Internet là ảo, những dòng bình luận rồi sẽ chết, nhưng con người thì sống. Đó chính là lý do tại sao mạng xã hội ảo là ánh xạ hoàn hảo nhất của cuộc đời thật.
Vuông, tròn, tam giác
Vào những ngày tháng 9-2018, mạng xã hội nóng lên với các khối vuông, tròn, tam giác. Tất cả xuất phát từ một clip cô giáo dạy các bé lớp 1 đọc câu ca dao: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” bằng các hình khối, thay vì đọc từng chữ như nhiều thế hệ người đã được dạy.
Ngày vào lớp 1 chúng ta đã được học theo phương pháp gộp vào. Ví dụ: chữ bờ (b) gộp với chữ (a) ta có chữ “ba”, lấy chữ (a) ghép với chữ (n) ta có chữ “an”. Như vậy ta biết chữ trước, biết âm sau, rồi cuối cùng là học đánh vần. Tuy nhiên, các khối vuông tròn tam giác này lại dạy trẻ tách ra, tức là thay vì dạy chữ thì ta sẽ dạy âm trước. Âm là âm thanh, chữ là chữ viết. Một đường nghe nói trước viết sau, một đường viết trước nghe nói sau. Và sự lạ lùng trên đủ châm ngòi cho một “phong trào” biến chữ viết thành các khối vuông, tròn, tam giác thông qua hàng loạt video, ảnh chế, tin nhắn…
- Xem thêm: Mạng xã hội – lạnh nhạt ảo, đau khổ thật
Tuy nhiên, câu chuyện đã vượt quá một trò đùa vui. Nhiều bậc phụ huynh có con đang học lớp 1 bắt đầu phát hoảng, rồi hàng loạt câu hỏi được đặt ra về chất lượng nội dung của chương trình mà con mình đang học và kết quả là tác giả của bộ sách – giáo sư Hồ Ngọc Đại, đã trở thành tâm điểm của chỉ trích. Cái khác ở đây là “vật cùng tất biến, vật cực tất phản”. Giáo sư Hồ Ngọc Đại là một người hoạt động giáo dục và là một tiến sĩ khoa học hết sức nghiêm túc đã hàng thập niên qua. Tâm huyết lớn nhất của ông, Công nghệ giáo dục Thực nghiệm đã tạo ra không ít thế hệ tài năng Việt Nam vươn tầm thế giới. Cho nên khi một người như ông rơi vào bão chỉ trích, những người bấy lâu “ẩn mình” dành thời gian tìm hiểu về ông đã lên tiếng phản pháo. Cuộc chiến “ảo” đã nổ ra giữa những con người thật.
Họ, những người chưa từng gặp mặt gọi tên, đã mang những nỗi lo riêng và những luận cứ tự thân thấy xác đáng, hòa quyện lại và tạo nên một màng “face chiến”, “bút chiến”. Kết quả là đã có hàng ngàn người bước ra ngoài cuộc đời nhau thông qua nút “unfriend”.
Đội tuyển Việt Nam
Ngược lại về đầu năm 2018 với bộ phim hùng tráng của U-23 Việt Nam. Hẳn ai cũng nhớ Quang Hải ngày đó đã vẽ nên cầu vồng giữa bầu trời tuyết trắng thế nào, Duy Mạnh đã tách đoàn cắm lá cờ Việt trên đụn tuyết Thường Châu thế nào. Hôm ấy cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều mưa, nhưng lòng người thì ấm. Lâu lắm rồi, người ta mới tự hào hô vang “Việt Nam vô địch” giữa đường phố ngập tràn sắc đỏ. Hôm ấy là 27-1-2018.
11-12-2018, đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) góp mặt tại trận chung kết AFF Cup lượt đi gặp Malaysia. Cái khác là cách đó không lâu, chính đoàn quân áo đỏ đó đã đường hoàng ngồi vào chiếc ghế dành cho “đệ tứ anh hào” trong làng túc cầu châu Á. Tại Việt Nam, màn hình cỡ lớn được lắp khắp nơi, đến người không quan tâm đến chuyện banh bóng cũng phải rợn người khi nghe bình luận viên hô to: “Sút! Vàoooooooo”. 1-0 rồi 2-0 cho đội U-23 Việt Nam. Chức vô địch chưa bao giờ gần thế.
