Đối với người dân New York, Micheal Bloomberg là một vị thị trưởng đáng kính đã liên tiếp làm 3 nhiệm kỳ từ năm 2001 đến 2013. Tuy nhiên, chính tài năng kinh doanh của vị tỷ phú gốc Do Thái giàu thứ 11 trong bảng xếp hạng của Forbes mới là nguyên nhân chính khiến toàn thế giới biết đến tên ông.
Theo hãng tin CNN, nhiều khả năng vị tỷ phú Bloomberg sẽ ra tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Nguồn tin thân cận cho biết thậm chí nếu không ra tranh cử, ông cũng sẽ tiêu tốn 500 triệu USD ủng hộ các chiến dịch nhằm lật đổ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử.
Thông tin này thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông khi tỷ phú Bloomberg cũng là một doanh nhân thành đạt nhưng lại có bề dày chính trị cũng như uy tín hơn Tổng thống Trump. Lịch sử làm thị trưởng New York của ông khiến tỷ phú Bloomberg nhận được nhiều danh tiếng trước cả khi quyết định có tham gia tranh cử hay không.
Vậy Michael Bloomberg là ai mà được mọi người so sánh với Tổng thống Trump đến vậy?
Thất nghiệp khi đã đi nửa cuộc đời
Micheal Bloomberg là người sáng lập và là CEO của tập đoàn truyền thông tài chính Bloomberg L.P, đồng thời là chủ của tờ báo tài chính nổi tiếng thế giới Bloomberg. Ông có tiếng nói khá lớn trong cộng đồng kinh doanh Mỹ cũng như giới tài chính.
Câu chuyện thành công của ông với hãng tin Bloomberg có lẽ đã quá nhiều người biết, nhưng đối với Micheal Bloomberg, chính việc bị sa thải bởi công ty mà ông không bao giờ nghĩ sẽ bỏ việc mới là bước ngoặt đem đến sự giàu có cho vị tỷ phú này.
Ban đầu, ông Bloomberg làm việc cho công ty chứng khoán Salomon Brothers tại phố Wall và bộc lộ tài năng của mình nhờ những thành công trong giao dịch các cổ phiếu. Dần dần, Bloomberg được cho phép giao dịch những cổ phiếu của các công ty lớn và trở thành nhân viên tiêu biểu sáng giá nhất trong Salomon.
Thậm chí, Salomon đã để Bloomberg trở thành đối tác và cho phép ông toàn quyền chịu trách nhiệm mảng chứng khoán của công ty.
Tuy nhiên, ông Bloomberg bị giáng chức đột ngột xuống bộ phận công nghệ thông tin và ở nguyên đó cho đến năm 1981. Khi Salomon quyết định sáp nhập với Phibro, Bloomberg bị sa thải với khoản bồi thường 10 triệu USD.
Đây là một cú sốc lớn với Bloomberg khi Salomon là công ty đầu tiên mà ông làm kể từ khi tốt nghiệp đại học Havard năm 1966 và vị tỷ phú này khi đó không bao giờ nghĩ mình sẽ rời Salomon.
Tại thời điểm này, ông Bloomberg đã 39 tuổi và rất khó để có thể chuyển sang công ty khác với mức lương và ưu đãi như cũ. Không nhụt chí, nhà đầu tư tài ba này đã dùng khoản tiền 10 triệu USD bồi thường cùng với 2 kỹ năng vô cùng quan trọng đã rèn luyện từ thời làm ở Salomon là đầu tư chứng khoán và công nghệ tài chính để xây dựng nên đế chế của riêng mình.
Tuy nhiên do được sinh ra và nuôi dạy trong một gia đình Do Thái, ông Bloomberg không hề nhụt chí và luôn có tinh thần dám “liều mình” để tiến lên phía trước. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến ông gây dựng nên được một đế chế như ngày nay.
