Lễ khai mạc Thế vận hội luôn được xem là cánh cửa sổ của nhân loại, tham chiếu những gì đang diễn ra của loài người thời gian ấy.
Thường thì lễ khai mạc đại hội thể thao lớn nhứt hành tinh Olympic luôn là sự kiện người ta trông đợi nhất, luôn mang hết bất ngờ nầy đến bất ngờ khác, với ấn tượng mạnh về sự đầu tư công phu dàn dựng, độ hoành tráng, rực rỡ đầy màu sắc hấp dẫn.
Vậy mà lần nầy, với Olympic Tokyo 2020, lần đầu tiên tí tui coi mà xúc động. Không chỉ vì tưởng niệm những người đã ra đi vì sóng thần ở nhựt 10 năm trước,
không chỉ vì đại dịch covid,
không chỉ chỉ vì có một đoàn thể thao đặc biệt được mang tên Đội Olympic tị nạn,
không chỉ vì ca khúc bất hủ Imagine của cựu tứ quái, con rể của Nhật Bản John Lennon vang lên đầy xúc cảm,
mà còn vì một sân vận động không khán giả.
Nhật Bản đã 4 lần tổ chức Olympic, kể từ lần đầu tiên năm 1964, nhưng nay là lần đầu tiên, sự kiện thể thao lớn nhứt hành tinh và lâu đời nhứt của loài người diễn ra trong bối cảnh đại dịch covid hoành hành khắp thế giới. Dù đã phải hoãn lại đến 1 năm.
Lễ khai mạc diễn ra trong mức độ vừa phải, gọn ghẽ, không hoành tráng hào nhoáng mà ấn tượng độc đáo đầy nét riêng của nước chủ nhà với nhiều thông điệp.
Không chỉ thế, các màn trình diễn luôn tận dụng kết hợp nhiều hiệu ứng hình ảnh, ánh sáng khác nhau và làm sao để tiết kiệm, sử dụng diễn viên ít nhứt có thể. Nó khác hoàn toàn với các kỳ Olympic trước, ngập trong những biển người từ trên khán đài lẫn dưới sân cùng chung tay cho hàng chục tiết mục trong lễ khai mạc hoành tráng.
Một lễ trong một sân vận động chỉ có vận động viên và diễn viên và khách VIP. Một kỳ olympic không có khán giả nào được vào sân. Một lễ khai mạc với tất cả người tham dự đều khẩu trang kín mít đủ màu sắc.
Buổi lễ khai mạc dự kiến kéo dài hơn 30 phút so với kế hoạch ban đầu, nhằm tạo điều kiện cho các vận động viên thực hiện giãn cách khi diễu hành trên sân vận động.
Có lẽ loài người từ khi bày ra trò olympic, chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra được một sự kiện thể thao phải diễn ra không người xem trực tiếp như thế này. (Cựu vận động viên olympic cao tuổi nhất thế giới trên trăm tuổi Agnes Keleti cũng có mặt trong một đoạn phim của lễ khai mạc, hẳn bà cũng đang ngồi nhà xem tivi, không biết bà sẽ nghĩ thế nào nữa!).
Những chiếc ghế trên cả 3 tầng khán đài của sân vận động quốc gia Tokyo, vì thế, đã được sắp xếp màu sắc, phối hộp cùng ánh sáng thiết kế của sân vận động thật khéo để khi lên hình, trông xa xa như thể có người ngồi. Để hàng ngàn chiếc ghế trống không ấy trông bớt trơ trọi, bớt lạnh lẽo, bớt chơ vơ. Đạo diễn của lễ khai mạc đã làm tốt điều ấy.
Những hàng ghế trống vắng ấy nhắc nhớ cả thế giới đã bị buộc phải đổi thay hết thảy vì covid 19!
Ngồi xem truyền hình trực tiếp một Thế vận hội đầu tiên của loài người diễn ra trong đại dịch, nơi luôn là sân chơi của những coon người mạnh khỏe, những con số kỷ lục thể thao luôn nâng lên bứt phá từng giây, từ một thành phố đang mong mỏi mỗi ngày con số ca bệnh một lùi xuống, dù là từng đơn vị.
Một lễ khai mạc olympic ấm áp, đem lại một cảm giác an lành, cùng nhau.
Cảm giác đó, quý lắm, cần lắm. Nhứt là trong thời điểm nầy!