Trong buổi phỏng vấn một thành viên trong ban điều hành của công ty X là khách hàng của mình, Ron Carucci, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Navalent, tổ chức tư vấn về chuyển đổi cho các công ty, đã nhận được phản hồi sau từ một nhà quản lý của công ty X: “Tôi không bao giờ có thể đạt được các kỳ vọng từ CEO (tổng giám đốc) của mình. Tôi bắt đầu tự hỏi vì sao tôi phải cố gắng như thế”.
Carucci cho biết, khi trao đổi với vị CEO của công ty nói trên về vấn đề này thì cô ấy lại nói rằng: “Nhân viên luôn cảm thấy thất vọng với tôi. Tôi đặt ra các tiêu chuẩn rất cao. Và đó là lý do vì sao tôi luôn có được kết quả tốt”. Theo quan điểm quản trị truyền thống, các nhà lãnh đạo nên đặt ra những tiêu chuẩn cao cho nhân viên, thế nhưng Carucci cho rằng khi nhân viên không bao giờ đạt được các tiêu chuẩn cao do sếp đặt ra, thì những yêu cầu, kỳ vọng ấy của sếp sẽ trở thành vũ khí giết chết những tiềm năng chưa được khai thác hết của nhân viên, trong trường hợp xấu hơn điều đó còn khiến cho họ cảm thấy “cay đắng” với sếp.
Để hiểu rõ hơn vấn đề nói trên, Navelent đã thực hiện một nghiên cứu với hơn 300 giám đốc điều hành ở 10 quốc gia. Kết quả cho thấy khoảng 35% giám đốc thất bại trong quản lý nhân sự vì có xu hướng mong đợi sự hoàn hảo từ nhân viên. Nguyên nhân là những nhà lãnh đạo chú trọng thành tích có vẻ như không bao giờ cảm thấy hài lòng với bất cứ một kết quả nào. Carucci cho rằng khi các nhà lãnh đạo nghĩ rằng họ đang “thúc đẩy nhân viên làm việc tốt nhất” thì thực tế họ lại đang đưa nhân viên đến chỗ thất bại. Carucci khuyên các sếp nên cân nhắc kỹ liệu việc thúc đẩy nhân viên của mình có thể dẫn đến những “phản ứng phụ” không mong muốn như dưới đây hay không.
Thất vọng về bản thân
Theo Carucci, thường thì không chỉ nhân viên cấp dưới bị áp đặt những tiêu chuẩn cao trở nên bất mãn người lãnh đạo của mình mà bản thân người lãnh đạo ấy cũng sẽ đặt ra cho mình những kỳ vọng cao và không bao giờ cảm thấy hài lòng. Nếu không cảm thấy hài lòng hay tự hào với những kết quả làm việc của nhân viên thì nhà lãnh đạo sẽ không có được niềm vui và sự thỏa mãn về nghề nghiệp trong quá trình làm việc. Carucci khuyên nếu là một nhà lãnh đạo như thế, các sếp hãy để ý đến những gì mình tự nói về kết quả làm việc của mình. Nếu trong câu chuyện ấy, họ cảm thấy không thỏa mãn hay tự hào về kết quả làm việc hoặc năng lực của mình thì rất có thể họ đang tự đặt ra tiêu chuẩn quá cao cho mình.
- Xem thêm: Khi “cây gậy và củ cà rốt” là chưa đủ
Làm mất đi sự tự tin của nhân viên
Trong cuốn Impossible to Please (tạm dịch: Không thể hài lòng), Neil Lavender và Alan Cavailoa đã viết: “Khi bạn nhận ra mình đang làm việc cho một nhà quản lý theo chủ nghĩa hoàn hảo, bạn sẽ có thể luôn phải chịu sự chỉ trích cao và bắt đầu cảm thấy mình trở nên thấp kém như thể bạn chẳng làm được điều gì ra trò”. Theo Carucci, khi đặt ra các tiêu chuẩn quá cao cho nhân viên, sếp sẽ làm cho họ có cảm giác là kẻ thất bại, từ đó mất đi sự tự tin và không muốn cố gắng nữa. Họ sẽ tự trách bản thân, thậm chí trở nên oán giận sếp và bị ám ảnh bởi những chỉ trích thường xuyên của sếp. Tệ hơn, do không biết điểm dừng của các tiêu chuẩn cao mà sếp đặt ra cũng như đâu là khiếm khuyết của mình nên họ sẽ không thể hoàn thiện bản thân. Và họ cũng có thể sẽ phản ứng theo cách của vị quản lý: “Rốt cuộc tôi nhận ra rằng cách an toàn nhất là không làm gì cả”.
Làm suy giảm “sức đề kháng” của tổ chức
Khi các nhân viên luôn tự vấn về năng lực bản thân hoặc bị phê bình, rất khó để “sốc” lại tinh thần của họ sau một thời gian dài bị chìm trong tâm lý bất lực. Gặp các khó khăn nhân viên sẽ trở nên “bị đơ” thay vì sáng tạo. Nói cách khác, sự bất mãn thường xuyên của sếp sẽ làm tiêu hao năng lượng của nhân viên.
Carucci đưa ra những lời khuyên sau đây giúp các nhà lãnh đạo khắc phục những hậu quả nói trên.
Học cách kiểm soát sự bất mãn
Sự bất mãn tất nhiên phải có ở một nhà lãnh đạo nhưng vấn đề là cần phải thể hiện điều đó với nhân viên một cách có chọn lọc. Trong trường hợp nhân viên cần cải thiện kết quả làm việc thì việc thúc đẩy họ có thể là cách làm tốt. Nhưng vì sếp có một quyền lực nhất định đối với nhân viên, sự bất mãn của sếp sẽ có tác động và “sức nặng” lớn hơn. Nhân viên nào cũng muốn làm hài lòng sếp và khi họ nghĩ rằng không thể làm điều đó, họ sẽ nhanh chóng bị xuống tinh thần. Nhưng nếu họ tin rằng mình có thể đạt được các yêu cầu do sếp đưa ra thì họ sẽ có khả năng thành công cao hơn.
Khen trước, phê bình sau
Nếu muốn nhân viên đón nhận những lời phê bình của mình một cách tích cực, trước hết sếp cần phải nhận ra những điểm mạnh cùng sự đóng góp của họ và nói cho họ biết điều đó.
Cân nhắc về cách thức và thời điểm đưa ra các yêu cầu cho nhân viên
Các nhà lãnh đạo hoàn hảo thường không báo trước cho nhân viên các yêu cầu cao cho đến khi họ không đáp ứng được kỳ vọng của mình. Carucci khuyên các sếp nên cân nhắc kỹ trước khi phản ứng trong trường hợp nhân viên chưa thực hiện được những điều mà mình mong đợi. Hãy tự hỏi liệu nhân viên chưa đạt yêu cầu có hiểu được những kỳ vọng của sếp hay chưa. Sau đó hãy tự hỏi liệu những yêu cầu này có thực tế hay không trong bối cảnh hiện tại và với năng lực hiện có của nhân viên. Sếp nên truyền thông đến nhân viên về các mong đợi của mình đúng lúc, đảm bảo các yêu cầu ấy là công bằng và có tính khả thi.
Đối xử tốt với bản thân
Sếp sẽ dễ “tha thứ” cho nhân viên hơn nếu giảm bớt các yêu cầu đặt ra cho bản thân. Nên xem lại liệu nhận thức về bản thân mình có thiếu tính khách quan hay không và trong điều kiện nào thì mình sẽ trở nên bất mãn với bản thân.