Một hiện tượng được giới tài chính quan tâm gần đây là tình hình công dân Trung Quốc đổ xô mua nhà ở nước ngoài tại nhiều thành phố lớn ở phương Tây diễn ra ngày càng nhiều. Phải chăng đây là hình thức mới trong quá trình bành trướng tài chính của Trung Quốc?
Mua nhà ở Mỹ bằng tiền mặt
Theo dữ liệu của Hiệp hội Địa ốc Hoa Kỳ công bố gần đây, người nước ngoài đã chi ra 68,2 tỉ USD để mua nhà ở Mỹ trong thời gian 12 tháng tính đến ngày 31-3-2013, trong đó người Trung Quốc chiếm 18% và đa số trả bằng tiền mặt.
Người Trung Quốc hiện nay mua nhà ở Mỹ với giá trung bình 425.000 USD/căn, điều này cho thấy họ mua nhà giá trị cao hơn so với người nước ngoài khác (trung bình khoảng 276.000 USD/căn). Gần 70% số người Trung Quốc mua nhà trả tiền mặt. Hiện tượng này phổ biến nhất ở California, nơi hơn phân nửa số nhà bán cho người ngoại quốc rơi vào tay người Trung Quốc.
Một bảng quảng cáo bán nhà bằng tiếng Trung ở Mỹ
Bà Sally Forster Jones, nhân viên của Coldwell Banker International ở Los Angeles, nói rằng người Trung Quốc thu tóm bất động sản ở khu vực Westside và tiết lộ đã bán được khoảng 10 căn nhà giá nhiều triệu USD cho công dân Trung Quốc trong năm qua. Bà thừa nhận “Số lượng nhà bán cho Hoa kiều tăng cao từ nhiều năm trước nhưng tăng vọt kinh khủng trong thời gian gần đây”.
Hầu hết dân Trung Quốc mua nhà là các kỹ nghệ gia giàu có hoặc đại gia bất động sản bên Trung Quốc, đa số những người này mới qua Mỹở chưa đến nửa năm. Bà Jones cho biết “Con cái họ đi học ở Los Angeles nên cần có nhà đểở đồng thời họ cũng có nơi lưu lại khi sang Mỹ thăm con”.
Tổng sản lượng quốc nội Trung Quốc tăng trên dưới hai con số trong 10 năm qua, mang lại nhiều tiền mặt cho giới kinh doanh hàng đầu trong nước. Họ xem Hoa Kỳ là nơi an toàn và ổn định để đầu tư.
Theo ông Rick Turley, người quản lý các văn phòng địa ốc của Coldwell Banker tại tám quận, hạt quanh khu vực San Francisco trong đó có Silicon Valley, phần đông khách hàng Trung Quốc mua nhà của ông làm việc trong ngành kỹ thuật. Ông cho biết các điểm nóng hiện nay là Menlo Park và Cupertino, gần tổng hành dinh của Công ty Apple.
Khách hàng Trung Quốc tìm mua nhà ở Mỹ
Nhiều người Trung Quốc xem chương trình “EB-5 Immigrant Investor” của chính phủ Mỹ là con đường ngắn nhất để được cấp thẻ thường trú dân (Green card – thẻ xanh). Để được hợp thức hóa theo chương trình này, người ngoại quốc phải đầu tư tối thiểu 500.000 USD vào một công việc kinh doanh tạo ra ít nhất 10 công việc làm. Theo tài liệu của chính phủ Mỹ, gần 80% chiếu khán nhập cảnh loại EB-5 vào tay người mang quốc tịch Trung Quốc. Tất nhiên số người này cần thiết sở hữu nhà đất để làm ăn sinh sống.
