng lao động đối với tất cả các chức danh điều hành doanh nghiệp…
Thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ, sau khi Bộ Công thương chính thức bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu sáu tập đoàn lớn về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa bàn giao cho “Siêu ủy ban” này năm tập đoàn, tổng công ty. Đó là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Lương thực Miền Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, các doanh nghiệp trên đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, bảo tồn được vốn nhà nước và đã có lãi trong những năm gần đây, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. So với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà nước khác thì nguồn vốn của các doanh nghiệp nông nghiệp không lớn, nhưng về mặt quản lý nguồn đất đai trong nước là rất lớn, như tập đoàn cao su quản lý đất từ trong nước đến nước ngoài khoảng 400.000ha, công ty cà phê, công ty lâm nghiệp cũng quản lý khoảng vài chục ngàn ha đất nông nghiệp.
Sau khi tiếp nhận năm tập đoàn và tổng công ty, Ủy ban quản lý vốn nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng được vị trí, vai trò và nhiệm vụ được giao, đồng thời tiếp tục sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu các doanh nghiệp theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó.
Đồng thời, thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quan trọng, bao trùm toàn bộ các hoạt động của cả năm doanh nghiệp, từ đất rừng, đất nông nghiệp, đến quy hoạch loại cây, giống kỹ thuật canh tác, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu, Ủy ban quản lý vốn nhà nước cùng các doanh nghiệp sẽ thường xuyên phối hợp với Bộ Nông nghiệp, xin ý kiến, hướng dẫn trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thực hiện đúng định hướng phát triển của ngành nông nghiệp, có hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Liên quan đến nông nghiệp, có một thực tế rất đáng mừng là nhờ đổi mới cơ chế mà xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở vào thời điểm tốt nhất trong vòng năm năm qua, với việc gia tăng số lượng và giá xuất khẩu đã vượt qua Thái Lan. Thay đổi cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia thị trường gạo đã cho thấy kết quả bước đầu.
Cụ thể chín tháng đầu năm 2018, lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 8,5% nhưng kim ngạch lại tăng đến 23,2% so với cùng kỳ năm 2017 nhờ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh. Gạo là mặt hàng nông sản hiếm hoi có giá xuất khẩu tăng cao, thậm chí cao hơn cả gạo Thái Lan – lâu nay luôn có giá bán cao hơn gạo Việt Nam. Dù vậy, lợi nhuận mà người nông dân thu được vẫn thấp, nguyên nhân do tổn thất sau thu hoạch còn quá lớn: 14%/năm.
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9-2018 ước đạt 443.000 tấn với giá trị ước đạt 212 triệu USD, đưa lượng xuất khẩu gạo chín tháng đầu năm 2018 ước đạt gần 5 triệu tấn và đạt kim ngạch 2,5 tỉ USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng trong thời gian này, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Indonesia (gấp 67 lần), Iraq (gấp ba lần), Hongkong – Trung Quốc (70,6%), Philippines (67,4%) và Malaysia (26,9%).
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong khi Iraq nhập khẩu gạo của Việt Nam đợt lớn nhất trong những năm qua và thông báo mở thầu mới, thì mới đây Philippines góp phần làm thị trường sôi động hơn do thông báo mở thầu tiếp đợt mới. Tin tức quan trọng này xuất phát từ Hội đồng Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA), theo đó chấp thuận cho nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo năm 2018, đưa tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này trong năm 2018 lên 750.000 tấn, chỉ trong vòng ba tháng. Philippines cũng thông qua hạn ngạch nhập khẩu 1 triệu tấn gạo cho năm 2019; tuy nhiên, động thái này chưa tác động mạnh đến thị trường gạo hiện tại nhưng là yếu tố chi phối trong tương lai.
Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước như Philippines, Indonesia, Iraq tăng nhằm bù đắp sản lượng thiệt hại do thiên tai và nhu cầu tiêu thụ gạo thường tăng vào các tháng cuối năm; vì vậy, dự báo, thị trường lúa gạo trong nước sẽ khởi sắc trong quý IV-2018.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, lượng lương thực bị tổn thất sau thu hoạch trên thế giới có thể nuôi sống được 200 triệu người, quy đổi tương đương khoảng 48 tỉ USD. Tại Việt Nam, theo các chuyên gia, cho dù thị trường có khởi sắc đến đâu nếu mỗi năm lượng lương thực tổn thất sau thu hoạch còn quá lớn thì tích lũy của người nông dân vẫn không cao. Nếu ngành nông nghiệp giảm được tổn thất sau thu hoạch sẽ tăng gấp đôi lợi nhuận cho người nông dân. Tuy nhiên, trên thực tế việc giảm tổn thất sau thu hoạch còn gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, các cuộc giải cứu nông sản, các điệp khúc được mùa mất giá… là do ngành nông nghiệp mới giải quyết được khâu sản xuất còn hai khâu bảo quản và chế biến nông sản vẫn còn yếu; trong đó dễ hình dung nhất là tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch bình quân của các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam còn quá cao, khoảng 20% – 25%.