Cảnh báo nguy cơ về nợ công của Việt Nam thêm lần nữa được các chuyên gia đưa ra vào trung tuần tháng 7 vừa qua, trong một hội thảo về nợ công do Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức.
“Vẫn nằm trong ngưỡng an toàn” là khẳng định đã quá quen thuộc, không chỉ từ Bộ Tài chính mà từ Chính phủ về nợ công. Cơ sở được xem là khá vững chắc cho khẳng định này là tổng số dư nợ công đến ngày 31-12-2013 ở mức 1.913 nghìn tỉ đồng, bằng 53,4% GDP, dư nợ Chính phủ ở mức 1.488 nghìn tỉ đồng, bằng 41,5% GDP, trong khi giới hạn cho phép là nợ công dưới 65% GDP, nợ Chính phủ dưới 55% GDP.
Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia, các con số nói trên chưa bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ chi phí quản lý và cấp bù lãi suất đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, nợ xây dựng cơ bản, nợ quỹ bảo hiểm xã hội, nợ chi ứng trước của ngân sách Trung ương cho các dự án đầu tư chưa bố trí được nguồn.
Mặt khác, theo TS Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế – Tài chính, Học viện Tài chính), số tuyệt đối về nợ công, nợ nước ngoài và nợ chính phủ là bao nhiêu, tốc độ tăng hằng năm như thế nào cũng không được công bố đầy đủ. Dẫn con số tuyệt đối về nợ công của Việt Nam từ đồng hồ nợ công thế giới (The global debt clock – GDC) ông cho biết đến cuối tháng 3-2014, mỗi người Việt Nam hiện đang gánh khoản nợ trung bình 887,51 USD (gần 20 triệu đồng).
Chỉ tính từ tháng 1-2013 đến tháng 3-2014, theo GDC, nợ công của Việt Nam đã tăng thêm 9,887 tỉ USD, trung bình tăng gần 700 triệu USD/tháng và tăng thêm gần 100 USD/người.
Cũng theo GDC, quy mô nợ công của Việt Nam tăng liên tục: năm 2012 tăng 8,6%, đến 2013 tăng 12,6% và dự kiến 2014 tăng 11,2% nhưng tỷ lệ nợ công lại giảm từ 50,6% GDP năm 2012 xuống 49,3% GDP năm 2013 và dự kiến còn 48% GDP năm 2014 do tốc độ tăng GDP danh nghĩa cao hơn so với tốc độ tăng quy mô nợ.
TS Trịnh Tiến Dũng, nguyên trợ lý Giám đốc Quốc gia – Trưởng ban Cải cách khu vực công UNDP Việt Nam cũng đưa ra hai con số rất khác nhau về nợ công của Việt Nam.
Đó là, nợ công Việt Nam theo định nghĩa của Luật Quản lý nợ công (gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) thì chiếm 54,4% GDP. Còn nếu theo định nghĩa quốc tế thì nợ công của Việt Nam đã lên đến 106% GDP.
Luật gia Vũ Xuân Tiền, trong bản tham luận về nợ công mới đây trích nhận định của TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright: “Nếu tính cả nợ tiềm ẩn của doanh nghiệp nhà nước thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam có thể trên 100% GDP, vượt xa ngưỡng nợ công 65% GDP được đặt ra trong chiến lược phát triển tài chính đến năm 2020”.
Nguyễn Thắng