Tuy Trung Quốc là nước sử dụng năng lượng nhiều nhất thế giới, song nếu tính bình quân mức tiêu thụ trên đầu người thì mỗi người Mỹ tiêu thụ năng lượng nhiều gấp 3,5 lần mỗi người Trung Quốc. Trong cuộc vận động tranh cử vừa qua, cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Mitt Romney và Barack Obama đều đề cập đến khả năng đạt đến sự “độc lập về năng lượng” và điều này được cử tri đánh giá không phải là một lối tuyên truyền suông. Bởi vì mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự báo nước Mỹ sẽ trở thành nhà sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới vào năm 2020, vượt qua cả Ả Rập Saudi và Liên bang Nga. Vào thời điểm trên, nước Mỹ sẽ sản xuất được 11,1 triệu thùng dầu mỗi ngày để đến 15 năm sau (2035), sẽ tự túc được các loại năng lượng sử dụng trong nước. Khi đó, họ chỉ cần nhập khẩu dầu lửa bằng một phần ba mức sử dụng hiện nay, tức hơn 3 triệu thùng dầu/ngày, bù vào khoản nhập này bằng những khoản xuất các dạng năng lượng khác, chủ yếu là than đá và khí đốt. Sự thừa thãi về khí đốt sẽ kéo theo sự hạ giảm của giá điện và điều này giúp nền công nghiệp Mỹ phát triển mạnh, đặc biệt trong những khu vực rất khát năng lượng như nhôm, thép và thủy tinh. Giá gas rẻ cũng sẽ tạo điều kiện phát triển nền công nghiệp hóa dầu trong việc sản xuất ra những mặt hàng hữu ích bằng nhựa. Gas không tạo ra nhiều khí thải độc hại bằng than đá và dầu lửa, thế mạnh này của Mỹ sẽ giúp giảm thiểu đáng kể lượng khí thải so với châu Âu. Sự phát triển nguồn năng lượng của Mỹ ảnh hưởng đến cả những khu vực ngoài châu Mỹ và thay đổi vai trò của Bắc Mỹ trong thương mại năng lượng toàn cầu. Khi nước Mỹ tự cân đối được nguồn năng lượng cần sử dụng thì điều sẽ xảy ra là một phần khá lớn lượng dầu khí từ Trung Đông sẽ chuyển hướng về châu Á. Và điều này sẽ kéo theo mối quan tâm về sự an toàn của con đường chiến lược từ Trung Đông đi đến các thị trường châu Á.
Một địa điểm khai thác dầu lửa tại Mỹ
Theo IEA, trong một tương lai gần, thị trường năng lượng toàn cầu sẽ bị tác động bởi một vài quốc gia đang xóa bỏ nguồn năng lượng hạt nhân cùng sự phát triển nhanh chóng của năng lượng gió và mặt trời. Đến năm 2035, năng lượng toàn cầu sẽ tăng thêm một phần ba so với thời điểm hiện tại, trong khi nhu cầu năng lượng sẽ tăng thêm 60% từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Trung Đông.
Lê Nguyễn tổng hợp