Muốn thành công hãy khác biệt
“Khi nhà đầu tư phố Wall nhận ra được giá trị phân tích kỹ thuật về mối liên quan giữa các cổ phiếu, họ vẫn tập trung vào cách làm thủ công với bút chì và giấy trong suốt giai đoạn từ khi tôi mới vào nghề thập niên 60 cho đến khi bị sa thải vào năm 1981”, ông Bloomberg nói về việc tại sao mình lại bắt đầu xây dựng công nghệ phân tích chứng khoán thời kỳ đó.
Ý tưởng của Bloomberg khi đó là xây dựng một hệ thống thông tin gồm nhiều kênh đầu tư khác nhau gồm chứng khoán, tiền tệ và qua đó làm rõ vị thế của từng công ty trên thị trường. Nhờ đó, xu thế trên thị trường sẽ trở nên rõ ràng hơn cũng như làm lộ rõ cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư.
Nói cách khác, ông Bloomberg muốn tạo nên kho dữ liệu, phân tích chất lượng cao và bán dịch vụ cho các nhà đầu tư.
Tỷ phú Bloomberg khi đó đã thuê 4 cựu đồng nghiệp tại Salomon để hoàn thành dự án này và bắt đầu chào bán sản phẩm kể từ trước khi chúng được hoàn thành.
Bộ phận đầu tư Capital Market Dision của Merrill Lynch là nơi đầu tiên hứng thú với sản phẩm của Bloomberg và ông đã đến gặp trực tiếp giám đốc bộ phận, ông Ed Moriarty để chào bán một thứ thậm chí chưa được hoàn thành.
Trên thực tế, ông Moriarty không tin lắm vào khả năng hoàn thành sản phẩm của Bloomberg, trong khi giám đốc bộ phận kỹ thuật, ông Hank Alexander của Merrill Lynch cho rằng công ty nên tự làm sản phẩm này thay vì thuê ngoài.
“Nếu chúng tôi không có thêm nhiệm vụ nào mới, chúng tôi có thể bắt đầu thực hiện nó sau 6 tháng nữa”, ông Alexander nói.
Ngay lập tức, Bloomberg cho biết ông và nhóm của mình có thể hoàn thành sản phẩm trong vòng 6 tháng và nếu công ty không thích chúng, họ sẽ không phải trả tiền.
Tại thời điểm đó, Bloomberg và nhóm cộng sự không có gì ngoài một ý tưởng để giúp đỡ các chuyên viên môi giới tài chính. Tuy vậy, vị tỷ phú này đã hứa hẹn không ngần ngại như thể họ đã làm xong sản phẩm.
Rõ ràng, ông Bloomberg đã dựa vào khả năng thuyết phục của mình để bán “tầm nhìn”, sau đó dựa vào độc quyền dữ liệu phân tích để mở rộng thị trường cũng như ngày càng trở nên nổi tiếng trong giới tài chính.
“Thương vụ đầu tiên đó không hề dễ dàng và nếu xét theo tiêu chuẩn đàm phán kinh doanh ngày nay, nó thậm chí thật buồn cười. Tuy vậy, chúng tôi đã làm được điều đó và thành công”, ông Bloomberg nhớ lại.
Ngay sau khi thử nghiệm thành công, Merrill Lynch đã đầu tư 30 triệu USD công ty của Bloomberg. Tính đến tháng 10/2015, đã có khoảng 325.000 cổng thông tin truy cập vào dịch vụ của Bloomberg được thuê từ các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới.
Tháng 11/2018, tỷ phú Bloomberg được xếp hạng thứ 11 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes với tổng tài sản 51,8 tỷ USD.
Không dừng lại ở mảng kinh doanh, tỷ phú Bloomberg còn được liên tiếp trúng cử chức thị trưởng thành phố New York vào các năm 2002-2005-2009. Sự tận tâm với công việc khiến ông thu được danh vọng cực lớn từ các cử tri. Mặc dù là tỷ phú nhưng thị trưởng Bloomberg vẫn đi tàu điện ngầm bình dân đến cơ quan để có thể giao tiếp được với mọi người, lắng nghe các ý kiến.
Chính vì vậy, việc một tỷ phú không kém cạnh Tổng thống Trump nhưng lại có danh vọng chính trị có khả năng tham gia tranh cử mới được mọi người chú ý đến vậy.