Những ngày cuối tuần tại Takashimaya, một trung tâm thương mại mới mở chừng nửa năm nay trên đường Lê Lợi, lúc nào cũng tấp nập. Nơi đây tập trung rất nhiều nhãn hiệu tiếng tăm trên thế giới, từ thời trang của Elle, Guy Laroche đến mỹ phẩm của Lancôme, Shiseido, Estee Lauder… được xem là một trong những khu thương mại sầm uất nhất. Ngay giữa trung tâm Sài Gòn, còn có hai khu Vincom A và B khai trương mấy năm trước và cách nơi đây chưa đầy mười cây số thì Vivo City và Crescent Mail ở quận 7, quy mô cũng như mức độ thu hút khách không hề thua kém.
Phần đông gia đình đến các trung tâm thương mại không chỉ để mua sắm mà còn cho con trẻ vui đùa trong những khu vực giải trí hấp dẫn hoặc cùng bạn bè thưởng thức những món ăn ngon của các nền ẩm thực khác nhau. Bên ngoài không chỉ có một rừng xe máy mà san sát ở bãi đậu là hàng trăm xe hơi đủ màu sắc, với những tên tuổi lừng danh Mercedes, Toyota, Kia, BMW, Ford…
Chẳng riêng gì TP. Hồ Chí Minh, ở Hà Nội, Đà Nẵng và các thành phố lớn khác, những khu thương mại tầm cỡ mọc lên ngày càng nhiều, không chỉ làm thay đổi diện mạo đô thị Việt Nam mà còn cho thấy một mức sống xã hội đã vươn lên cao hơn so với vài thập niên trước. Đây cũng là biểu hiện rõ nét sự hình thành nhanh chóng một tầng lớp trung lưu thừa hưởng giá trị cải cách kinh tế thời kỳ đổi mới.
Vào năm 1988, Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với những nhà máy sản xuất, những công ty dịch vụ tài chính, tạo ra nhiều công ăn việc làm góp thêm những bước nhảy đáng kể cho nền kinh tế. Những năm đầu của thập niên 90, đường lối đổi mới gia tăng tốc độ và các giải pháp phù hợp đã tiếp thêm sức mạnh cho người làm ăn, người lao động có thêm việc làm, chế độ tiền lương cải tiến theo hướng thị trường, doanh nghiệp tư nhân với khát vọng làm giàu bắt đầu tìm được chỗ đứng dù còn khó khăn.
Đây cũng là thời kỳ nhiều người nghĩ đến việc tích lũy, bước một chân vào ngưỡng cửa tầng lớp trung lưu. Chẳng bao lâu sau đó, vùng nông thôn cũng bắt đầu có sự thay đổi với những chính sách phát triển nông nghiệp thông thoáng, thế là tầng lớp trung lưu không chỉ phát triển ở các đô thị mà còn lan tỏa về các thị trấn xa xôi. Một nông dân ở phía Bắc nói vui rất hình tượng: “Từ chiếc quạt mo của thời bao cấp tôi đã có chiếc quạt máy trong thời đổi mới và nay đang có chiếc máy điều hòa và một ít tài sản tích lũy, tôi hy vọng sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu một thời gian không lâu nữa”.
Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG), qua các nghiên cứu thị trường liên tục nhiều năm, cho rằng tầng lớp trung lưu với mức thu nhập từ 714 USD/tháng ở Việt Nam sẽ tăng lên 33 triệu người vào năm 2020, tăng gần ba lần so với năm 2012, chiếm tỷ lệ khoảng 1/3 dân số.
Trong khi đó công ty chuyên cung cấp thông tin định hướng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực thương mại Nielson có vẻ lạc quan hơn khi đưa ra ước tính dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đạt mức 44 triệu người vào 2020 và mười năm tiếp theo sẽ lên đến 95 triệu.
Có thể đây là một dự báo hào phóng nhưng dù sao cũng cho thấy đời sống người dân sẽ ngày càng được cải thiện – tất nhiên với điều kiện chính sách kinh tế đi đúng hướng thị trường – mặc dù theo số liệu của Tổng cục Thống kê thu nhập bình quân đầu người của chúng ta năm 2016 mới chỉ ở mức 2.200 USD tức vào khoảng 50 triệu đồng, thuộc hàng thấp so với các nước trong khu vực.
Nếu những dự báo lạc quan của BCG có độ tin cậy cao đi nữa, thì tầng lớp trung lưu của Việt Nam bốn năm tới đây, vốn là thành phần chủ lực trong tiêu dùng, cũng chỉ chiếm 1/3 dân số, tỷ lệ đó vẫn chưa đủ tác động mạnh làm thay đổi bối cảnh kinh tế xã hội về nhiều mặt của nước ta. Hiện nay chúng ta có khoảng 1/4 người dân thuộc tầng lớp này, theo số liệu phỏng đoán của giới chuyên viên nhưng chưa được kiểm chứng.
