Là một trong những thức uống thông dụng và phổ biến nhất thế giới, cà phê được pha chế theo nhiều công thức khác nhau từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á để đáp ứng khẩu vị và thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng. Không chỉ các hãng sản xuất cà phê ngày càng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, các hàng quán bán thức uống này cũng tìm nhiều chiêu thức để mời gọi những khách hàng mới, những người mới làm quen với hương vị của cà phê.
Từ tách espresso thuở ban sơ của món giải khát này ở châu Âu, bây giờ dân ghiền cà phê đã có thêm các loại cappuccino, latte, moccaccino rồi cà phê pha với nhiều loại hương thơm và vị ngọt khác nhau như quế, cacao, xirô, mật, kem… và với nhiều công thức pha chế đặc biệt (đơn cử tại Hà Nội, hai “biến tấu” là cà phê trứng và cà phê sữa chua đã được nhiều ẩm khách trong và ngoài nước đánh giá cao). Ngày nay ở nhiều nước, bên cạnh ly hay tách cà phê “truyền thống”, còn có những kiểu cà phê đã được pha chế đặc biệt hoặc được “quốc tế hóa” để có thể thích ứng với du khách đến từ nhiều nước.
Café de olla ở Mexico
Café de olla (“cà phê trong bình” theo tiếng Tây Ban Nha) là thức uống xuất phát từ bang Oaxaca song nay đã phổ biến khắp đất nước Mexico. Cách pha chế café de olla khá đơn giản: nó được lọc trong bình, sau đó pha thêm quế và piloncillo – một loại đường thô có màu nâu, kết quả có được là một loại thức uống đậm đà caffeine, ngọt dịu, thoảng mùi mật đường. Người ta chỉ uống nóng và phải rót café de olla vào những cái tách đất nung truyền thống của Mexico mới đúng điệu.
Cà phê frappé ở Hy Lạp
Nếu bạn chỉ quen với cà phê Starbucks thì đây sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ. Một ly cà phê frappé trông có vẻ giống ly cà phê sữa nổi tiếng thế giới của Việt Nam, song đó là một hỗn hợp gồm cà phê (loại pha sẵn), đường, nước sôi, sữa đặc được khuấy đều rồi thả vào vài viên đá. Đây là thức uống phổ thông nhất, được bán ở các quán ăn – giải khát trên bất kỳ bờ biển nào trên đất nước Hy Lạp và trên đảo quốc Cyprus, nhất là vào mùa hè nóng bức. Có thể chọn uống nó với ba cấp độ: ngọt đậm (bốn muỗng đường), ngọt vừa (hai muỗng đường) và nhạt (không đường). Chỉ được khai sinh tại Hy Lạp từ năm 1957, cà phê frappé (động từfrapper trong tiếng Pháp có nghĩa là “ướp lạnh”) nay đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực tại Hy Lạp.
Cà phê chai Manhattan Special ở New York
Dù có tên là Manhattan Special nhưng đây là sản phẩm được sản xuất tại khu Brooklyn của New York. Thức uống này ra đời từ năm 1895, là espresso được pha chế thủ công với nước khoáng thiên nhiên và đường tinh luyện rồi đóng chai. Là một thứ nước giải khát tăng lực, chai cà phê Manhattan Special được bán ở mọi cửa hàng, tiệm tạp hóa của thành phố New York cũng như các vùng phụ cận. Có lẽ đây là loại cà phê đóng chai đầu tiên và có lịch sử lâu đời nhất trong thế giới cà phê muôn sắc màu. Có người bảo: đến New York, không uống cà phê chai Manhattan Special coi như chưa đến bởi đây là một phần không thể thiếu của đời sống ẩm thực cũng như của lịch sử thành phố khổng lồ này!
Cà phê eiskaffee và pharisäer ở Đức
Từeiskaffee trong tiếng Đức có nghĩa là “cà phê kem lạnh”, một thức uống đã thành truyền thống ở Đức và rộng hơn là nhiều nước châu Âu. Như tên gọi, công thức pha chế không thể thiếu kem lạnh. Cứ mỗi ly người ta cho vào hai viên kem vani lạnh, sau đó chế cà phê đã ướp lạnh lên rồi phủ thêm một lớp kem đánh và trang trí lớp mặt với ít bột cacao hay bột cà phê. Du khách đi thăm thú đó đây, không gì khoái cho bằng vào các quán cà phê hoặc quán kem, thưởng thức một ly eiskaffee lạnh buốt chân răng, ngay cả vào mùa đông tuyết phủ!
