Sài Gòn – đất lành chim đậu, dân cả nước đổ về làm ăn sinh sống. Nên đây cũng là nơi hội tụ ẩm thực 3 miền Việt Nam. Những món ăn ngon, giá rẻ, lạ… gây tò mò với du khách, nhất là “Tây ba lô”. Chỉ từ 1USD trở lại là bạn đã có thể thưởng thức đủ hương vị ẩm thực, không gây béo phì, không lo cholesterol, không lo mỡ trong máu…
Không khó để bắt gặp trên đường phố những hình ảnh ăn đứng ăn ngồi, vừa đi vừa ăn, rồi ăn nóng ăn lạnh; bỏ vô hộp mang đến trường, mang đến công sở, công trường… Những món ăn bình dân này được pha trộn, chế biến tinh tế với các vị mặn ngọt chua cay; có đủ các “gam” màu trắng, xanh, vàng, đỏ, cam, nâu… Đây cũng là sự tổng hợp về chất và đất trời hoa lá trong đĩa thức ăn của người Sài Gòn.
Không như những món ăn trong các nhà hàng sang trọng, các tiệm chỉn chu; món ăn đường phố Sài Gòn thường là những món ăn nhẹ, ăn nhanh, hợp khẩu vị và túi tiền với phần lớn mọi người. Bạn đang vội vã đi làm một công việc gì đó, nhưng bất chợt nghe “kiến bò bụng”, có thể tấp xe vào lề đường, “làm đại” tô canh bún được cô hàng xinh tươi đon đả chào mời bên gánh nước lèo bốc khói ngạt ngào.
Trên đường đi học về, các cô áo dài ríu rít rủ nhau tấp xe đạp vào một xe bò bía đang “trụ” tại một góc công viên, để “làm” mỗi người vài cuốn cho đủ “hương vị” một ngày học hành vui vẻ. Anh công nhân cây xanh đang tỉa cành cổ thụ, chợt nghe nhạt miệng, có thể nhìn quanh, sẽ không khó để bắt gặp một xe nước mía nào đó đang lạo xạo xay ra cái chất ngọt tự nhiên từ cây mía dài ngoằng. Vâng, cô chủ hàng nước mía đã trương bảng rồi đó “chỉ cần 5 ngàn, ly khổng lồ”, thế là anh uống thỏa thuê, vừa giải khát, vừa bù đắp cho cơ thể lượng đường mất đi trong quá trình lao động tay chân nặng nề.
Xin giới thiệu ra đây vài món ăn khoái khẩu cho dân thích lang thang đường phố Sài Gòn:
– Bò bía là món bánh tráng cuốn với củ sắn bào sợi, hấp; lạp xưởng chiên thái mỏng, tôm khô, đậu phộng hạt rang, rau thơm… chấm tương đen, thêm chút ớt đỏ, đồ chua. Món này ngon “bá chấy” với các tay thích nhậu lề đường và các cô nàng ăn hàng tối ngày sáng đêm.
– Bánh tráng Tây Ninh loại dẻo, dày cắt sợi trộn với khô bò, khô mực, dầu điều, mỡ hành, đậu phộng rang, rau răm, trứng cút… Đây là món ăn mới được “sáng chế” ở Sài Gòn và nhanh chóng lan ra các tỉnh thời gian gần đây. Món này được “thần dân tuổi teen” ạt ào đón nhận. Không cổng trường nào mà không có vài xe hoặc vài gánh bánh tráng trộn.
– Tàu hủ hay tàu phớ được gánh nóng với nước đường nấu sệt sôi bùng cùng gừng đập dập. Trời lạnh hay đang mệt, bạn kêu cô bán hàng hớt cho một chén ăn xong là khoẻ. Sao lại “hớt”? Cái tinh tuý của hạt đậu nành để lửa riu riu cho sánh lại không phù hợp với người nặng tay. Khi bạn ăn tàu hủ, tay múc cũng nhớ sẽ sàng, miếng tàu hủ phải còn nguyên cho vào miệng tan dần mới tận hưởng được vị thơm béo của đậu nành, vị ngọt ngọt, cay cay, nong nóng của nước đường nấu gừng. Gần đây, tàu phớ còn có thêm “phiên bản” ăn với nước cốt dừa, hạt trân châu (hạt bột luộc, dai, mềm) và đá bào nhuyễn, gọi là tàu hủ đá.
– Bánh giò, bánh bao, bánh ram… Những loại bánh này được làm truyền thống với bột mì, bột gạo, nhân thịt heo bằm, trứng cút, củ sắn, nấm mèo và hấp lên. Bánh bao để trần, bánh giò được gói với lá chuối. Riêng bánh ram nhân dừa hoặc đậu xanh xay nhuyễn chiên lên, khách nước ngoài rất thích.
– Chả giò là món ăn thuần túy Việt được cuốn từ bánh tráng, tôm thịt, củ sắn, nấm mèo… rồi chiên giòn. Trong nhà hàng quán xá Sài Gòn, món này được ăn kèm với nước mắm chua ngọt, bún, rau sống, rau thơm. Nhưng lang thang ra đường phố, vỉa hè, chả giò được chiên trên những chiếc xe đẩy, ăn đơn giản với tương ớt, tương cà, bầu bạn cùng các món “người dưng khác họ” trên mẹt như há cảo, đậu hủ chiên giòn…
– Bún riêu gánh đường phố Sài Gòn thường không kiểu cọ như bún riêu trong tiệm với 30.000đ – 40.000đ/tô với đủ sơn hào hải vị. Chỉ 15.000 đồng, bạn có quyền ngồi xổm, xì xoạp tô bún riêu bốc khói với chị vé số, anh xe ôm sau hành trình mưu sinh mệt mỏi. Bún riêu gánh đường phố thường chỉ nấu theo kiểu truyền thống với cua xay, đậu hủ, cà chua, tôm khô, mắm tôm… Bao nhiêu đó là đủ thơm đủ ngọt bao la với đĩa rau sống tươi xanh bên cạnh rồi còn gì!
