Dù diễn ra không dài ngày, các triển lãm mỹ thuật đón năm mới 2013 tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút khá đông người thưởng ngoạn.
Với cuộc triển lãm lần thứ tư liên tiếp hằng năm, lần này được khai mạc đúng ngày 1-1-2013 (tại nhà triển lãm Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, số 5 Phan Đăng Lưu, Q. Bình Thạnh), Nhóm 12 một lần nữa cho thấy sự tập hợp đa dạng của họ vẫn tìm được tiếng nói chung: nghiêm túc trong chất lượng nghệ thuật của tác phẩm và sự cầu thị của các nghệ sĩ, gồm: Ca Lê Thắng, Nguyễn Thành Quốc Thạnh, Võ Nam, Bùi Hải Sơn, Phan Phương, Nguyễn Quang Vinh, Vũ Hà Nam, Nguyễn Chí Thanh, Trần Việt Hưng, Trần Mai Quốc Khánh, Hoàng Tường Minh và Lê Kinh Tài. Bảy họa sĩ và năm nhà điêu khắc quen thuộc với hoạt động nghệ thuật tại TP. Hồ Chí Minh đã giới thiệu gần 50 tác phẩm tranh, tượng, sắp đặt và video với ngôn ngữ nghệ thuật đa dạng, qua đó khẳng định hướng đi của mỗi người trong năm 2013. Cũng trong thời gian diễn ra triển lãm, một cuộc tọa đàm về nghệ thuật đã được Nhóm 12 thực hiện, qua đó họ trao đổi với các sinh viên mỹ thuật về công việc sáng tác của mình.
Tại gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, từ 5-1 đến 10-1) triển lãm “Mặt – chân dung một người làm báo” giới thiệu 32 tranh của 28 họa sĩ thuộc nhiều thế hệ, từ Lưu Công Nhân, Đào Thế, Phan Vũ, Huỳnh Phương Đông, Bùi Quang Ngọc cho đến Trịnh Thanh Tùng, Nguyễn Quân, Thành Chương, Lê Đại Chúc, Ca Lê Thắng, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Quang Vinh… và các họa sĩ trẻ như Lê Kinh Tài, Mạc Hoàng Thượng, Trần Minh Tâm… Điểm đáng chú ý của triển lãm này là tất cả tác phẩm đều là tranh chân dung một người: nhà báo Nguyễn Trọng Chức, Trưởng ngành lý luận phê bình của Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, người chuyên viết về mỹ thuật và có những quan hệ thân thiết với giới tạo hình từ nhiều năm qua.
Một hoạt động nghệ thuật khá đặc biệt trong những ngày đầu năm 2013 có tên “Giấc mơ cao nguyên – giao thoa giữa âm và sắc”, được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chỉ trong ba ngày 4, 5 và 6-1, nhằm hưởng ứng chương trình “Nói không với sừng tê giác”. Bên cạnh phần trình diễn âm nhạc mang âm hưởng Tây Nguyên của nhóm GuiHANtar (gồm Nguyễn Lê Tuyên, giảng viên âm nhạc Đại học Quốc gia Úc và Salil Sachdev, giảng viên âm nhạc Đại học Bridgewater, Mỹ) là cuộc trưng bày hơn 20 bức tranh của họa sĩ trẻ Trung Nghĩa, được anh vẽ bằng kỹ thuật thể nghiệm: dùng hiệu quả của khói, lửa, chất dẫn cháy… để vẽ trên giấy. Anh thổ lộ: “Tôi muốn dùng những thứ từng hủy hoại môi trường, từng hủy diệt các giống loài và tài nguyên rừng là lửa, khói, chất dẫn cháy; khắc chế chúng và vẽ nên những tác phẩm”.
Có thể nói những bức tranh và sự tìm tòi trong sáng tác của Trung Nghĩa rất đáng hoan nghênh, nhất là trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống hủy hoại môi trường sinh thái, hủy diệt rừng và động vật hoang dã tại Việt Nam hiện nay.
- Ngã Văn