Trong cuốn Sự va chạm của các nền văn minh, tác giả Samuel Hungtinton đã phải dè dặt, thận trọng khi xếp văn hóa Nhật vào một trong 8 nền văn minh trên thế giới.
Vào thời kỳ cổ đại, Nhật Bản từng tiếp thu văn minh Trung Hoa, bước sang thời hiện đại, Nhật Bản tiếp tục chịu ảnh hưởng văn minh phương Tây. Vậy mà trước sau Nhật Bản vẫn là một nền văn hóa hết sức độc đáo – điều khiến cho nhà nghiên cứu chiến lược Mỹ Samuel Huntington phải dành một vị trí riêng biệt trong bảng phân loại các nền văn minh trên thế giới.
Quan sát những biểu hiện sống động trong đời sống, ta cũng có thể thấy được sự khác biệt ở người Nhật, đặc biệt về phương thức sáng tạo văn hóa thể hiện tính tương phản.
Mặt trời và bóng tối
Trong Thế chiến thứ 2, Nhật Bản là quốc gia chủ chiến từng thôn tính nhiều đất nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhật Bản vốn được mệnh danh là “Xứ sở Mặt trời mọc”. Trong tiếng Nhật, quốc kỳ gọi là Nisshoki hay Hinomaru, hiểu nôm na là hiện thân của đất nước Mặt trời mọc. Thế nhưng, dưới ngọn cờ mặt trời đó, xét về cảm quan, ý niệm thẩm mỹ của người Nhật lại chìm trong sắc màu ảm đạm, thậm chí tụng ca bóng tối.
Trong cuốn Tụng cả bóng tối, nhà văn Junichiro Tanizaki bày tỏ quan niệm thẩm mỹ của người Nhật qua việc đề cao quyền năng của bóng tối. Trong cách thức sáng tạo, thể hiện văn hóa, người Nhật giấu giếm, che đậy những gì tốt đẹp vào bên trong bóng tối. Những hình ảnh ảm đạm, mờ ảo, u tịch xuất hiện thường xuyên hay lởn vởn quanh tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật không gian, từ kiến trúc đền miếu, lâu đài, gác thự, nhà cửa cho đến loại hình diễn xuất, kịch No, trà đạo, bố cảnh sân vườn…
Tất cả hiện lên qua lớp ánh sáng mờ đục, nhạt nhòa, ảm đạm. Cảnh không gian tịch vắng, ánh sáng yếu ớt, u sầm đem tới cảm giác bình yên, cô tịch. Xã hội Nhật có sự phát triển cao về khoa học, kỹ thuật, nhưng người Nhật lại sống trong những ngôi nhà thiếu thốn ánh sáng. Điều đó hoàn toàn tương phản với văn minh phương Tây.
- Xem thêm: Những biểu tượng tài lộc ở Nhật Bản
Người phương Tây nói chung rất ưa chuộng ánh sáng. Trong các tòa biệt thự, ánh sáng là thứ không thể tiết kiệm. Đèn điện hay nến đều được khai tác tối đa nhằm rọi chiếu các góc cạnh ẩn khuất, kể cả đường nét trên cơ thể con người. Sự quyến rũ, sức hấp dẫn của văn minh phương Tây một phần nhờ được tôn vinh bởi ánh sáng. Song, đối với văn hóa Nhật, những gì đẹp đẽ, cần tôn vinh lại cất giấu cẩn thận bên trong lớp vỏ dày của ánh sáng mờ ảo, ảm đạm, gợi trí tò mò về sự bí ẩn.
Trong ngôi nhà Nhật, mái, vòm… là những bộ phận quan trọng, nó khiến cho cả tòa kiến trúc phải khiêm nhường, nhún mình trước sức nặng của bóng tối. Phòng khách, nơi ở của chủ nhân thường rất ít ánh sáng. Những tia nắng le lói hắt qua các lỗ hổng, cửa nhỏ tạo nên những đường gấp khúc… kỳ bí, kích thích trí tưởng tượng. Mới bước chân vào ngôi nhà, khách phải thích nghi dần với thứ ánh sáng le lói từ kẽ hở hay đâm xuyên qua bức vách. Tất cả hiện lên trên gam màu bảng lảng với chủ thể là bóng tối.
