“Không có ông ấy, chúng tôi đã chẳng tồn tại”, Claude Monet – một trong những ông tổ của trào lưu Ấn tượng – từng nói như thế về một nhà sưu tập, nhà kinh doanh tác phẩm mỹ thuật. Một cuộc triển lãm lớn, trưng bày 85 tác phẩm hội họa Ấn tượng vừa được tổ chức tại Bảo tàng quốc gia tại London (Anh) để vinh danh Paul Durand-Ruel, người được coi là đã phát hiện và cứu sống một họa phái quan trọng bậc nhất của hội họa phương Tây hiện đại.
Dù ngày nay các tác phẩm Ấn tượng đã phổ biến toàn thế giới và luôn đạt giá cao ngất tại các sàn đấu giá hàng đầu như Sotheby’s và Christie’s, thật khó tưởng tượng thời kỳ đầu cực kỳ khó khăn của những họa sĩ đã khởi xướng khuynh hướng này. Đó là vào những năm đầu của thập niên 1870, lúc mà nhóm các họa sĩ Ấn tượng đã phải đấu tranh hết sức gian nan với những người có quan điểm thủ cựu để được xã hội chấp nhận. Một nhà phê bình mỹ thuật nổi tiếng lúc ấy đã gọi họ là “lũ điên rồ”.
Bảo vệ trào lưu nghệ thuật mới bằng cách mua tranh
Trong tình hình như vậy, có một người can đảm và mạnh mẽ bảo vệ một trào lưu nghệ thuật mới và khẳng định nó bằng cách mua thật nhiều tranh của các họa sĩ khởi xướng trào lưu này. Nhìn nhận giá trị của hội họa Ấn tượng từ buổi ban sơ, doanh nhân Paul Durand-Ruel ở Paris đã sớm tìm gặp nhóm các họa sĩ trẻ, trong đó có những người mà sau này trở thành những tên tuổi lớn như Claude Monet, Edgas Degas, Edouard Manet, Pierre – Auguste Renoir, Camille Pissaro và Alfred Sisley để đặt cược vào họ.
Bằng sự nhạy bén trong nghề kinh doanh tác phẩm mỹ thuật cũng như sự tiên cảm về tương lai của một trào lưu hội họa mới, Paul Durand-Ruel sớm nhận ra năng lượng tiềm tàng và sẽ hợp thời của họa phái Ấn tượng trong đời sống thị dân đương thời; từ đó ông đã dành trọn đời mình để xây dựng, hình thành một lớp công chúng chấp nhận và yêu mến tranh Ấn tượng. Nói cách khác, chính Paul Durand-Ruel đã từng bước xây dựng một thị trường nghệ thuật mới tại Paris và rộng ra là châu Âu rồi xa hơn nữa. Dù hết sức bền gan, kiên trì nhưng doanh nhân người Pháp đã không đạt được mục đích ngay: ông gần như bị phá sản đến hai lần trước khi có được thành công lớn không chỉ tại quê nhà mà còn ở London, New York, Brussels. Cách gọi miệt thị về “bọn ấn tượng” của các nhà phê bình mỹ thuật thời đó không ngờ đã trở thành một thuật ngữ nghệ thuật tồn tại mãi mãi.
Điều đặc biệt là toàn bộ 85 bức tranh trong triển lãm có tên “Phát hiện trào lưu Ấn tượng” dù được mượn từ nhiều bảo tàng và các bộ sưu tập tư nhân thì đều đã qua tay Paul Durand-Ruel, trong đó có ba bức thuộc xê-ri Vũ công nổi tiếng của Renoir, năm bức trong loạt tranh Cây dương của Monet. Paul Durand-Ruel còn được gọi là “người đã bán một ngàn bức tranh của Monet”, cho thấy ông đã thành công cỡ nào với tranh Ấn tượng, nhất là tranh của Monet. Sinh năm 1831, Paul Durand-Ruel nối nghiệp thân phụ – cũng là một nhà buôn tác phẩm mỹ thuật – từ năm 1865. Khi đó ông rất ưa thích tranh của nhóm các họa sĩ mà ông gọi là “trường phái đẹp đẽ của năm 1830”, bao gồm Camille Corot, Théodore Rousseau, Jean-François Millet và Gustave Courbet. Chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra vào năm 1870, Durand-Ruel chuyển tới London sinh sống và mở một gallery. Tại đó, ông gặp hai họa sĩ trẻ cũng đang tỵ nạn chiến tranh: Claude Monet và Camille Pissarro. Xem tranh của họ, ông lập tức “phải lòng” rồi mua ngay và tổ chức triển lãm, cho dù không phải nhà sưu tập hay nhà buôn tranh nào ở London cũng chia sẻ với ông niềm đam mê ấy. Trong số các tác phẩm của Monet mà Durand-Ruel mua ở London có bức Sông Thames dưới cung điện Westminster hiện thuộc sở hữu của Bảo tàng quốc gia London.
