Trong tổ chức doanh nghiệp, hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định bổ nhiệm tổng giám đốc điều hành (CEO) và các chế độ lương bổng.
Việc xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp mang tính xây dựng với HĐQT quyết định rất nhiều đến sự thành công của một CEO. Theo Beverly Behan, tác giả của cuốn sách Great Companies Deserve Great Boards: A CEO’s Guide to the Boardroom (tạm dịch: Cẩm nang làm việc với HĐQT dành cho các CEO) do Nhà xuất bản Palgrave MacMillan phát hành, để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp ban đầu với HĐQT, CEO phải thực hiện những điều sau đây trong năm làm việc đầu tiên.
Làm quen với những vấn đề quản trị doanh nghiệp
Hầu hết các tân CEO đều chưa có kinh nghiệm làm việc với HĐQT trừ khi họ từng là thành viên HĐQT của một công ty nào đó. Vì vậy, Behan cho rằng các tân CEO nên tìm gặp một chuyên gia am hiểu về lĩnh vực quản trị doanh nghiệp để được tham vấn, tìm hiểu các vấn đề liên quan, từ lịch họp định kỳ của HĐQT, các quy trình, chính sách, quy định đến cơ chế ra quyết định trong nhiều lĩnh vực hoạt động kinh doanh khác nhau.
Gặp gỡ trực tiếp từng thành viên của HĐQT
Tân CEO nên gặp gỡ và trao đổi với từng thành viên của HĐQT, tìm hiểu những kỳ vọng của họ đối với mình, họ đang hài lòng điều gì và đang lo lắng với những vấn đề gì, đâu là những quan tâm hàng đầu của họ trong công ty, họ muốn tân CEO phải làm việc với họ như thế nào, phải làm điều gì khác với CEO ở nhiệm kỳ trước. Việc này cần được thực hiện thường xuyên hơn với vị chủ tịch HĐQT.
Không xem thường quy trình đánh giá CEO hằng năm
Trong hơn một thập niên qua, do ngày càng có nhiều phản đối từ các CEO đối với các chế độ lương bổng và đãi ngộ dành cho họ, HĐQT các công ty buộc phải đánh giá nghiêm túc kết quả, thành tích làm việc của CEO. Do vậy, CEO phải lưu ý tìm hiểu quy trình, chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc điều hành trong năm đầu tiên để rút kinh nghiệm cho năm kế tiếp.
Có phương án tìm CEO kế nhiệm trong trường hợp khẩn cấp
HĐQT luôn có kế hoạch chuẩn bị cho việc tìm CEO kế nhiệm trong trường hợp khẩn cấp khi CEO hiện tại không thể tiếp tục công việc vì một lý do nào đó. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề nhạy cảm mà các thành viên HĐQT thường lúng túng, không biết nên thông báo đến CEO hiện tại như thế nào.
Vì vậy, Behan khuyên các tân CEO hãy xem đây là một chuyện bình thường và giúp HĐQT xua tan lo lắng này bằng cách chủ động tham gia ý kiến tìm CEO kế nhiệm. Qua quá trình này, CEO đương nhiệm cũng sẽ có cơ hội để hiểu rõ hơn cách đánh giá của HĐQT đối với các thành viên của ban giám đốc điều hành từ đó điều chỉnh các hành động của mình.
Mối quan hệ mang tính xây dựng giữa CEO và HĐQT phải được xây dựng trên cơ sở sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Đừng bao giờ quên rằng HĐQT luôn là những người chi phối hoạt động của doanh nghiệp ở tầm cao nhất.
- Xem thêm: Xây dựng đội ngũ quản lý
Nếu CEO đang nỗ lực nuôi dưỡng một nền văn hóa doanh nghiệp năng động, sáng tạo và hướng tới những mục tiêu cao hơn, nhưng lại nhận thấy HĐQT đang tạo ra rào cản thì cần phải làm một bước đột phá. Tuy nhiên, chỉ nên làm điều này sau khi đã thật sự hiểu rõ thực trạng của doanh nghiệp, mà thời điểm thích hợp là từ năm điều hành thứ hai.