Ồn ào và lặng lẽ
Cách bố cục không gian của người Nhật nổi lên tính chất hài hòa giữa cảnh quan tự nhiên và nhân tạo, trong đó khoảng trống được đề cao như một phần thiết yếu. Xét về cảm quan, người Nhật quan tâm đến sự tĩnh lặng, ngôn ngữ không lời, trầm mặc. Song, bản chất đó được nhấn chìm xuống lòng hiện tượng.
Nói cách khác, thế giới bên ngoài và nội tâm bên trong là một cấu trúc tương phản. Như chúng ta biết, Nhật Bản có bốn đặc sản, gồm: bão, động đất, sóng thần và núi lửa, chưa kể đất nước này còn phải hứng chịu thảm họa bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Trung bình hằng năm, Nhật Bản xảy ra trên 7.000 trận động đất, khoảng 30 cơn bão, ¾ diện tích đất là núi, trong đó có chừng 80 ngọn núi lửa đang hoạt động và sóng thần.
Đứng ở góc độ thảm họa thiên tai, Nhật Bản giống như một “vùng đất dữ”. Quá trình dịch chuyển các địa tầng có thể gây nên động đất bất cứ lúc nào, nơi nào. Vì thế, bài học về cách ứng xử với động đất trở thành kỹ năng sinh tồn. Dưới mặt đất dịch chuyển, trên mặt biển sóng gào, núi lửa bức xức tuôn trào nham thạch và bão tố… gợi ý cho người Nhật thiết kế, kiến tạo một môi trường văn hóa gắn kết chặt chẽ với thiên nhiên.
Ngoại cảnh bình yên và tâm cảnh bình thản tạo nên sự quân bình trong cuộc sống. Bởi vậy, trên mảnh đất dữ dội này, cảnh quan tịch mịch, thanh bình đến lạ lùng. Tham quan Công viên Awaji giữa mùa hoa Lavender, từng luống hoa xanh mát dịu dàng trải dải bát ngát như tâm hồn xứ sở trỗi dậy từ lòng đất. Công viên Awaji sajiki từng chứng kiến thảm cảnh vụ động đất mạnh 7.3 độ richter xảy ra vào lúc 5g46 phút sáng ngày 17.1.1995.
Vụ động đất này cướp đi sinh mạng của 64.000 người, gần 1/3 công trình kiến trúc của thành phố Kobe bị phá hủy, ký ức về cơn động đất vẫn còn lưu dữ tại Bảo tàng Exhibition Zone thuộc Viện Nghiên cứu giảm nhẹ thiên tai & Đổi mới con người. Awaji sajiki đã được mọc lên trên đống đổ nát. Nó nằm nép mình trên hòn đảo Awaji êm đềm, phía Bắc tỉnh Hyogo, gần thành phố Kobe.
Sau thảm họa năm 1997, người Nhật đã xây dựng lại gần như toàn bộ thành phố. Trong công cuộc tái thiết đó, họ giấu đi vết thương, trầm mình xuống lòng ký ức, nổi lên trên bề mặt cuộc sống là những hình ảnh tương phản, thể hiện sự bình yên, tịch lặng của đất trời. Qua đó thấy rằng, người Nhật đã lãnh hội sâu sắc “tánh không”, xét về phương diện văn hóa.
Dữ dội và dịu êm
Sau làn sóng đầu tư vào Việt Nam từ thập niên đầu thế kỷ 21, văn hóa Nhật từng bước du nhập nước ta. Trước đó, sản phẩm có nguồn gốc Nhật Bản từng theo chân những người đi biển. Công ty Vận tải biển Vosco có trụ sở đặt tại thành phố Hải Phòng là một trong những đầu mối dẫn đầu đưa đón các sản phẩm có nguồn gốc Nhật vào nước ta.
Có thể nói, “Con đường tơ lụa” trên biển đã góp công tạo nên sự dịch chuyển, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, trong đó có văn hóa Nhật, từ mặt hàng điện tử, phương tiện di chuyển… cho đến đồ gia dụng. Gần đây, sản phẩm làm đẹp, truyện tranh, phim hoạt hình Manga, Anime, thực phẩm chức năng, âm nhạc… rất được ưa chuộng. Thứ văn hóa dễ thương được coi như nơi ký thác, thể hiện đặc trưng văn hóa Nhật, từ nét đẹp thanh tao, mềm mại cho đến “thiên thần”.