Các quỹ nhà nước và các cơ quan của Trung Quốc đặc biệt tích cực trong thị trường bất động sản, nhất là ở Hoa Kỳ, Canada, Úc và Singapore. Nhiều công ty Trung Quốc còn tổ chức các tour đặc biệt ở nước ngoài mà mục đích chính của du khách là “săn nhà”. Và đối với nhiều công ty, việc mua lại các ngôi biệt thự đã trở thành lựa chọn thay thế cho việc chuyển tiền lợi nhuận về quê hương.
Nuốt chửng cả biểu tượng của London
Hiện tượng người Trung Quốc mua nhà ở nước ngoài cũng đang diễn ra tại London (Anh). Thậm chí có nhiều khu vực người Trung Quốc đã đẩy dần dân bản xứ ra khỏi các khu thương mại sang trọng.
Nguồn vốn tư nhân của Trung Quốc vẫn giữ ngôi vị hàng đầu không thể tranh cãi trên thị trường bất động sản Vương quốc Anh. Hiện nay, chỉ riêng tại khu vực trung tâm London, 40% biệt thự và căn hộ có khách mua là người Trung Quốc và điều này làm người dân London lo ngại khi nói về xu hướng mới trong thị trường nhà.
Tòa nhà chọc trời “Lloyds of London” vừa được Công ty Bảo hiểm Bình An của Trung Quốc mua lại
Trung Quốc mới đây lại nuốt thêm một biểu tượng quốc gia nữa của Vương quốc Anh. Công ty bảo hiểm Trung Quốc Bình An vừa mua lại tòa nhà chọc trời Lloyds of London – trụ sở thị trường bảo hiểm lớn nhất thế giới ngay tại trung tâm của London.
Trước đó, người Anh đã mất biểu tượng công ty sản xuất xe Rower Company và nhà sản xuất các xe cổ điển mà những nguyên thủ vương quốc này thường sử dụng.
Giá của giao dịch này là 260 triệu bảng Anh, tương đương với gần 390 triệu USD. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là giao dịch mua bán lớn nhất của Trung Quốc trong thị trường bất động sản và cơ sở hạ tầng ở Anh. Vị trí đầu bảng thuộc về Công ty Gingko Tree Investment đăng ký tại Anh, thuộc sở hữu của Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc. Kể từ tháng 5-2012, công ty đã đầu tư hơn 1,6 tỉ USD vào các công ty cấp nước, ký túc xá và các tòa nhà văn phòng ở London và Manchester.
Người giàu Trung Quốc đổ xô mua nhà ở Vancouver
Người giàu Trung Quốc đang lùng mua bất động sản ở phía tây Vancouver, khiến giá nhà đất tại đây leo thang hơn gấp đôi so với ba năm trước.
Năm ngoái, Canada đã cấp thị thực nhập cảnh cho 1.600 các nhà đầu tư Trung Quốc muốn đến tỉnh British Columbia. Một ngôi nhà có diện tích sàn khoảng 450m² tại khu vực trên, người mua sẵn sàng trả đến 4,3 triệu đôla Canada (4,5 triệu USD) để làm chủ sở hữu. Nhiều người Trung Quốc cho rằng, con cháu họ được lớn lên và học hành tại đây là một bảo đảm để chúng hòa nhập được với cả thế giới, với lối sống quốc tế. Còn ở Trung Quốc, đó là điều không thể.
Bảng quảng cáo bất động sản do người Trung Quốc điều hành ở Vancouver
Nhà kinh doanh bất động sản Clarence Debelle tại Vancouver cho biết ngày càng có nhiều khách hàng Trung Quốc đến giao dịch tại công ty ông. Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở của người giàu Trung Quốc tăng mạnh, một nhà kinh doanh bất động sản khác là Cam Good đã mở hai văn phòng giao dịch tại Hongkong và Bắc Kinh. Theo doanh nhân này, những người Trung Quốc giàu có đang săn lùng mua nhà ở Vancouver một phần còn do chính sách hạn chế mua bán bất động sản tại một số thành phố lớn ở Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh (với chính sách mỗi người không được sở hữu quá hai bất động sản). Cam Good cho biết, trong số 40 căn hộ đầu tiên ông bán được trong năm nay, có đến một nửa là do người Trung Quốc mua.
