Ngoài những kim tự tháp hùng vĩ, Ai Cập còn có một mê cung phức tạp nằm ngầm dưới mặt đất. Hệ thống mê cung này từng bị mất tích cùng với nhiều công trình và di tích quý giá, nhưng các nhà khảo cổ và khoa học đã nỗ lực tìm kiếm lại được nó. Nhưng vì sao cho đến nay mê cung vẫn còn ẩn giấu những bí ẩn?
Không ai có thể nghi ngờ rằng Ai Cập là vùng đất của những bí ẩn sâu xa và cổ xưa, kéo dài qua nhiều thiên niên kỷ trong màn sương mù của thời gian.
Đây là một vùng đất đầy mê hoặc của những phế tích tráng lệ, các kim tự tháp hùng vĩ và những ngôi mộ đen tối được bao phủ bởi những lời nguyền rủa và những ma thuật đen.
Đó là nơi đã thu hút sự tò mò, nghiên cứu của các nhà khảo cổ cũng như của công chúng trong nhiều năm, trong khi tất cả những gì chúng ta đã biết được về địa điểm bí ẩn này qua nhiều thế kỷ vẫn còn nhiều bí mật được chôn giấu trong cát sa mạc.
Một trong số đó là hệ thống mê cung gồm mạng lưới ngầm dưới lòng đất cùng với những gian phòng có chứa những văn bản cổ xưa đã bị lãng quên qua các thế kỷ, kể cả rất nhiều kiến thức và bí mật bị mất. Nếu chúng còn tồn tại, chúng có thể thay đổi cách chúng ta xem lại lịch sử.
Cấu trúc của mê cung
Gần như một quần thể bị thất lạc và hoang đường, hay đơn giản gọi là “mê cung”, đối với Lạp cổ đại sau khi những truyền thuyết của riêng họ về một mê cung được thiết kế bởi Daedalus cho vua Minos của xứ Crete để giữ con quái vật Minotaur (quái vật nửa người nửa bò trong thần thoại Hy Lạp) huyền thoại, được cho là bao gồm một mạng lưới rộng lớn các hệ thống đường hầm uốn khúc, các gian phòng, các đền thờ, tòa nhà, miếu, lối đi, sân và phòng ốc, hàng ngàn gian phòng giải trí với đầy đủ các văn bản chữ cổ tượng hình, hiện vật, tranh vẽ và kho báu chưa từng thấy nằm phía dưới những lớp cát của Ai Cập.
Điều này được mô tả lần đầu tiên bởi nhà sử học Hy Lạp cổ đại Herodotus, người đã viết về nó trong tác phẩm Histories (tập II, 148 vào thế kỷ 5 trước Công nguyên.
Ông đã viết về mê cung Ai Cập như sau: “Họ (12 vị vua) đã quyết tâm tham gia cùng nhau để xây một đài tưởng niệm cho chính họ; cách giải quyết của họ dẫn đến việc thực hiện một mê cung, nằm gần hồ Moiris và gần như đối diện với nơi được gọi là thành phố Cá sấu. Chính mắt tôi đã chứng kiến và tôi còn thấy nó lớn hơn những từ ngữ mô tả.
Nếu tập hợp tất cả các tòa nhà và tất cả những tác phẩm vĩ đại do Hellenes (một tên gọi khác của Greeks – Hy Lạp, ám chỉ những người Hy Lạp) sản xuất, sẽ thấy sự thua sút về sức lao động cũng như chi phí đối với mê cung này, mặc dù trên thực tế cả đền thờ ở Ephesos và ở Samos đều là những công trình có giá trị”.
“Tuy các kim tự tháp rất đồ sộ, nhưng mê cung cũng vượt qua ngay cả các kim tự tháp. Nó có 12 khoảng sân được bao phủ bên trong.
Khu vực các gian phòng phía trên chính chúng tôi đã nhìn thấy và đi qua chúng. Nhưng đối với những gian phòng ngầm dưới mặt đất, chúng tôi chỉ mới được nghe mô tả mà thôi.
Những người Ai Cập không tiết lộ nhiều về chúng, chỉ nói rằng nơi đó là lăng mộ của những vì vua (họ là những người đầu tiên xây dựng nên mê cung này) và của những con cá sấu thiêng”.
Một trong những nỗ lực đầu tiên nghiên cứu mê cung một cách nghiêm túc là vào năm 1842, với một nhóm được cử đến Ai Cập bởi vua nước Phổ Friedrich Wilhelm IV.
