Bảy họa sĩ, bốn nữ ba nam, đang có một triển lãm khá hoành tráng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 20-3 đến 31-3-2015). Như tên gọi “Dồi dào”, triển lãm là một cuộc trưng bày dồi dào cả về sắc màu, chất liệu lẫn ý tưởng sáng tạo.
Cánh chim đầu đàn của nhóm bảy người này là họa sĩ Nguyễn Thị Bích Trâm, một tên tuổi có uy tín trong lĩnh vực tranh sơn mài tại Sài Gòn hiện nay. Chị bày một loạt tranh sơn mài, hầu hết là tranh mới thực hiện gần đây, với tranh phong cảnh là sở trường của chị từ nhiều năm nay và tranh tĩnh vật hoa cỏ. Bích Trâm lý giải: “Tôi luôn bị cuốn hút bởi sự tĩnh lặng và yên bình trước hình ảnh ánh trăng trên những dãy núi hoặc khu rừng. Bởi từng sống ở môi trường đô thị chật chội và ồn ào nên trong tâm trí tôi luôn ẩn hiện mong ước về sự yên tĩnh. Cũng vì thế phong cảnh là chủ đề thường xuất hiện trong tranh tôi, như tìm đến một sự cân bằng trong cuộc sống với những thăng trầm”. Không óng ả bề mặt, tranh sơn mài của Bích Trâm là những hòa sắc, những mảng khối và đường nét được tác giả thể hiện cẩn trọng nhưng không quá nệ chi tiết, đem đến xúc cảm thẩm mỹ tinh tế cho người thưởng ngoạn.
Cùng gia đình dọn về chỗ ở mới – một ngôi nhà mới xây khá bề thế ở Q.2 – không lâu trước Tết Ất Mùi, họa sĩ Bích Trâm nay có một chốn riêng để vẽ và đã sáng tác đều tay hơn; thêm một tin vui: chồng chị – họa sĩ Đào Minh Tri cũng hồi phục sức khỏe hơn trước và cũng đã vẽ được khá nhiều. Chị cho biết: “Bận rộn lắm nhưng sáng sáng thức dậy thật sớm, bước vào xưởng vẽ của mình, làm việc thật thích!”. Có lẽ vì thế mà tranh phong cảnh của chị thật ấm áp và giàu tình cảm.
Sau triển lãm cá nhân năm qua cũng tại địa chỉ này, Nguyễn Thị Kim Chi tiếp tục giới thiệu đến người xem những bức tranh dào dạt cảm hứng, với màu sắc như được đưa thẳng từ các tuýp sơn dầu lên mặt bố và với những hình tượng hồn nhiên của tuổi thơ: những con rối, bong bóng bay, chân dung trẻ nhỏ… Kim Chi nói rằng cô “vẽ cái đẹp trắc ẩn bên trong”, vẽ những đường nét nguệch ngoạc nhưng dứt khoát, qua đó biểu lộ buồn, vui, hạnh phúc của chính mình. Hai gương mặt nữ khác: Phan Thị Thanh Thúy và Trần Thị Mai Hương góp vào phòng tranh hai giọng điệu mới. Cùng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và cùng hoạt động trong lĩnh vực thời trang, cả hai đều có bạn đời là hai nhà điêu khắc năng nổ, sáng tạo trong lĩnh vực nặng nhọc này những năm gần đây. Loạt tranh của Mai Hương lấy chủ đề “Đám đông” với những gương mặt được ghi lại từ đám đông người trong cuộc sống đô thị lúc nào cũng đông nghẹt người, như cô tự sự: “Tôi sống trong một thành phố của những đám đông. Hàng ngàn khuôn mặt lướt qua tôi mỗi ngày, tôi là một phần của những đám đông đó mỗi ngày…”. Như nhà xã hội học Maurice Duverger từng viết về sự cô đơn của đám đông trong tác phẩm nổi tiếng Đám đông cô đơn (The Lonely Crowd), Mai Hương cũng cảm thấy “sự cô đơn của cá nhân, đặc biệt đối với cư dân trong những đô thị đông đúc…” và muốn vẽ những khuôn mặt cô đơn trong những đám đông đó. Ở một chiều khác, Thanh Thúy lại “vẽ những gì mình cảm nhận trong thế giới nội tâm phức tạp, đa dạng và đầy màu sắc của những người phụ nữ quanh tôi”.
Nếu mảng tạo hình của Lê Nguyên Chính là những khảo sát và khai thác những yếu tố của nghệ thuật tuồng, đặc biệt là trong trang phục và nghệ thuật vẽ mặt nhân vật, được anh đưa vào tranh với một bảng màu khá nhuần nhị thì Lê Hải Triều tìm đến ngôn ngữ cơ thể của con người, nhất là “sự thể hiện cảm xúc qua chuyển động cơ thể khi múa” và “Múa” là chủ đề loạt tranh của anh tại triển lãm. “Cánh chim lạ” trong phòng tranh này là họa sĩ Phan Thái Hoàng, hiện phụ trách mảng mỹ thuật của Hội Văn nghệ tỉnh Cà Mau. Anh mang đến triển lãm những bức tranh rực rỡ màu sắc, trong đó đáng chú ý là mảng tranh vẽ trăng và đêm ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc.
- Như Hoa