Trước việc người Trung Quốc ồạt mua vét nhà ở Vancouver, người dân địa phương lại cảm thấy bất bình. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, việc giá nhà tăng cao không nhất thiết có nghĩa là thành phố Vancouver đang ở trong tình trạng bong bóng bất động sản.
Theo Royal LePage – một trong những công ty bất động sản lớn nhất Canada, thị trường nhà đất ở nước này hiện đã leo lên mức đỉnh và sẽ hạ dần trong nửa cuối năm nay.
Úc siết chặt quy định người nước ngoài mua nhà đất
Còn tại Úc, mới đây chính phủ nước này tuyên bố siết chặt quy định người nước ngoài mua bất động sản nhằm ngăn chặn giá nhà đất tăng cao, với mục đích tạo điều kiện cho người dân Úc, đặc biệt là giới trẻ, có cơ hội mua nhà ở.
Theo quy định, người nước ngoài tạm trú tại Úc khi mua bất động sản sẽ phải có giấy phép của Ủy ban Thẩm định Đầu tư nước ngoài (FIRB) và phải bán lại bất động sản khi rời khỏi Úc. Người nước ngoài mua đất trong hai năm không xây nhà cũng phải bán lại. Quy định mới còn cho phép cơ quan chức năng buộc những người không sống tại Úc bán lại bất động sản.
Năm 2008, FIRB nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản, cho phép người nước ngoài mua bất động sản mà không cần chính phủ phê chuẩn. Điều này khiến đầu tư nước ngoài và giá nhà đất gia tăng. Giá nhà trung bình ở Úc tăng 14,4%, nơi tăng cao nhất là Melbourne đến 22,5% và Sydney 14%. Trong năm 2008, FIRB xử lý 4.028 đơn xin mua nhà của người nước ngoài, tăng 35% so năm 2007.
Gần đây, chính phủ Úc nhận được nhiều phàn nàn về đầu tư nước ngoài, chủ yếu là các nhà đầu tư châu Á mua nhà cho con học tại Úc đã vượt qua người bản địa. Nhiều người cho rằng những gia đình giàu có Trung Quốc đang đầu cơ nhà đất ở Úc vì nhiều ngôi nhà đã mua không có người ở.
Việc rót nguồn vốn có xuất xứ không rõ ràng từ Trung Quốc vào bất động sản ở nước ngoài đã làm giá cả mặt hàng này tăng cao ngất ngưởng. Chẳng hạn như khu trung tâm London giá nhà đã tăng gần 15% trong ba năm qua. Tại Vancouver (Canada) tăng ba hoặc bốn lần trong vòng 10 năm. Ở Úc, giá bất động sản tăng gấp đôi mỗi bảy năm một lần. Dĩ nhiên là người dân địa phương rất bất bình. Trong khi các nhà chức trách thường nhắm mắt làm ngơ bởi dòng tiền đưa vào trong nước làm lợi cho nền kinh tế bản địa thì các nhà nghiên cứu chính trị lại nghĩ khác. Họ cho rằng việc người Trung Quốc thâu tóm bất động sản tại những vị trí đắc địa của các thủ đô lớn trên thế giới, những khu nghỉ mát nổi tiếng hoặc các thương hiệu quốc gia, đã trở thành hình thức mới trong quá trình bành trướng tài chính của Trung Quốc.
Việc bùng nổ nhu cầu mua bất động sản của các công dân Trung Quốc ở những khu vực đắc địa trên thế giới phần nhiều liên quan đến tình hình quan chức tham nhũng ở trong nước. Hồi cuối năm 2012, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng trong đó thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn việc đưa tài sản ra nước ngoài một cách bất hợp pháp.
Lê Viết Đỉnh tổng hợp