Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hằng năm toàn quốc có khoảng 600.000 thí sinh thi trượt đại học và 112.838 học sinh không tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều này cho thấy, còn một lực lượng lao động khá đông cố gắng chen chân vào con đường học hành, thi cử mà bỏ qua các trường nghề, khi không đủ năng lực tham gia thị trường lao động cấp cao.
Các nữ học viên của Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề Thiếu niên TP.HCM trong giờ học nghề làm tóc
Đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục phó Cục Việc làm – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết ở một số nước đã áp dụng hình thức phân loại học sinh từ trung học phổ thông. Những học sinh không đủ tiêu chuẩn được đưa vào đào tạo tại các trường nghề.Bên cạnh đó, họ sử dụng mô hình đào tạo kép trong đó học viên sẽ được trang bị một số kiến thức lý thuyết và một tỷ lệ nhỏ cho thực hành.Sau thời gian học tại trường sẽ tiếp tục được đưa vào đào tạo tại một số doanh nghiệp lớn, nhằm trang bị kiến thức thực hành và những kỹ năng cần thiết.Kết thúc quá trình này, học viên mới quay lại trường làm thủ tục nhận bằng tốt nghiệp.
Không chỉ có sự bất cân đối trong thị trường lao động trung cấp mà ở phân khúc cao hơn cũng đang trong trình trạng này. Đó là lý do khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương từ năm 2013 tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa đầu ra như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết sẽ có khuyến cáo về những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu lớn, đồng thời kiến nghị Chính phủ không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành mà cung đã vượt cầu.
Theo kế hoạch trong năm 2013, để đào tạo nhân lực theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 1.400 chỉ tiêu cho một số cơ sở giáo dục để đào tạo cán bộ nguồn cho cán bộ tỉnh/thành phố của khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, qua rà soát nhu cầu nhân lực cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định trong giai đoạn 2011-2015, mỗi năm cần phải bổ sung khoảng 1,86 triệu lao động đã qua đào tạo nghề; giai đoạn 2016-2020 bổ sung khoảng 2,18 triệu lao động.
Gia Minh tổng hợp