Cuộc triển lãm với tên gọi “Những bức tranh từ châu Âu về (trong bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung)” được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, Q.1, từ 10 đến 21-7-2016) đang trở thành một xì-căng-đan trong giới mỹ thuật cả nước.
Từng là một người buôn đồ cổ, có cửa hàng trên đường Lê Công Kiều, Q.1, ông Vũ Xuân Chung trở thành người sưu tập tranh sau khi được gặp hai nhân vật khá nổi tiếng trong lĩnh vực hội họa Việt Nam là nhà sưu tập Hà Thúc Cần (đã qua đời) và ông Jean François Hubert, chuyên gia người Pháp làm việc cho hai nhà đấu giá hàng đầu thế giới Christie’s và Sotheby’s. Theo lời ông Chung kể, khi gặp ông Hà Thúc Cần năm 1993 ông Chung bắt đầu tìm kiếm và sưu tầm tranh của các họa sĩ Việt Nam thời mỹ thuật Đông Dương; còn sau khi gặp ông Hubert năm 2012 thì ông chuyển hướng săn tìm tranh Việt Nam của các bậc thầy đang “lưu lạc” ở nước ngoài, cụ thể là ở Pháp. Ông Chung từng mua đến 17 bức tranh được cho là của các họa sĩ thời mỹ thuật Đông Dương trong bộ sưu tập của ông Hubert, bức nào cũng có “chứng nhận bản gốc của ông Jean François Hubert”.
Ở phòng tranh nêu trên có tất cả 17 bức, trừ ba tranh sơn dầu được cho là của các họa sĩ Bùi Xuân Phái và Tạ Tỵ, còn lại là tranh sơn mài, nhiều nhất là tranh được cho là do Nguyễn Tư Nghiêm vẽ (10 bức), các bức khác được cho là của Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tiến Chung và Sỹ Ngọc. Tuy nhiên, sau khi tận mắt xem tranh, một số chuyên gia mỹ thuật và các họa sĩ đã bày tỏ sự thất vọng của họ đối với triển lãm, hầu hết là trên mạng xã hội Facebook. Họa sĩ Nguyễn Quang Vinh, Phó trưởng khoa Hội họa Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho rằng đây là sự “sỉ nhục nghệ thuật Việt”, còn họa sĩ Nguyễn Trung Tín, nguyên phó hiệu trưởng của trường nhận định “nhìn cái cách vẽ hình tay chân thì chưa chắc (người vẽ) đã là sinh viên học mỹ thuật”. Riêng nhà sưu tập Thái Lan Tira Vanichtheeranont, người hiện sở hữu một bộ sưu tập tranh Việt vào cỡ đồ sộ nhất cho rằng: “Tôi có biết ông Chung… Ông ấy chỉ tin vào các giấy chứng nhận (authentic certificate) được làm bởi tay người Pháp ấy (ý nói Jean François Hubert) mà không lắng nghe người khác. Quả là điều thật đáng tiếc cho ông ấy cũng như với những người đã cho phép tổ chức một triển lãm như vậy dưới danh nghĩa Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh”. Họa sĩ Nguyễn Hào Hải, người thân cận nhất với cố họa sĩ Dương Bích Liên cũng phát biểu chắc nịch rằng bức tranh ký tên Dương Bích Liên tại triển lãm chắc chắn là của giả!
Thật ra, không phải cứ thứ gì dính tới các thương hiệu đấu giá toàn cầu như Christie’s và Sotheby’s đều đảm bảo 100% là thật. Trong những năm qua, đã có nhiều vụ kiện tụng nhà Christie’s bán tranh dỏm, điển hình là vụ kiện nhà Christie’s ở Sydney đã bán tranh giả của họa sĩ Úc Albert Tucker (1914-1999) cho bà Louise McBride với giá 75.000 USD năm 2000, sau đó do thua kiện Christie’s Sydney đã phải bồi thường cho nguyên đơn 118.718 USD vào cuối năm 2014. Năm 2008, nhà Christie’s ở Hongkong cũng bị gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái tố cáo đã bán mấy bức tranh giả mạo ký tên nhà danh họa, song vụ việc chẳng đi tới đâu vì không có ai khởi kiện!
- Như Hoa