Khi sếp yêu cầu nhân viên làm một công việc mới, đôi khi nhân viên từ chối công việc này mà không trực tiếp nói “Không!” với sếp. Sau đây là mười cách thông thường hàm ý sự từ chối mà nhà quản lý cần nắm bắt để tự nhận ra.
1. Dáng vẻ luôn cương quyết và lịch sự
Người trả lời không hề nói “Không!”, cũng không tỏ vẻ khó chịu khi trao đổi. Họ cương quyết lảng tránh nhưng theo cách rất lịch sự. Họ cũng chẳng giải thích gì thêm và không bao giờ xúc phạm đến người đang gây áp lực cho họ.
2. Sử dụng giao tiếp phi ngôn ngữ
Nếu cảm thấy khó khăn khi phải nói “Không!”, người trả lời sẽ sử dụng ngôn ngữ cơ thể để phát đi thông điệp này. Nếu công việc họ được giao là quan trọng, người khéo léo sẽ dùng một nụ cười cùng cái lắc đầu để chuyển tải lời từ chối. Có người ngồi ngả lưng, bắt chéo chân và khoanh tay. Họ giữ yên lặng, không hề tạo ra dấu hiệu đồng tình và cũng không đặt câu hỏi về công việc được giao.
3. Câu giờ
Câu trả lời “Dạ!” đôi khi chỉ là để câu giờ. Những người ấy có ý chờ xem các đồng nghiệp khác phản ứng ra sao. Như một quả bóng được chuyền qua chuyền lại, sự quyết định của họ có khi mất vài ngày, thậm chí vài tuần, cho đến lúc cấp trên thấy phải có một giải pháp thay thế hoặc quyết định không làm việc đó nữa.
4. Yêu cầu thành lập ban bệ
Khi muốn từ chối một công việc được giao, nhiều người chọn giải pháp đề nghị lập ra một bộ phận để giải quyết. Khi có được bộ phận ấy rồi, các cuộc họp sẽ mất rất nhiều thời gian và sẽ xảy ra những bất đồng ý kiến. Khi ấy thì chính những người khác trong bộ phận mới này sẽ nói “Không!” với cấp trên.
5. Tỏ vẻ muốn tìm kiếm sự rõ ràng
Nhân viên viện dẫn là công việc được giao có thể phát sinh mâu thuẫn về lợi ích nên hỏi thêm về hệ thống, về thủ tục và các quy định. Do đòi hỏi ấy quá nhiêu khê, người giao việc phải suy nghĩ cách tiếp cận khác.
6. Tập trung hỏi vào chi tiết
Người từ chối công việc tỏ ra nhiệt tình đặt các câu hỏi đủ loại, kể cả những câu hỏi khá ngây thơ, khiến người nghe có cảm giác là mình được giúp đỡ và hài lòng với những câu hỏi vu vơ này. Cuối cùng, người giao việc nhận thấy rằng tự làm sẽ ít rắc rối hơn so với giao việc cho nhân viên.
7. Đòi đổi chác công việc
Nếu đồng nghiệp từ các bộ phận khác yêu cầu giúp đỡ công việc, câu trả lời là “Được!” nhưng ngay lập tức, một sự đổi chác cũng diễn ra: “Vậy bạn giúp tôi việc này nhé!”. Người nhờ vả nghĩ rằng người ta đang bận rộn thế thì mình… tự làm lấy cho xong.
8. Ngửa con bài thời gian
Khi nhân viên đang bù đầu để thực hiện một dự án, lúc phải nhận thêm việc mới, họ không phản đối, nhưng sẽ hỏi cách chia sẻ thời gian giữa việc đang làm và việc mới nên như thế nào. Cấp trên sẽ phải suy nghĩ lại và phải tự mình nói “Không!” trong trường hợp này.
9. Tỏ ra tiếc rẻ
Khi cần có ai đó tình nguyện nhận công việc, thì người từ chối thường là người đầu tiên cất tiếng bày tỏ “Tiếc là thiếu thời gian quá!”.
10. Từ chối bằng thư điện tử hay tin nhắn
Sẽ dễ dàng nói “Không!” hơn nếu dùng email và tin nhắn. Tất nhiên, núp sau máy tính hay điện thoại di động như vậy không phải là cách làm hay và dễ gây tức giận cho người giao việc.