Theo báo cáo mới nhất về khảo sát mức sống toàn cầu do Economist Intelligence Unit (EIU) công bố, Singapore chính thức soán ngôi thủ đô Nhật Bản để trở thành đô thị đắt đỏ nhất thế giới trong năm 2014. Kết quả có được sau khi EIU đánh giá 400 mức giá của 160 sản phẩm, dịch vụ tại 131 thành phố trên thế giới. Báo cáo này nhận định việc định giá lại tài sản cùng với tỷ lệ lạm phát gia tăng mỗi năm và đời sống cao đã tạo ra mức giá sinh hoạt cao tại đảo quốc Sư tử. Chẳng hạn như chi phí đi lại bằng xe hơi. Người sở hữu xe hơi riêng phải đóng khoản phí thường niên rất cao, khiến cái giá phải trả cho việc đi xe hơi trở nên quá đắt đỏ. Theo đó, chi phí đi lại tại Singapore cao gấp ba lần New York và giá bán một chiếc xe Toyota Prius cũng cao gấp ba lần ở Mỹ. Mặt khác, việc khan hiếm nhiên liệu, phải lệ thuộc rất nhiều vào những quốc gia khác về nguồn điện và nước khiến Singapore trở thành địa điểm đắt đỏ nhất về chi phí sinh hoạt. Singapore cũng là nơi có giá bán quần áo đắt nhất thế giới.
Mumbai, thành phố có mức sống rẻ nhất thế giới
Việc Singapore chiếm ngôi đầu bảng cũng đánh dấu sự lớn mạnh của các đô thị kinh tế mới nổi khác tại châu Á về giá cả và mức sống cao. Bên cạnh Tokyo vốn đứng ở vị trí quán quân hơn mười năm nay (cho đến năm 2013) và hiện đang giữ hạng 6, những thành phố đắt đỏ khác ở châu Á khác còn bao gồm Hongkong (hạng 13), Thượng Hải (21), Bắc Kinh (47) và Bangkok (61). Trong bảng xếp hạng của EIU, hàng loạt thành phố đắt giá lâu đời của châu Âu hiện diện trong top 10 là Paris (hạng 2), Olso (3), Zurich (4), Geneva (đồng hạng 6) và Copenhagen (7). Hai thành phố của Úc là Sydney và Melbourne lần lượt xếp hạng 5 và đồng hạng 6. Thành phố đắt đỏ nhất châu Mỹ là thủ đô Caracas của Venuezuela (xếp đồng hạng 6). Thành phố đắt đỏ nhất của Hoa Kỳ là New York bất ngờ tuột khỏi top 20 khi rơi xuống vị trí 26, cho thấy đời sống tại Mỹ đang tiếp tục tỏ ra bình dân hơn.
Tuy nhiên, theo EIU, châu Á cũng tập trung nhiều thành phố có giá cả sinh hoạt thấp nhất thế giới, chủ yếu tập trung quanh tiểu lục địa Ấn Độ. Mumbai trở thành thành phố rẻ nhất thế giới. Mặc dù Ấn Độ đã nỗ lực rất nhiều hướng đến sự tăng trưởng kinh tế cho tương lai, nhưng phần lớn sự phát triển ấy đi cùng với lợi thế đông dân. Mức thu nhập quá thấp của phần lớn dân số khiến chi phí sinh hoạt hằng ngày luôn bị kìm hãm ở mức thấp. Thực tế ấy cộng với nguồn cung cấp lương thực giá rẻ và dồi dào cũng như hỗ trợ lương thực từ chính phủ trên nhu yếu phẩm, khiến giá cả tại Ấn Độ bị đẩy xuống rất thấp so với tiêu chuẩn của thế giới. Karachi (Pakistan), New Delhi (thủ đô Ấn Độ), Kathmandu (thủ đô Nepal) cũng góp mặt trong top 10 thành phố cuối bảng. Thành phố rẻ nhất tại châu Âu là Bucharest (Romania), tại Trung Đông là Damascus (Syria), tại châu Mỹ là Panama City (Panama) và tại châu Phi là Algiers (Algeria).
Lâm Kiên theo CNN