Chiến tranh kết thúc, Durand-Ruel trở lại Paris và tiếp tục đầu tư mạnh vào các họa sĩ Ấn tượng: không chỉ mua tranh của các thành viên tương lai của một họa phái đang hình thành, ông trả lương hằng tháng cho họ để nhận tranh sau, đôi khi thanh toán các hóa đơn mà họ mua chịu và luôn dành cho họ những sự nâng đỡ, hỗ trợ về tinh thần, tình cảm. Quả đúng như lời Monet: “Không có ông ấy, chúng tôi đã chẳng tồn tại”. Bất chấp những nỗ lực quảng bá, tiếp thị của Durand-Ruel, không có ai mua tranh của các họa sĩ Ấn tượng. Năm 1876, khi Durand-Ruel tổ chức một triển lãm tại Paris cho nhóm Ấn tượng, một nhà phê bình đã hạ bút: “Đứng trước những thứ này, có người đã phá ra cười. Riêng tôi thì cảm thấy buồn cho họ (các họa sĩ)”.
“Cơn điên rồ của tôi là sự thấu hiểu”
Đã nhiều lần ở bờ vực của thảm bại trong kinh doanh nhưng Durand-Ruel không chịu đầu hàng. Ông treo tranh Ấn tượng khắp ngôi nhà của mình tại Paris và cứ mỗi thứ Ba trong tuần lại mời công chúng đến xem sau khi các gallery của ông đã phải đóng cửa vì ếẩm, không đủ kinh phí hoạt động. Đặc biệt yêu thích tranh Renoir, ông đã tổ chức tại nhà một cuộc triển lãm tranh Renoir vẽ chân dung các thành viên trong gia đình ông. Trong nỗ lực tìm kiếm thị trường mới cho các họa sĩ Ấn tượng, Durand-Ruel mở thêm hai gallery ở New York và Brussels. Với phụ tá là các con trai của ông, Durand-Ruel đi tiên phong trong tổ chức triển lãm cá nhân cho Monet, họa sĩ lúc đó đang say mê vẽ những cây dương (poplar). Và chính ở nước Mỹ, Durand-Ruel đã tìm được sựủng hộ mạnh cho trào lưu Ấn tượng. Trong số các tác giả mà ông đưa tranh tới New York có Mary Cassatt, một nữ họa sĩ gốc Mỹ nhưng sống và sáng tác ở Paris. Mary Cassatt xuất thân từ một gia đình giàu có, anh của bà là một ông trùm ngành đường sắt ở Mỹ. Bằng ảnh hưởng và thế lực của gia đình mình, Mary Cassatt đã giúp Durand-Ruel tổ chức một triển lãm bề thếở New York với 300 tác phẩm của các họa sĩ Ấn tượng. Triển lãm gặt hái thành công lớn về doanh thu, nói như Durand-Ruel: “Người Mỹ không cười nhạo, họ mua tranh”. Từ thành công vang dội của triển lãm tại Mỹ, các nhà sưu tập ở châu Âu bắt đầu tìm đến với tranh Ấn tượng.
Năm 1905, thế giới mỹ thuật phương Tây chứng kiến một cuộc đột phá mới của Durand-Ruel: ông tổ chức cuộc triển lãm 315 tác phẩm Ấn tượng tại gallery Grafton ở London. Lần này thì những dòng người nối đuôi nhau xem tranh và các nhà phê bình hết lời ca ngợi. Dù vậy, triển lãm tại London không thành công mấy về doanh thu.
Paul Durand-Ruel qua đời vào năm 1922, lúc mà tranh Ấn tượng đã lên ngôi ở khắp các gallery trên thế giới. Vào những ngày cuối đời mình, vị doanh nhân say mê hội họa đã thốt lên: “Cơn điên rồ của tôi là sự thấu hiểu. Khi nghĩ về điều ấy, giả dụ như phải lìa đời ở tuổi sáu mươi thì tôi chết trong tình trạng nợ đầm đìa hay vỡ nợ trong khi chung quanh mình là một kho báu bị rẻ rúng…”. May mà ông không chết ở tuổi sáu mươi, nếu không thì chẳng rõ số phận của họa phái Ấn tượng ra sao!
Cuộc đời của Paul Durand-Ruel là câu chuyện về kinh doanh trong một lĩnh vực đặc biệt mà bài học từ đó mang một giá trị vĩnh cửu.
- Lê Bản