Theo ghi nhận của nhà xã hội học Jaclynn Jill Suitor, Trường ĐH Purdue, Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ trưởng thành, sự thiên vị của cha mẹ đối với con cái biểu lộ theo nhiều cách khác nhau như dành nhiều thời gian và ưu tiên, thương yêu và ít trừng phạt trẻ nhiều hơn anh chị em của chúng.
Thiên vị có xu hướng xảy ra khi cha mẹ chịu nhiều áp lực, có các vấn đề về hôn nhân hoặc lo toan tài chính. Cũng có trường hợp do cha mẹ thiếu kiềm chế cảm xúc hoặc xem nhẹ cách cư xử với con cái. Trong khi đó, tính cách và hành vi của trẻ chịu ảnh hưởng từ cách cư xử của cha mẹ. Bởi những trẻ bị đối xử thiên vị thường dễ bị trầm cảm, hung hăng, trở nên tự ti và có thành tích học tập kém.
Việc bạn so sánh trẻ với một đứa trẻ khác có thể là một ý tốt vì muốn con trẻ có thêm động lực từ sự tương phản ấy. Tuy nhiên, những so sánh đại loại như “Anh/chị/em của con làm bài tập ở nhà tốt hơn con bởi con không chịu tập trung” hoặc “Phòng riêng của anh/chị/em con lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp hơn của con. Tại sao con không làm được?” cho thấy bạn chỉ đánh giá cao việc làm của những trẻ khác, khiến trẻ tin rằng bạn yêu thương anh/chị/em của chúng nhiều hơn.
Kết quả là, thay vì được tiếp thêm động lực trẻ sẽ mất tinh thần và khó có thể hòa hợp với anh/chị/em của chúng. Cũng đừng lấy gương tốt của trẻ nhỏ hơn để làm gương cho trẻ lớn, bởi điều này sẽ tạo sự phẫn uất cho trẻ. Đối với trẻ, việc cha mẹ chỉ khẳng định thành tích của trẻ khác mà cản trở những trải nghiệm của trẻ cũng là cách cư xử thiên vị.
Khi trẻ hỏi bạn những câu có tính ganh đua như “Ai chạy nhanh hơn? Ai làm việc giỏi hơn?”, hãy đừng trở thành “người phán xử” trong những trò chơi của trẻ. Tuy điều này không phải là thiên vị khi bạn nói lên sự thật nhưng con trẻ không nghĩ như vậy.
Nếu bạn đánh giá tốt anh chị em của chúng, sau đó đưa thêm nhiều “bằng chứng” về những mặt tốt ấy, sẽ khiến trẻ nghĩ rằng đang bị phán xét, và cảm thấy mặc cảm vì sự thua sút. Tạo ra sự cạnh tranh giữa trẻ cũng là cách cư xử thiên vị. Có không ít bậc phụ huynh dùng thời gian là cách khích lệ tinh thần làm việc của con cái. Đây có thể là cách tuyệt vời để tạo sự cạnh tranh cho trẻ.
Thế nhưng, kết thúc một cuộc thi luôn có người chiến thắng và kẻ thua cuộc. Nếu là kẻ thua cuộc, trẻ càng cảm thấy thua sút trước anh chị em của chúng khi chứng kiến sự vinh quang của người thắng cuộc.
Cũng đừng đứng về một phe nào trong một “cuộc chiến” của con trẻ. Bởi cha mẹ có thể không nhận biết khi bị lôi kéo vào những cuộc chiến của trẻ, tức là đang ủng hộ cho một bên để chống lại trẻ, khiến trẻ cảm thấy bị đối xử thiên vị.
Trong khi đó, nhiều cha mẹ xem đó là cách phân xử công bằng khi trẻ gây hấn với người khác. Tuy vậy, điều này có thể dẫn đến cuộc chiến giữa hai đứa trẻ. Đây thực sự là một cuộc chiến hợp tác mà trẻ có khả năng chuyển hướng cuộc chiến, hoặc gia tăng xung đột hoặc trở về hòa bình.
Vậy nên, khi cha mẹ bước vào cuộc chiến và bảo vệ một đứa trẻ, đừng để trẻ trở thành kẻ “đồng lõa” trong cuộc xung đột. Thay vào đó, hãy giúp trẻ tìm cách giải quyết vấn đề để trẻ không có cảm giác bị đối xử thiên vị.
- Xem thêm: Con trẻ và trí thông minh xã hội
Con bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi được cha mẹ đối xử một cách công bằng. Tuy nhiên, trong những trường hợp không thể tránh khỏi cư xử thiên vị như đối với những trẻ còn bé bỏng hay có hoàn cảnh đặc biệt trong gia đình, hãy giải thích với trẻ về sự cần thiết này để tránh những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.