Thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, xã Khánh An nằm cách Châu Đốc 35km, có trên 7km đường sông giáp với Campuchia và cách cửa khẩu quốc gia Khánh Bình khoảng 3km. Nằm ở biên giới đầu nguồn sông Hậu, hằng năm Khánh An là nơi đón nhận con nước nổi sớm nhất của miền Tây Nam bộ. Theo lời nhắn của bạn, mùa nước này chúng tôi lại tìm về đây để thưởng thức hương vị thơm ngon của con cá linh đầu nguồn cùng bông điên điển và bao điều thú vị khác.
Cuối tháng Tám Âm lịch, con nước tuy chưa đến đỉnh nhưng đã tràn đồng. Ông bạn địa phương mượn một chiếc ghe lớn chở chúng tôi đi một vòng trên sông Hậu sang tận Mương Dú (Mương Yu, Chrây Thum, Kanđan). Đúng là nước đã tràn trề, đỏ ngầu phù sa, chỉ còn thấy những phần thân cây, ngọn cây nhô lên trên những con đường, những xóm nhà dọc bờ sông. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những ghe đáy đang neo giữa sông. Có chỗ, ba bốn ghe cùng đậu lại, xúm xít mấy gia đình, cùng nấu cơm ăn giữa vùng mênh mông sông nước, vui ơi là vui. Nhờ một chủ ghe kéo đáy lên cho chụp hình, đáy nào cũng cá linh trắng xóa, nhảy xoi xói thấy mê. Cá linh vẫn là đặc sản mùa nước nổi mà. Có điều không như đầu mùa, đám cá linh giờ đã khá lớn không còn là cá linh non để nấu lẩu nữa. Cá linh cỡ này đem kho lạt với mía hay với me sống thì hết ý. Cái nghề hạ bạc đúng là nhờ nước lên mà khấm khá và vui như vậy. Hèn gì năm nào nước không về, mọi người buồn hiu.
Ghe lại tiếp tục đi sâu vào Mương Dú nơi giáp với xứ bạn. Nhìn sâu vào trong xóm có một cây cầu bắc ngang cho người dân bên Prẹt Chrây qua lại. Chính nơi đây có một vùng nước đặc biệt được gọi là “Nước cỏ” bởi mỗi mùa nước nổi là ngay chỗ giáp nước này nước chuyển màu cỏ, xanh trong có thể nhìn tận đáy. Và nước cỏ xuất hiện cũng đồng lúc với cá linh đổ xuống. Chưa hết, ngay trên mặt sông chúng tôi còn thấy được cảnh “cá bục đồng”, một khái niệm mà chỉ dân địa phương mới biết. Khi con nước lên đến đỉnh, cá khắp các đồng ruộng như từ một cái túi lớn túa ra cả bầy, cả lũ đầy sông. Cá đã bục đồng đó!
Sáng sớm rảo một vòng chợ Khánh An, ghe xuồng lũ lượt cập bến đem lên từng thau, từng thùng cá linh, cá sặc bướm nhảy xoi xói. Cá lóc đồng đổ khô nhóc chợ. Mấy chị bạn hàng ngồi làm cá ngộp ngay lề đường. Một chiếc ghe chở đầy bông súng cuộn lại từng khoanh, từng khoanh tròn lớn, bông trắng nõn. Ấn tượng nhất của chợ biên giới có lẽ là những đặc sản mùa nước nổi như rắn, rùa, trăn, lươn, rắn mối, bìm bịp… Rắn lục xanh lè, rắn trung, rắn bông súng có khoanh vàng, khoanh trắng, rằn hổ hành bóng lưỡng, rắn hổ mang vằn đen vằn vàng vươn đầu lên thấy sợ. Một ông bạn trong nhóm mua hết bao rắn đủ loại hơn hai ký chỉ có 140.000 đồng, nhìn hai con hổ hành trong bị đã thấy lời chán! Hỏi giá rắn mối, cũng chỉ 50 đến 60.000 đồng một ký. Thứ này đem nướng mọi thì khỏi chê. Mấy chú rùa nắp, loại rùa hiện đã rất hiếm cũng chỉ khoảng trên trăm ngàn một ký.
Đúng là đi chợ biên giới mùa nước nổi, thứ gì cũng đặc biệt, thứ gì cũng muốn mua. Chợt nhớ đến mấy con sặc bổi một nắng bạn đãi hôm qua ngon tuyệt nên đi xuống vựa khô của chị bạn quen từ nẳm rồi coi thử. Tháng này, cá sặc nuôi bên Thái qua chưa vào mùa nên người ở đây chỉ phơi ít cá bổi nội địa thành khô “một nắng” cung cấp cho nhà hàng, quán ăn. Trở về khu chợ, ghe xuồng vẫn tấp nập đưa cá vào bến. Những ngày này, buổi tối ghe cá vẫn đưa cá lên nhộn nhịp khiến sinh hoạt của cái xã vùng biên sinh động hẳn lên. Những dãy nhà bè trên sông nước Khánh An đã có từ lâu lắm bởi nghề nuôi cá bè ở đây hình thành trước cả Châu Đốc. Chính những Việt kiều chạy về từ Biển Hồ những năm 1970 đã phát triển nghề nuôi cá bè rất hiệu quả nên cứ thế mà các làng bè lan rộng ra. Con cá tra, cá ba sa không chỉ đem ấm no cho bà con Việt kiều ở đây mà còn trở thành biểu tượng cho cả vùng đất An Giang trù phú. Hiện nay các làng bè do gặp nhiều khó khăn nên đã co cụm lại chỉ còn hơn trăm bè cả hai bên sông, nuôi chủ yếu là “cá chợ” bán hằng ngày như cá lăng nha đuôi đỏ, cá hú, cá vồ…
Chi Lan
Ảnh Chi Lan – Thanh Hải