– Gánh bánh ống lá dứa với cơm dừa, muối mè từ Sóc Trăng “gánh” lên Sài Gòn. Bánh ăn nóng, thơm ngon dẻo dai với màu xanh tự nhiên của lá dứa sẽ làm bạn thương nhớ đồng quê hơn.
– Nồi nước lèo canh bún sóng sánh mỡ màng trên những chiếc xe ba bánh rong ruổi trong các con hẻm Sài Gòn cũng là hình ảnh ẩm thực đường phố khó quên. Món này tương tự như bún riêu, nhưng không có trong thực đơn quán xá nhà hàng, nó chỉ độc dành cho người bình dân vỉa hè. Thay vì bún riêu ăn với rau sống, canh bún ăn với rau muống luộc, cọng bún to hơn và được ngâm trong nồi nước lèo khá lâu trước khi múc ra tô cho khách.
– Bánh mì Sài Gòn được chế biến nhanh gọn với các loại nhân cực kỳ phong phú như thịt heo, thịt gà, bò, cá, chả, trứng… ăn kèm với đồ chua, dưa leo, hành ngò, ớt tươi… Đó là kiểu “bánh mì nhận” truyền thống được bán trên các xe, mà dân Sài Gòn đã rất quen với kiểu dáng độc tôn, gọi là “xe bánh mì”. Đâu đâu, nơi cổng chợ, góc phố Sài Gòn đều có xe bánh mì. Người Sài Gòn tất bật có thói quen ăn bánh mì trừ (thay) cơm, gọi là “cơm tay cầm”. “Cơ động” hơn xe bánh mì tại chỗ, có xe bánh mì đẩy. Xe bánh mì đẩy luôn hấp dẫn những cái bụng đói bằng mùi thơm của thịt nướng xiên, trứng ốp la. Học trò khoái ăn bánh mì xe đẩy hơn bánh mì xe truyền thống, ngoài lý do rẻ hơn một chút, có lẽ các cô các cậu áo trắng còn thích cái chuyện xúm xít quanh xe tán gẫu, chọc ghẹo nhau trong khi chờ thịt nướng chín với mùi thơm ngạt ngào. Làn sóng “Tây ba lô” du lịch sang Việt Nam bây giờ cũng là fan cuồng nhiệt của món bánh mì xe đẩy.
– Cơm cháy chà bông, món ăn gọn được trình bày trên đĩa, vị lạ và ngon nhờ phối hợp nguyên liệu từ cơm cháy nướng giòn tan với mỡ hành ăn kèm thịt gà, thịt heo xé sợi nhuyễn như bông… Gỏi khô bò với nguyên liệu chính là đu đủ hườm hườm thái sợi mỏng, sau đó ngâm vôi cho giòn, trộn với rau răm cho thơm. Ăn kèm sợi đu đủ này với khô bò ướp tương và gia vị, đậu phộng rang hạt to, bánh phồng tôm, nước mắm chua ngọt, ai thích cay thì thêm ớt.
Cũng có thể là thừa, và cũng không biết bao giờ mới kết thúc, khi tôi cố kể cho các bạn nghe về cảm giác ẩm thực và hàng trăm món ẩm thực đường phố Sài Gòn. Tự bao giờ, ẩm thực đường phố đã trở thành cái tinh túy của Sài Gòn. Bạn có nhiều tiền, bạn vào nhà hàng, quán xá sang trọng, chưa chắc thú bằng chuyện lang thang ăn uống trên phố Sài Gòn.
Ẩm thực đường phố Sài Gòn không chỉ là chuyện phục vụ cho cái bao tử.
Tất nhiên, khi chọn ẩm thực đường phố, bạn cũng đừng quên “thanh tra vệ sinh thực phẩm” cho chính mình bằng những cảm quan mắt, mũi, miệng… Nhưng theo “kinh nghiệm lâu đời” của dân thích lang thang, khi ăn uống, bạn chọn nơi nào đông khách là OK. Chí ít, ra đó là nơi bán hàng ngon, nhiều khách quen, ăn vào không bị “Tào Tháo rượt”.
Ăn vỉa hè, ăn dọc phố Sài Gòn, bạn sẽ được “ướp tẩm” cái chất Sài Gòn từ cách phục vụ chân thành mộc mạc của người bán hàng đến những câu chuyện bên lề không đụng hàng – mà nếu không ra vỉa hè thì không thể biết. Mỗi chuyến đi công tác nước ngoài về, khi bánh máy bay vừa chạm đường băng Tân Sơn Nhất, khi ca sĩ Quỳnh Anh duyên dáng cất lên lời “Hello Vietnam”, tôi chỉ muốn bay thật nhanh về cái góc nhỏ đầu chợ Thị Nghè, húp liền một tô canh bún 15.000 đồng thấm đẫm vị cua đồng và mắm tôm…