Thật ra câu hỏi thế nào là tầng lớp trung lưu cũng đang là vấn đề còn tranh cãi. Chẳng hạn mấy tháng trước đây, theo kết quả khảo sát do Viện nghiên cứu về Đời sống và Con người khu vực ASEAN Hakuhodo thực hiện thì có đến 96% người Việt Nam tự nhận mình ở tầng lớp trung lưu. Đây quả là một con số lạc quan tếu nếu xem mức thu nhập như một tiêu chí chủ yếu xác định tầng lớp người trong xã hội.
Rất có thể một số lớn người dân tự cho rằng việc xác định thang bậc xã hội của một người không chỉ liên quan đến thu nhập thực tế mà còn phải nghĩ đến tích sản, khả năng kiếm tiền chính đáng và thói quen sinh hoạt tức là những quan niệm về cuộc sống của mình. Đó là điểm khác nhau giữa nghiên cứu phục vụ cho mục tiêu kinh doanh lấy sức mua xã hội làm thước đo và nghiên cứu cho mục tiêu xã hội với những giá trị nhân văn. Cách giải thích này trong chừng mực giúp chúng ta hiểu được con số 96% người tự nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu.
Nhìn dưới góc độ thu nhập, thì lượng (số người) và chất (thu nhập) của tầng lớp trung lưu xưa nay tùy thuộc rất nhiều vào xã hội nơi hình thành.
Như Đài Loan chẳng hạn, đây là một vùng lãnh thổ tình hình chính trị xã hội khá ổn định, nền kinh tế lấy doanh nghiệp vừa và nhỏ làm chủ đạo, lại được quản lý bởi một hệ thống luật pháp rõ ràng thì lượng và chất phát triển đồng đều. Số người gia nhập tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều và thu nhập ngày càng cao bởi người dân có cơ hội làm giàu ngang nhau. Hơn 70% người dân lãnh thổ này thuộc tầng lớp trung lưu, cao hơn cả dân Mỹ với khoảng 50%. Nếu mơ đến một sự phát triển ổn định thì Đài Loan là mô hình có sức thuyết phục.
Cũng có tình trạng lượng không tăng mà chất lại tăng, đó là một sự phát triển không lành mạnh của tầng lớp trung lưu khi các chính sách quản lý đất nước tạo điều kiện làm giàu cho phe nhóm với đặc quyền đặc lợi, qua đó hình thành một tầng lớp cai trị nhằm củng cố quyền lực. Hậu quả là phân hóa xã hội ngày càng đào sâu do sự đối xử bất bình đẳng giữa các tầng lớp người dân. Chính quyền thực dân thuở xa xưa ở nước ta đã quản lý xã hội theo cách này.
Còn như lượng tăng mà chất không tăng hoặc tăng chậm, thì đó là dấu hiệu của một nền kinh tế trì trệ, thu nhập đầu người không tăng vì cơ hội làm giàu trở nên hiếm hoi, doanh nghiệp và doanh nhân phải đối diện với nhiều rủi ro, trong khi số người thuộc tầng lớp trung lưu lại tăng theo cơ học. Đó là khi các chính sách và biện pháp cải cách đã đi vào lối mòn không còn phát huy tác dụng, đặt nền kinh tế trước nhiều thử thách phải tự làm mới mình.
Dù sao thì sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu có sức hấp dẫn các nhà đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Mức thu nhập ngày càng được cải thiện giúp người tiêu dùng tiếp cận với những dòng sản phẩm cao cấp.
Một nhà tư vấn quốc tế thuộc Công ty Dezan Shira & Associates nói rằng: “Nếu bạn vào một ngôi nhà của người Việt, họ có thể không có một cái giường lớn hay một cái bàn lớn nhưng lại có điện thoại di động và chiếc xe máy, là những thứ để phô trương khi đi ra ngoài”. Thật ra đó chỉ là chân dung một người tiêu dùng Việt Nam do người nước ngoài vẽ ra, chứ chưa phải là lối sống của một người trung lưu mà mọi hành vi đều có chất nhân văn.
Chính vì vậy điều khiến tầng lớp trung lưu không chỉ được tôn vinh vì những đóng góp cho sự phát triển kinh tế, mà còn là nhân tố quan trọng tác động vào đời sống chính trị – kinh tế và có những đòi hỏi phù hợp với xu thế thời đại, để xã hội hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay.