Tranh khỏa thân của Phạm Lực luôn khởi lên trong người xem một xúc cảm đẹp bởi sự tinh tế, e ấp nhưng cũng đầy đam mê nơi những đường nét thanh tân của phụ nữ Á Đông.
Loạt tranh phụ nữ khỏa thân của Phạm Lực đang trưng bày trong triển lãm Hiển thị của bản sắc tại nhà đấu giá nghệ thuật Chọn (Hà Nội) mang đến cho người xem muôn vẻ khỏa thân rất tình tứ của phụ nữ Việt.
Có thể là một cơ thể thiếu nữ e ấp bên hoa, nhòa lẫn trên mái phố cổ hay tấm thân con gái lấp ló sau tấm liếp của “nhà tắm dã chiến” được dựng tạm bợ nơi chiến trường bom đạn giữa rừng.
Không trực diện phơi bày, một cơ thể đàn bà chỉ lấp ló chút ít sau tấm liếp của nhà tắm dã chiến trong bức tranh Nhà tắm dã chiến cũng đủ gợi nên bao rung động cho ai ngắm nhìn.
Đặc biệt, các thiếu nữ khỏa thân trong loạt tranh này của Phạm Lực đều mang một nét khắc khoải, ngơ ngác, và có cả những suy tư dằn vặt.
“Nét buồn như cúc điệu gầy như mai” ấy gợi lên những ưu tư trong lòng người thưởng lãm về sự mong manh của cái đẹp và sự mong manh của hạnh phúc.
Ngoài đề tài về phụ nữ, triển lãm với 50 tác phẩm được chọn ra từ hơn 500 bức tranh Phạm Lực trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Sĩ Dũng còn mang tới nhiều câu chuyện văn hóa dân gian như Tấm Cám, Nghêu sò ốc hến, Vinh quy bái tổ… và phong cảnh làng quê miền biển với chợ cá, mẹ già ngóng con, những con thuyền đánh cá…
Ông Nguyễn Sĩ Dũng – một người con cũng quê hương miền Trung cùng họa sĩ Phạm Lực – đã yêu mến, sưu tập tranh của họa sĩ trong vài chục năm qua gắn bó với họa sĩ như một người bạn tri âm.
Tuy nhiên, họa sĩ Phạm Lực cho biết ông Sĩ Dũng chỉ là một trong số khoảng 5-6 nhà sưu tập có bộ sưu tập tranh khủng của riêng họa sĩ này, nhiều bộ sưu tập lên tới cả ngàn bức.
Ngắm một số tranh phụ nữ khỏa thân và một số tranh khác trong triển lãm – Ảnh THIÊN ĐIỂU chụp lại: