Tìm trong tự điển không thấy con cào cào chữ Hán là gì. Tại sao thứ chữ phong phú ấy bỏ qua động vật đáng yêu này, trong khi con heo lại có nhiều chữ? Chữ Tây hình như cũng vậy, đánh đồng cào cào với châu chấu.
Cố thi sĩ Bùi Giáng, người từng đưa bao nhiêu côn trùng nhỏ nhoi vào thơ, nào chuồn chuồn, châu chấu, bươm bướm, nào kiến, nào dế… Em nhớ chứ, ngày kia đi bắt dế. Bỏ học hành vì con bướm trên hoa. Con châu chấu nhớ chừng cây bén rễ. Bò loanh quanh thăm dọ lá non già… (Từ nay) – Sầu riêng gác bỏ sau ghềnh. Năm xưa châu chấu mang tên chuồn chuồn… (Sầu riêng châu chấu) – Mừng là mừng như mía mưng là mía. Con chuồn chuồn đậu ngọn mía tên mưng (Buồn thăm viếng núi)… Và trong nhiều bài khác (Trò chuyện Thiếu phụ trở về…) lại thấy chuồn chuồn, châu chấu, dế, kiến v.v… Nhưng không có cào cào! Một thi sĩ luôn luôn lưu ý đến hoa đồng cỏ nội cảnh sắc quê hương… mà lờ con cào cào đi, thật là không công bằng! Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du cũng chỉ nhắc đến chuồn chuồn, đem ví với thân phận nữ nhi: Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn. Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay!
Văn chương bình dân thì sao? Mới xem qua hình như chuồn chuồn thắng thế, có mặt trong nhiều câu ca dao. Nhưng xem kỹ thì phần lớn người ta mượn danh chuồn chuồn để nói chuyện khác: Gió heo may chuồn chuồn bay thì bão. Hay: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Bay cao thì nắng, bay vừa thì im… Ấy là con người nói với con người, xem chuồn chuồn như khí cụ dự báo thời tiết. Hoặc mượn chuồn chuồn để nói về tình cảm của con người: Chuồn chuồn đậu ngọn mía mưng. Em đà có chốn anh đừng vãng lai; Chuồn chuồn mắc phải nhện vương. Ðã trót quấn quít thì thương nhau cùng; Thân em như cánh chuồn chuồn. Khi vui thì đậu khi buồn thì bay…v.v… Chỉ có một lần trong ca dao con người nói với chuồn chuồn: Chuồn chuồn có cánh thì bay. Có thằng ỏng bụng bắt mày chuồn ơi! Suy ra thì có thể là do ganh tị, sợ cái thằng ỏng bụng kia (hay cái thằng bé bé, cái thằng cu Tí gì đó…) nó bắt được mà ta không bắt được, ta phá chơi.
Ta lên vùng cao nguyên, lội trong gò cỏ, nếu thích thì chạy nhảy nô đùa, sẽ thấy vô số cào cào. Cào cào không bay lượn như chuồn chuồn, chỉ tung lên đáp xuống như những con chim non tập bay chập chững. Bây giờ nắng sớm đang hồng, sương đang tan, lấp lánh qua những đôi cánh mỏng của cào cào đủ màu sắc… xanh đỏ vàng tím ngại… Bắt lấy con cào cào. Hãy tha cho lũ cào cào áo lá chưa tới tuổi trưởng thành. Nắm hai chân sau, tự nhiên cào cào sẽ “giã gạo”. Văn chương bình dân không thiên vị nên cào cào có mặt trong bài đồng dao nghêu ngao: Cào cào giã gạo nhà quê. Quần điều áo đỏ phủ phê cào cào. Ta hối thúc giục giã và hứa hẹn: Cào cào giã gạo cho nhanh. Mẹ may áo đỏ áo xanh cho cào…
Rõ ràng các câu ca dao này chủ đích là nói với cào cào, nói về cào cào. Cào cào không bị lợi dụng như chuồn chuồn (để làm phong vũ biểu hay để con người nói chuyện con người, thương yêu nhau, xa cách nhau…). Ở cào cào chỉ có niềm vui. Giã gạo là động tác của cào cào, quần điều áo đỏ áo xanh phủ phê kia là của mẹ cào cào sắm cho. Cào cào hồn nhiên như trẻ con, không có điều gì phải bận tâm lo lắng. Các đại gia thi sĩ từ Nguyễn Du đến Bùi Giáng và nhiều thi sĩ nữa… bị cuộc đời quăng quật tan tác, có thể không còn nhớ thế giới trẻ con, nên trong văn chương của quý vị đã không có bóng dáng cào cào. Ðiều đó không có gì lạ!
Hỡi người bạn trẻ! Hãy lên vùng cao nguyên, chạy nhảy trên đồi gò, lăn mình trên nền cỏ mượt mênh mông. Chỗ này, chỗ kia… những tiếng búng chân lách tách thật nhẹ nhàng. Cào cào giã gạo nhà quê. Quần điều áo đỏ phủ phê cào cào… Cào cào giã gạo cho nhanh. Mẹ may áo đỏ áo xanh cho cào…
Mùa xuân… Cào cào bay…