Nguyên cán bộ kiểm lâm của tỉnh Đồng Nai này cũng nổi tiếng trong các cộng đồng yêu thiên nhiên ở Việt Nam vì những hoạt động tích cực trong việc bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Anh chia sẻ: “Đối với tôi, một người nghiên cứu đa dạng sinh học thì việc giúp các bạn trẻ hiểu biết về thiên nhiên Việt Nam luôn là khát khao cháy bỏng”. Dưới đây là bài viết của Phùng Mỹ Trung về một chuyến đi rừng gần đây của anh.
Hành trình vào rừng sâu
Sau nhiều chuyến đi tới các vườn quốc gia như Bù Gia Mập, Bi Đúp Núi Bà, Chư Yang Sin, lần này chúng tôi – Hội những người chinh phục độ cao quyết định đến thăm Vườn quốc gia KonKaKinh với sự hướng dẫn nhiệt tình của các nhân viên kiểm lâm. Sau hai ngày trèo đèo vượt suối, ngủ rừng, vượt qua nhiều những đỉnh núi và vách đá cheo leo dựng đứng, đúng 1 giờ 20 phút người cuối cùng trong đoàn đã leo lên đến đỉnh trong sự mệt nhoài và chiếc áo ướt đẫm mồ hôi. Vậy là chúng tôi đã chinh phục được đỉnh Konkakinh cao 1.778m, nóc nhà của tỉnh Gia Lai.
Voọc chà vá chân xám
Trong niềm vui chiến thắng, cả đoàn cùng nhau trở về nơi cắm trại. Giữa không gian yên tĩnh sau cơn mưa chiều, bỗng tiếng gào thét của một loài thú lạ bất ngờ vang lên chói tai. Những thành viên trong đoàn vẫn bước tiếp để kịp trở về lán trại trước khi trời tối, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm làm nghiên cứu, tôi nhận ra rằng đó là tiếng kêu ai oán của một con thú sắp chết đang cần sự cứu giúp của bầy đàn. Nếu không được chúng tôi cứu, có lẽ tiếng kêu ấy sẽ chỉ được đáp lại bằng sự tuyệt vọng của muôn loài trong cánh rừng nguyên sinh. Sau khi chia nhau tìm kiếm, mọi người vô cùng xót thương khi tận mắt chứng kiến một con voọc chà vá chân xám cái đang bị mắc bẫy. Sợi dây cáp bằng thép thít chặt bàn tay phải khiến nó vô cùng đau đớn, viết thương lâu ngày đã sưng tấy. Nhìn thấy nhiều người lạ con voọc càng gào thét thảm thiết trong đau đớn và cố vùng vẫy thoát ra không được. Giờ này cả bầy voọc và những đứa con của nó hẳn đã đi rất xa vì biết rằng không có cách nào cứu được người mẹ, người vợ của chúng trong hoàn cảnh vô vọng ấy.
Giải cứu thú hoang
Cả đoàn lặng đi trong giây lát như cảm nhận được sự đau đớn của chính bản thân mình và cùng nhau bàn kế hoạch giải cứu con voọc tội nghiệp. Chúng tôi quyết định chia làm hai nhóm. Một nhóm dụ dỗ và gây chú ý, một nhóm tìm cách tiếp cận giữ chặt lấy con voọc để nó không còn khả năng tấn công. Không muốn chúng tôi đến gần, con voọc cố gắng hù dọa, la hét, kêu gào vang cả một góc rừng. Đây chính là lúc nó trở nên nguy hiểm nhất trong nỗ lực trốn thoát tuyệt vọng.
Con voọc bị nạn
Bằng một kinh nghiệm nhỏ, chúng tôi biết nó đang đói lả và chỉ cần một cành lá sung quả to xanh non, loài cây mà voọc rất thích sẽ làm nó dịu lại. Trước món ăn khoái khẩu, con voọc tỏ ra ngoan ngoãn đưa tay bứt từng chiếc lá nhai ngấu nghiến vì đói. Chỉ cần có vậy, ngay lập tức chiếc áo Kiểm lâm được trùm vào đầu nó và mọi người lao vào giữ chặt con voọc. Một nhân viên Kiểm lâm người Kơsor nhanh nhẹn dùng con dao đi rừng chặt đứt sợi dây cáp trên cánh tay bị thương, một người khác cố gắng gỡ sợi dây cáp dẻo khỏi cánh tay đầy máu và đã bị hoại tử một phần. Con voọc có lẽ cũng hiểu là nó đang được giúp đỡ nên không còn la hét mà chỉ rên rỉ trong đau đớn. Để tránh làm nó phấn khích, trước khi bỏ chiếc áo ra, mọi người nhẹ nhàng vuốt ve và thận trọng đặt nó lên một cành cây thấp.
Sau khi được giải thoát, con voọc chỉ kịp quay lại nhìn chúng tôi một cách đầy giận giữ rồi lao thẳng lên những cây cao ngút trong rừng sâu để tìm kiếm bầy đàn và những đứa con của nó. Số phận của nó còn nhiều hiểm họa ở phía trước. Liệu nó có sống nổi với vết thương đang bị hoại tử trên bàn tay không? Liệu nó có tìm thấy bầy đàn cùng những đứa con thân yêu? Và liệu nó có bị dính bẫy một lần nữa? Chúng tôi chỉ hy vọng bản năng sinh tồn sẽ giúp con voọc kiếm được chiếc lá thuốc của rừng để thoát khỏi thần chết. Chia tay đỉnh núi với những làn sương hơi nước đang kéo đến bao phủ những ngọn cây, hành trình khám phá Konkakinh đã thành công tốt đẹp. Các thành viên đã lên được độ cao 1.778m và khi về đến lán trại đồng hồ đã chỉ 8 giờ tối.
Mặc dù bụng đói cồn cào, lả đi vì mệt nhưng các thành viên khoác trên mình chiếc áo có dòng chữ Đồng hành bảo vệ thiên nhiên hoang dã đã ghi được chiến công đầu tiên. Đó là đã cùng các nhân viên kiểm lâm giải cứu thành công một con voọc chà vá chân xám khỏi chiếc bẫy thú sau hơn một giờ đồng hồ.
Phùng Mỹ Trung theo phuot.vn