Chính quyền Tổng thống Barack Obama dường như đang tìm cách mở rộng thị trường khí đốt tự nhiên của mình như một vũ khí để giảm bớt ảnh hưởng của Nga tại Ukraina và châu Âu.
Hôm cuối tuần qua, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ thuộc đảng Cộng hòa John Boehner cho biết ông hy vọng Tổng thống Obama sẽ chỉ thị Bộ trưởng Năng lượng chấp thuận tức thì yêu cầu xuất khẩu khí đốt để các nước bạn của Mỹ tại châu Âu và trên thế giới có thể giảm bớt sự lệ thuộc đối với Nga.
Một đoạn đường ống dẫn khí Tây Siberia của Nga
Trong khi đó các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn như Exxon Mobil cũng hối thúc chính quyền Obama tăng tốc độ xuất khẩu dầu và khí tự nhiên dù Washington chưa từng xuất khẩu khí đốt.
Động thái của Mỹ diễn ra ngay sau khi nhà lãnh đạo Nga đe dọa cắt đứt nguồn khí đốt cho châu Âu bởi những bất đồng liên quan đến khủng hoảng Ukraina.
Moscow đe dọa ngừng bán khí đốt với lý do Kiev không có khả năng thanh toán các khoản nợ chồng chất cho Nga. Đây dường như là đòn trả đũa đối với cảnh báo thắt chặt trừng phạt Nga của Liên minh châu Âu.
Trước đó, Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga cho biết vì Ukraina không thể thanh toán khoản nợ kếch xù lên tới 2 tỉ USD nên họ sẽ giảm cung cấp khí đốt cho Kiev. Điều này có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt cho toàn châu Âu.
“Chúng tôi không thể cung cấp khí đốt miễn phí. Hoặc là Ukraina thanh toán nợ hoặc là trả khoản tiền hàng hiện tại nếu không họ sẽ phải đối mặt với những gì từng xảy ra đầu năm 2009”, người đứng đầu Gazprom, ông Alexey Miller nhấn mạnh.
Người Ukraina chống chiến tranh biểu tình ở Potemkin Steps
Ukraina là một trong những tuyến đường vận chuyển khí đốt chính của châu Âu. Năm 2006 và 2009, việc Gazprom đình chỉ xuất khẩu khí đốt đã đe dọa các lưới điện quốc gia và gây ra tình trạng giá cả leo thang mạnh.
Châu Âu lâu nay phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, thậm chí một số quốc gia phụ thuộc đến 100%. Và nếu nguồn cung cấp khí đốt đột ngột bị gián đoạn, châu Âu sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Hãng tin Reuters nhận định việc cho phép một nguồn cung khí đốt ổn định từ Mỹ đến châu Âu sẽ có lợi cho cả hai khu vực, xét về mặt địa chính trị, môi trường lẫn vấn đề kinh tế. Điều đó sẽ thúc đẩy sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương và tạo thế thống nhất trong phản ứng giữa Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đối với động thái can thiệp quân sự ở Crimea của Nga.
Trong một diễn biến khác, bốn quốc gia Trung Âu đã đề nghị Hoa Kỳ tạo điều kiện dễ dàng để các nước này có thể nhập khẩu khí đốt của Mỹ nhằm giảm bớt lệ thuộc vào Nga.
Đại sứ các nước Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia đưa ra yêu cầu nói trên trong một bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện John Boehner. Các nước này nói khí đốt của Mỹ sẽ được hoan nghênh tại Trung và Đông Âu và sẽ là lợi ích chính của Mỹ trong vùng.
Lâu nay Ukraina và Liên minh châu Âu vẫn e ngại Nga vì quá lệ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ nước này, nhưng Washington cũng có thể thông qua việc xuất khẩu khí đốt để phá thế thượng phong của Moscow.
Từ năm 2011, Bộ Ngoại giao Mỹ từng đề nghị tận dụng nền công nghiệp khí đốt phát triển của nước mình như một quân bài ứng phó với Nga, nhưng đã vấp phải sự phản đối của các tổ chức bảo vệ môi trường, một bộ phận thành viên đảng Dân chủ và giới doanh nghiệp chế tạo hưởng lợi từưu thế năng lượng bản địa.
Tuy nhiên, cục diện hiện nay tại Crimea làm giảm sức ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trên. Đề xuất này càng nhận được nhiều sựủng hộ khi Tập đoàn khí đốt Gazprom mới đây tuyên bố chấm dứt cơ chếưu đãi giá cho Ukraina, khi mà 60% lượng khí đốt của quốc gia này là do Gazprom cung cấp.
Theo nhiều chuyên gia, sách lược của chính phủ Obama là tìm cách giảm thiểu lượng xuất khẩu khí đốt của Nga một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, từ đó kiềm chế hành động của Moscow trong tương lai. Washington hoàn toàn có ưu thế, bởi Mỹ đang áp sát Nga để trở thành nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới.
Về mặt kinh tế, việc xuất khẩu khí đốt có thể giúp giảm thâm hụt thương mại Mỹ và giúp cung cấp nhiên liệu cho những nơi nguồn cung khan hiếm và đắt đỏ.
Bất chấp mọi phản đối, Mỹ đang hướng đến xuất khẩu khí đốt tự nhiên, một điều có thể làm rung chuyển thị trường năng lượng thế giới. Việc bùng nổ khai thác khí tự nhiên cho thấy Mỹ có thể duy trì nguồn cung khí đốt giá rẻ trong ít nhất từ 30 đến 50 năm nữa.
V.Đ