Đây là một sự sa sút đáng lo ngại nếu ta biết rằng trong thời khoảng giữa những năm 1990-2008, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của thương mại thế giới là 6%, thậm chí trong năm 2010, tỷ lệ này là 14%. Theo nhận định của các nhà phân tích kinh tế, nguyên nhân chính của tình trạng trên là sự phát triển chậm của châu Âu do cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài ở một số nước. Bên cạnh đó, nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ cũng tăng trưởng thấp hơn mức dự báo. Theo một kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), các ngân hàng châu Âu giữ vai trò chính trong tài chính thương nghiệp, năm 2011, họ chiếm đến 36% tài chính thương mại toàn cầu. Chỉ riêng các ngân hàng Pháp và Tây Ban Nha cũng đã cung ứng 40% tín dụng thương mại cho châu Á và châu Mỹ Latin. Tuy nhiên, cũng trong thời điểm trên, các ngân hàng trong khu vực đồng euro đã cắt giảm các hoạt động tài chính thương mại, vì lý do là thương mại toàn cầu dựa vào đồng USD và các tổ chức tín dụng khu vực đồng euro cảm thấy khó tiếp cận dòng vốn USD bằng tiền mặt. Mặt khác, nhiều ngân hàng châu Âu đang gánh chịu áp lực phải tập trung hoạt động của họ vào thị trường nội địa.
Một hội nghị về thương mại toàn cầu do WTO tổ chức
Song song với những yếu tố trên, chính sách bảo hộ ngày càng lấn thế trong thương mại toàn cầu đang đe dọa các mục tiêu phát triển. Ngày 4-9-2012, Brazil loan báo sẽ tăng thuế nhập khẩu 100 mặt hàng; Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục tranh cãi về mặt hàng thép. WTO khuyến cáo các nước thành viên cần tạo ra sức sống mới cho hệ thống mậu dịch toàn cầu vì trong một thế giới mà sự lệ thuộc lẫn nhau ngày càng cao thì những biến động kinh tế ở một khu vực có thể lan nhanh sang những khu vực khác. Nhìn về năm 2013 sắp tới, WTO cũng không lạc quan hơn khi dự báo thương mại thế giới sẽ tăng trưởng 4,5% so với những tính toán cũ là 5,6%. Xuất khẩu của các nước phát triển sẽ tăng 4,1% và của các nước đang phát triển sẽ tăng 7,2%. Trong khi nhập khẩu ở các nước đang phát triển sẽ tăng 7,8% trong năm tới thì nhập khẩu ở khu vực phát triển chỉ tăng 3,9%, điều này dự báo nhiều khó khăn hơn cho những nước sống dựa phần lớn vào nguồn xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Lê Cần tổng hợp