Cuốn sách Thảm họa khí hậu: Chúng ta đã có gì và chúng ta phải làm gì để ứng phó? của Bill Gates chỉ cho chúng ta phương cách ứng phó với biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên toàn cầu. Một cuốn bách khoa thư về quá trình chuyển đổi công nghệ xanh, hướng đến một trái đất xanh với năng lượng xanh cùng các ngành kinh tế xanh không carbon.
Một chút là rất nhiều
Viết cuốn sách này, tỷ phú công nghệ Bill Gates muốn gửi đến các nhà khoa học, nhà đổi mới và nhà hoạt động môi trường một thực trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra qua con số gần 40 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà con người trút vào bầu khí quyển mỗi năm, kèm theo đó là kế hoạch “hành động đủ nhanh” hướng tới mục tiêu đưa con số trở về 0 vào năm 2050.
Đích đến duy nhất là con số “gần như 0”, giải pháp là khiến năng lượng sạch có giá cực thấp để mọi quốc gia từ bỏ nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt, than đá). Năm 2019, chính Bill Gates rút toàn bộ vốn đang đầu tư ở các công ty dầu khí, các tổ chức tín thác quản lý quỹ Gates cũng hành động tương tự, Bill Gates cũng nói không với các công ty than…
Lái xe ô tô ít hơn, bay ít hơn hay chuyển sang đi xe đạp…, việc làm cá nhân nói trên của Bill Gates chỉ là hạt muối bỏ biển. Để cứu tương lai phải là hành động chung của cả thế giới, bao gồm chính sách đúng đắn của các chính phủ, phát minh và công nghệ mới, sự tham gia của các nhà đầu tư mạo hiểm…
Ý tưởng là thế nhưng thực tế không dễ chút nào, Bill Gates cho biết một quốc gia phát triển bậc nhất như nước Mỹ đầu tư cho nghiên cứu y tế và quốc phòng lớn hơn rất nhiều so với nghiên cứu năng lượng sạch. Luôn có một giới hạn, rào cản giữa khoa học khí hậu và chính trị về biến đổi khí hậu.
Trái đất nóng lên gây ảnh hưởng đến sự sinh tồn của con người. Cuối tháng 6.2021 hàng trăm người chết vì nhiệt độ cao kỷ lục (46,6 – 50 độ C) ở Canada, hàng trăm người Đức và Bỉ chết và mất tích do mưa lớn gây ra trận lũ lịch sử hôm 13 đến 15.7.2021 là minh chứng gần nhất cho thấy tác hại nghiêm trọng của việc thải carbon vào bầu khí quyển.
Nhiệt độ toàn cầu chỉ cần tăng một chút (1 – 2 độ C) sẽ gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, lũ lụt, nước biển dâng cao, nước sông tràn bờ, lốc xoáy, cháy rừng, xâm thực… ảnh hưởng đến mùa màng, tính mạng con người, đời sống kinh tế xã hội, môi trường, sinh thái, nguồn nước sạch. Cơn bão Maria năm 2017 đã xóa sạch nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng suốt hai thập kỷ trước đó của Puerto Rico. Các cơn bão ngày càng mạnh một phần vì nhiệt lượng trung bình gia tăng.
Bill Gates so sánh, “vào giữa thế kỷ này, biến đổi khí hậu có thể gây tử vong ở mức tương đương với Covid-19, và vào năm 2100, mức độ này sẽ cao gấp năm lần”, kèm theo đó là bức tranh kinh tế ảm đạm hơn.
Gần 40% lượng khí thải trên thế giới được tạo ra bởi 16% dân số giàu có. Vì vậy, không chỉ ngừng phát thải carbon mà con người còn phải loại bỏ những lượng khí thải ra môi trường. Theo Bill Gates, trước hết các quốc gia giàu có (nhóm G7, G20) phải đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Kế hoạch chuyển đổi công nghệ xanh
Kinh tế ngày càng phát triển, mức sống ngày càng nâng cao, con người sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn cho các nhu cầu về ô tô, đường sá, nhà cửa, tủ lạnh, máy tính, máy điều hòa… dẫn đến thải loại nhiều khí nhà kính hơn trước.
Để hướng đến con số 0, chúng ta phải đưa phần trăm lượng khí nhà kính thải ra từ các hoạt động sản xuất xi măng, thép, nhựa (31%); sử dụng thiết bị điện (27%); nuôi trồng thực vật, động vật (19%); di chuyển máy bay, xe tải, tàu chở hàng (16%); giữ ấm và làm mát (hệ thống sưởi, làm mát, tủ lạnh) (7%) về 0.
Để đạt mục tiêu đề ra, Bill Gates cho rằng nhân loại phải theo đuổi đồng thời hai chiến lược: thứ nhất, dồn hết nỗ lực vào việc cung cấp điện không carbon với giá rẻ và ổn định; thứ hai, điện khí hóa nhiều nhất có thể – từ phương tiện giao thông cho đến các quy trình công nghiệp và máy bơm nhiệt, bao gồm cả những nơi hiện còn dựa vào nhiên liệu hóa thạch để cung cấp điện.
Mặt khác, phải thúc đẩy các công nghệ cần thiết để sản xuất hydro không phát thải carbon, xi măng không carbon, thép không carbon, nhựa không carbon, nhiên liệu sinh học tiên tiến, thịt và chế phẩm từ sữa có nguồn gốc thực vật, phân bón không carbon…; thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo, vật liệu mới giá rẻ; hướng đến xu thế sử dụng điện mặt trời, điện gió, năng lượng hải lưu, năng lượng thủy triều… thay thế cho nhiệt điện, thủy điện, điện khí truyền thống gây ô nhiễm.
Để có những công nghệ này, theo Bill Gates thì các chính phủ phải đầu tư gấp năm lần vào nghiên cứu, phát triển năng lượng sạch và các vấn đề về khí hậu trong thập kỷ tới; nghiên cứu, phát triển các giải pháp phù hợp với những nhu cầu cấp thiết nhất và phối hợp với các ngành công nghiệp ngay từ đầu.
Các cá nhân (công dân, người tiêu dùng, nhân viên, chủ lao động…) cần phải làm gì để hạn chế biến đổi khí hậu? Bill Gates đưa ra một loạt giải pháp như: sống xanh, giảm lượng khí thải tại nhà, mua xe điện, tham gia quá trình hoạch định chính sách, hợp tác trong nghiên cứu được chính phủ tài trợ…
Bill Gates không phải là chuyên gia có thẩm quyền về khoa học biến đổi khí hậu như chính ông thừa nhận; những thông tin và số liệu ông đưa ra cũng không mới đối với giới chuyên môn nhưng cách viết bình dị, sự nhiệt huyết, lượng kiến thức có được từ nhu cầu lắng nghe học hỏi các chuyên gia (vật lý, hóa học, sinh học, kỹ thuật, khoa học chính trị, kinh tế, tài chính…) hàng đầu ở khắp nơi trên thế giới, và những ví dụ sinh động được lồng ghép khiến cuốn sách hàn lâm về khoa học khí hậu trở nên nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ tiếp cận đối với độc giả phổ thông.
Bill Gates không nói lý thuyết suông, ông đưa ra những giải pháp, kế hoạch hành động cho từng trường hợp cụ thể. Các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà khoa học, các doanh nghiệp có thể tìm thấy ở cuốn sách Thảm họa khí hậu những ý tưởng phù hợp với những dự án đang và sắp triển khai, nhằm tránh được nguy cơ phát thải carbon vào bầu khí quyển, đón đầu xu thế kinh tế xanh bền vững trong tương lai.