Nhóm nghiên cứu, do nhà khảo cổ Richard Lepsius dẫn đầu, tin rằng kim tự tháp mà sử gia Herodotus đã nói đến là kim tự tháp Amenemhat III nằm trong vùng Hawara của Faium và thành phố Cá sấu là một đô thị cổ nằm trong thung lũng ốc đảo Faiyum.
Vì vậy, họ tập trung nghiên cứu ở nơi đó. Họ tuyên bố đã thành công trong việc xác định cấu trúc rộng lớn khi họ định vị các cột lớn, các tàn tích và phần còn lại của những gì họ tin là hồ Moeris nhân tạo mà sử gia Herodotus đã nói đến.
Phát hiện này sau đó đã bị lãng quên, người ta vẫn không biết được họ đã tìm thấy những gì ở đó. Hoặc giả liệu đó có phải là mê cung huyền thoại hay không.
Năm 1888, nhà Ai Cập học kiêm nhà khảo cổ học người Anh nổi tiếng Flinders Petrie tuyên bố đã tìm thấy mê cung bị mất. Trớ trêu thay, ông ở trong cùng một khu vực mà Lepsius đã từng đến trước đó, đơn thuần chỉ là tàn tích của một ngôi làng La Mã cổ.
Những tiết lộ
Gần đây hơn là một cuộc thám hiểm mang tên Mataha đã được tổ chức vào năm 2008 với một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Bỉ và Ai Cập do Louis de Cordier dẫn đầu; họ bố trí radar quan sát khu vực với nỗ lực muốn làm sáng tỏ tất cả những bí mật. Họ cho rằng ông Petrie thực sự đã phát hiện thấy mái trần của cấu trúc.
Cuộc thăm dò trên khu vực phía nam kim tự tháp Harawa tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng về một hệ thống cấu trúc khổng lồ ẩn sâu trong lòng đất.
Sử dụng công nghệ tiên tiến, họ tìm thấy dấu vết của các khoang, phòng, đường hầm và các bức tường dày bao gồm hai phòng lớn có kích thước 150m x 100m và 80m x 100m.
Mặc dù sự hiện diện của những lượng lớn nước ngầm và một con kênh gần đó khiến cho việc nghiên cứu hoàn toàn chính xác trở nên khó khăn, khi mạng lưới phức tạp này hiển thị lên radar người ta cho rằng rốt cuộc họ cũng đã tìm thấy được mê cung Ai Cập huyền thoại bị mất tích.
Nhưng phát hiện đã đụng phải một số các rào cản, từ đó trở đi điều này đã dẫn đến những tin đồn về những âm mưu và những viễn cảnh đen tối.
Vì sao mãi mãi vẫn còn là bí ẩn?
Mặc dù kết quả của cuộc thám hiểm Mataha đã được chính thức công bố trên tạp chí khoa học của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Thiên văn học và Địa vật lý (NRIAG) đồng thời được tiết lộ trong nhiều bài diễn thuyết công khai khác nhau về vấn đề này, Tổng thư ký Ai Cập thuộc Hội đồng Cổ vật Tối cao đã bất ngờ chỉ thị buộc mọi người phải im lặng trên tất cả mọi phương diện.
Do lệnh cấm này, tất cả các phát hiện đều phải ém nhẹm và không bao giờ được phép công bố, công việc bị đình chỉ và các tiết lộ từ đây phải nằm trong vòng bí mật vô thời hạn.
Trên thực tế, sở dĩ chính phủ Ai Cập đã cấm đoán triệt để như vậy nhằm để chính thức phủ nhận bất kỳ mọi phát hiện, với một trong những công văn được công bố nội dung như sau:
“Những điều này chỉ tồn tại trong tâm trí của những người tìm kiếm, để thu hút những người muốn tìm hiểu những điều bí ẩn, đồng thời khi chúng ta càng phủ nhận sự tồn tại của những điều này, công chúng càng nghi ngờ rằng chúng ta đang cố tình che giấu những điều tạo thành một trong những những bí mật tuyệt vời của Ai Cập.
Vậy tốt hơn chúng ta hãy bỏ qua tất cả những tuyên bố này thay vì chỉ phủ nhận chúng. Tất cả các cuộc khai quật của chúng ta trong khu vực của kim tự tháp đã thất bại trong việc tiết lộ bất kỳ các hành lang ngầm hay các hội trường, đền thờ, hang động, hoặc bất kỳ thứ gì khác cùng loại”.
Không rõ tại sao tất cả điều này đều bị che đậy, nhưng điều chắc chắn là với sự phủ nhận mạnh mẽ từ phía chính phủ, theo thời gian mê cung vĩ đại của Ai Cập vẫn bao trùm bí ẩn như thể nó luôn luôn là một địa danh huyền thoại thực sự.