Các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua dự luật hỗ trợ 1 tỷ USD để giúp các nhà mạng viễn thông “loại bỏ và thay thế” thiết bị của các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE.
Các nhà lập pháp Mỹ mới đây đã thông qua dự luật về việc hỗ trợ 1 tỷ USD để giúp các nhà mạng viễn thông “loại bỏ và thay thế” thiết bị của các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE vì những lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia.
Theo đó, dự luật sẽ cung cấp khoản tài chính nêu trên để hỗ trợ việc loại bỏ thiết bị “gây rủi ro an ninh quốc gia” của các công ty viễn thông có dưới hai triệu khách hàng.
Dự luật cũng cấm sử dụng quỹ liên bang để mua hoặc bảo trì thiết bị viễn thông từ các nhà cung cấp “không đáng tin cậy”, qua đó luật hóa lệnh cấm tương tự mà Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đưa ra hồi năm ngoái.
Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn biện pháp này vào cuối ngày thứ Năm (27/2), sau khi thông qua tại Hạ viện trước đó. Dự luật này hiện đã được trình lên Nhà Trắng để xin chữ ký từ Tổng thống Donald Trump.
Thượng nghị sĩ Roger Wicker, một người ủng hộ dự luật trên, nói rằng bằng cách thiết lập chương trình ‘loại bỏ và thay thế’, luật này sẽ đưa ra những biện pháp bảo vệ cao hơn cho các mạng viễn thông của nước Mỹ cũng như đảm bảo các kết nối an toàn hơn cho người dân Mỹ.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung về thương mại và những cáo buộc của Washington về mối liên hệ của Huawei với Chính phủ Trung Quốc chưa được giải quyết dứt điểm.
Hồi đầu tháng Hai, các quan chức Mỹ đã công bố một bản cáo trạng hình sự, trong đó cáo buộc “người khổng lồ” công nghệ Trung Quốc tham gia vào việc đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty Mỹ. Quá trình này được cho là đã “kéo dài hàng thập kỷ”.
Huawei, một trong những công ty công nghệ và nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất toàn cầu, cũng đã bị cấm nhập khẩu nhiều sản phẩm và dịch vụ công nghệ của Mỹ.
Về phía ZTE, công ty này cũng bị cáo buộc có mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc, đồng thời bị phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ khi xuất khẩu sản phẩm công nghệ sang Iran và Triều Tiên.