Thế rồi… Hà Đức Chinh, người từng tạo nên xúc cảm tuyệt vời khi thực hiện một pha băng cắt ghi bàn ấn định tỷ số vào phút 112 trong trận gặp U-23 Iraq, vừa bỏ lỡ hai tình huống mười mươi. Chỉ cần Đức Chinh tận dụng tốt một tình huống thôi thì tỷ số đã có thể là 3-0 hoặc tệ nhất là 3-2. Như thế Việt Nam coi như đã chạm một tay vào chiếc cup vô địch. Nhưng không…, mọi chuyện không diễn ra như thế. Đêm đó, mạng xã hội sôi sục. Có người dẫn số liệu, tiền đạo của tuyển Việt Nam chỉ ghi đúng một bàn duy nhất trong ba giải gần nhất mà anh góp mặt; và với một tiền đạo, thành tích đó là không thể chấp nhận. Nhưng cũng có người lật ngược vấn đề, một tiền đạo phải ghi bàn nhưng một kẻ không biết đóng góp cho lối chơi chung là một tên ích kỷ, không đáng góp mặt trong đội tuyển. Dĩ nhiên, bình luận vừa rồi bảo vệ cho Đức Chinh.
- Xem thêm: Mạng xã hội đang giết chết tình bạn
Không biết đánh giá như thế có ổn về chàng trai sinh năm 1997 này không. Tuy nhiên, một điều ta biết chắc là đêm đó Đức Chinh là người buồn nhất. Vì trên hết, anh đã ở đó tận mắt nhìn thấy và cảm nhận sâu sắc những pha bỏ lỡ của chính mình. Khi ghi công anh rực rỡ bao nhiêu thì khi bỏ lỡ anh điêu tàn đến tận đáy.
Dĩ nhiên, Đức Chinh không phải là điểm nóng duy nhất trong đêm đó. Ở một diễn biến khác, cuộc tranh cãi về việc “đi bão hay không?” cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nói cho cùng thì “đi bão” cũng như “thả thính” hay “chém gió”, không hề được quy định trong từ điển nhưng được định hình nhờ sự lặp đi lặp lại của nhiều người. Năm 2018 chứng kiến sự thăng hoa của đội Việt Nam thì đương nhiên “đi bão” cũng diễn ra thường xuyên hơn. Cảnh tượng nồi, niêu, xoong, chảo, kèn, trống, thậm chí là pháo sáng kéo ra đường ăn mừng chiến thắng là niềm hân hoan mà cũng là nỗi hoảng sợ đối với nhiều người.
Rồi sao nữa?
Những câu chuyện kể trên chỉ là sự góp nhặt nhỏ bé trong những cuộc tranh luận “ảo” đã nổ ra trong năm 2018. Cách ứng xử của mọi người có gợi lên trong bạn điều gì? Đó là tâm lý đám đông, là hiệu ứng ngược dòng, hay là ánh xạ cho văn hóa lắng-nghe-sự-khác-biệt đang ngầm hiện hữu trong mỗi con người chúng ta?
Ở thế giới ảo, chúng ta bắt gặp những chất liệu hoàn hảo để một người bày tỏ ý nghĩ. Thời ông bà ta, mỗi khi muốn bày tỏ điều gì phải suy nghĩ thật cặn kẽ rồi mới thưa thốt hay đặt bút viết. Còn thời nay, mạng xã hội tạo đủ khoảng cách để chúng ta chẳng cần quan tâm ai là người thật đằng sau nick “ảo” kia, đồng thời, internet cũng đủ nhanh để ta gõ những gì mình nghĩ và đăng nó lên trong vòng chưa đầy 2 phút. Tiện lợi hơn mà cũng hời hợt hơn.
- Xem thêm: Tỉnh táo mạng
Nếu ông bà ta phải tìm đủ cách để giữ lễ với người đối diện, một thứ văn hóa đề cao sự nhún nhường cốt để không chạm vào lòng tự ái của ai cả, thì phải chăng mạng xã hội đã cho phép đảo ngược tất cả, tốc độ và sự tiện lợi giúp ta thỏa mãn cảm xúc nhất thời trong khi gây ra sự khó chịu, thậm chí là giận dữ cho kẻ khác. Hơn nữa, còn một điều mà ta quên mất: Tranh cãi rồi thì sao nữa? Ta có giải pháp gì cho vấn đề này hay không? Chất lượng của giải pháp là bằng chứng không thể thuyết phục hơn cho tư duy của người nghĩ ra nó.
Một điều chắc chắn là tất cả chúng ta không ai muốn phải nghe lời khó chịu, càng không thích bị kéo vào một vòng xoáy không lối ra. Vậy tại sao không ngồi lại, từ từ ăn miếng bánh “nhìn” người kia gõ gì, uống miếng nước xem có nên hằn học trả lời người ta hay không, rồi lẳng lặng đi tìm lời giải cho chính mình.