Bên cạnh đó, các tín đồ cà phê ở Đức còn ưa thích cà phê pharisäer được pha chế với ba thành phần: cà phê đậm, rượu rum sậm màu và kem đánh. Thức uống này có nguồn gốc khá hài hước. Theo truyền thuyết thì thời xa xưa, ở đảo Nordstrand miền bắc nước Đức, một giáo sĩ vốn là người cực lực chống uống rượu được mời dự một lễ rửa tội. Và để ông có đủ sức theo suốt buổi lễ người ta mời ông uống cà phê pha rượu rum với một lớp kem phủ trên bề mặt để “ngụy trang”. Không dè vị giáo sĩ phát hiện trò bịp ấy, ông tức giận thốt lên “Ôi, bọn pharisäer” (từ pharisäer trong tiếng Đức có nghĩa “bịp bợm”), và thế là món pharisäer ra đời từ đó!
Cà phê Türk kahvesi ở Thổ Nhĩ Kỳ
Cà phê đặc trưng Thổ Nhĩ Kỳ – Türk kahvesi – được pha chế từ hạt cà phê rang xay tại chỗ cùng với đường cùng vài thứ hương liệu bản xứ, và được giữ nóng trong chiếc bình nhỏ làm bằng đồng (hoặc bạc hay có thể bằng vàng) gọi là cezve, sau đó được rót ra những chén nhỏ đồng bộ với bình cezve, thường là được chạm trổ các hoa văn tinh xảo. Dù có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, cách pha chế này cũng phổ biến ở vùng Trung Đông và các nước khu vực Balkan.
Cafè Touba ở Senegal
Cafè Touba là thương hiệu cà phê nổi tiếng khắp đất nước Senegal, đặc biệt là tại thủ đô Dakar. Nó được pha chế rất đặc biệt: một loại hạt tựa như tiêu đen rất thơm được trồng nhiều ở Guinea và vùng Tây Phi kết hợp với một loại hương liệu tựa như hạt bạch đậu khấu rang xay. Cafè Touba cũng được uống với đường và một tách cà phê này có thể đánh thức tất cả các giác quan của người thưởng thức.
Kaffeost ở Phần Lan và Thụy Điển
Món bánh mì phô mai Brun-Uusto hay Leipäjuusto ở miền bắc Phần Lan và Thụy Điển thường được dọn ăn cùng với tách kaffeost nóng hổi. Người ta nhúng miếng sữa đông (để làm phô mai) vào tách cà phê đen khiến nó sực nức mùi thơm pha trộn giữa cà phê và phô mai. Ở vùng đất Bắc Âu giá lạnh, món cà phê thơm và béo ngậy này còn đem đến năng lượng và sự ấm áp cần thiết cho người uống. Cách pha chế này có một người anh em ở Việt Nam: ở vùng trồng nhiều sầu riêng tại Việt Nam, vào buổi sáng có nhiều người đến quán cà phê với một vài múi sầu riêng mới tách, thơm lừng. Họ gọi một ly cà phê nóng không đường rồi nạo sầu riêng vào, quậy đều để có một thứ cà phê sầu riêng lạ lùng, độc đáo.
Cà phê sữa đá ở Việt Nam
Nếu như cách pha chế cà phê sầu riêng nói trên chỉ mới được sáng tạo ở vài vùng trồng sầu riêng của nước ta thì cà phê sữa đá Việt Nam đã vang danh khắp thế giới, được biết đến chẳng kém gì món phở. Có nhiều du khách cho biết họ đến Việt Nam một phần vì ly cà phê sữa đá quyến rũ được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như qua mạng xã hội và các blog chuyên về du lịch – ẩm thực.
Khác với cách pha chế cà phê sữa đá ở nhiều nước vốn chỉ dùng cà phê gói, cà phê pha sẵn; cà phê sữa đá Việt Nam được pha với cái phin cà phê đặc trưng bản xứ. Thứ cà phê đậm đà, thơm nức chảy qua phin ấy được pha với sữa đặc, quậy đều rồi cho đá đập nhỏ vào. Ôi chao, không thể có thứ cà phê nào trên thế giới sánh bằng như nhận định của rất nhiều du khách và cả những chuyên gia ẩm thực lừng danh ở nước ngoài. Cũng theo họ, cà phê sữa đá ở Sài Gòn mới tuyệt diệu.
Thêm một điểm son cho cà phê Việt Nam: trên tạp chí du lịch Condé Nast Traveller online ngày 2-4-2015, trong bài viết về những sân bay xuất sắc nhất thế giới về mặt ẩm thực (The best airport food in the world) qua khảo sát của những chuyên gia ẩm thực có uy tín thì sân bay Cam Ranh (CRX) của Việt Nam có mặt trong danh sách gồm 25 sân bay khắp thế giới. Đó là nhờ ly cà phê tại cửa hàng Ad Coffee của CRX. Ông Neil Jacobs, Giám đốc điều hành Six Senses Hotels Resorts Spas khẳng định: “Ad Coffee có tách cà phê Việt Nam ngọt ngào nhất và tách cappuccino xuất sắc nhất đất nước này”.