Trên thực tế, xã hội Nhật vô cùng khắc nghiệt, kỷ luật đến mức khắc kỷ. Ở đô thị lớn, trong các tòa cao ốc văn phòng 7 – 8g tối, ánh đèn điện vẫn sáng cùng với nhân viên là chuyện thường ngày. Người Nhật mê công việc đến thành bệnh. Họ có quan niệm làm cho hết việc, chứ không phải hết giờ. Quan niệm giá trị đó đã ảnh hưởng đến tập quán, tiết tấu, nhịp sống trong xã hội.
Đi theo hướng cực đoan dẫn tới những biểu hiện bất thường. Theo truyền thông đưa tin, Nhật Bản có tỷ lệ người tự tử đứng hàng đầu thế giới. Đó là kết quả số liệu thống kê hiện đại, nếu gộp cả quá khứ, thiết nghĩ tự tử đáng liệt vào hàng “đặc sản” thứ 5 của nước Nhật, cùng với động đất, núi lửa, sóng thần và bão. Với tinh thần thượng võ Samurai kết hợp hệ giá trị truyền thống, người Nhật coi chết như một sự trở về và sẵn sàng chọn phương thức kết liễu đời mình để thể hiện tinh thần thượng võ.
Cách thức này cũng phổ biến trong các tổ chức, băng nhóm tội phạm. Nó tô đậm thêm bức tranh về sự hà khắc trong lòng một đất nước với hình ảnh dễ thương phơi bày ở bên ngoài. Tính chất tương phản này giúp nhận biết về phương diện thể hiện văn hóa, đồng thời qua đó bộc lộ căn tính dân tộc.
Bài học về tiếp biến văn hóa
Như đã nói, văn hóa Nhật thời cổ đại chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa, thời cận đại học tập văn minh phương Tây, song người Nhật tiếp thu văn hóa ngoại lai để rồi tái cấu trúc nó theo quan niệm giá trị của mình. Đó là lý do tại sao nền văn hóa Nhật có thể đứng lừng lững bên cạnh văn minh Trung Hoa và phương Tây với một bản sắc không dễ bị pha loãng. Trà, cây kiểng Nhật tiếp thu từ Trung Hoa, nhưng trà đạo, nghệ thuật bonsai lại mang thương hiệu Nhật Bản.
Qua đó cho thấy sự dụng công của người Nhật trong cách tiếp biến văn hóa, biến sản phẩm ngoại lai thành tài sản nội sinh, đồng thời đẩy lên hàng thượng thặng, đẳng cấp vượt trội. Khác với nhiều dân tộc, sau khi tiếp nhận văn hóa ngoại lai lại đẩy xuống thấp hơn, trở thành thứ hàng nhái, sản phẩm thứ cấp.
Trong các mặt hàng công nghiệp nhẹ, như xe hơi, đồ điện tử, đồ tiêu dùng… rất nhiều sản phẩm của Nhật bắt nguồn từ phương Tây, nhưng sau khi đi qua bộ lọc của văn hóa Nhật, chúng được định dạng lại, trở thành sản phẩm Nhật đích thực. Tiếp biến văn hóa xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhưng cách tiếp biến văn hóa theo kiểu Nhật có khả năng đẩy sản phẩm ngoại nhập lên cao, thậm chí đỉnh cao để rồi tạo nên sự khác biệt. Đó là lý do khiến Nhật Bản trở thành một trong 8 nền văn minh theo bảng xếp hạng của Sumuel.
Nhật Bản từ lâu đã trở thành một trường học lớn để người ta đến học hỏi kinh nghiệm. Các phong trào Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục… ở nước ta vào cuối thế kỷ 19, đầu 20 cũng được gợi ý, bắt nguồn từ xứ sở mặt trời mọc. Như một kho tàng chứa đựng nhiều điều bí ẩn, Nhật Bản vẫn là một khuôn mẫu đáng học hỏi về cách thức ứng xử của con người trước thiên nhiên, xã hội và văn hóa.