Sau hai ngày làm việc liên tục với bốn phiên thảo luận, Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các thành viên trong quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững, tăng cường hơn nữa hợp tác Á – Âu.
Các chuyên gia đều nhất trí với chỉ đạo định hướng của Chính phủ Việt Nam cho rằng các thách thức liên quan đến nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách và mang tầm toàn cầu hơn bao giờ hết.
Một đoạn sông Cửu Long
Các đại biểu nhận định rằng mối quan hệ tương tác giữa nước, lương thực và năng lượng sẽ là một xu hướng toàn cầu lớn trong nhiều thập niên tới và những thách thức về nguồn nước xuyên biên giới đang đòi hỏi hợp tác không chỉ ở cấp độ quốc gia mà cả khu vực và toàn cầu nhằm cân bằng giữa các nhu cầu khác nhau một cách công bằng và bền vững.
Hội thảo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và bài học, bao gồm các thỏa thuận hợp tác song phương, tiểu khu vực và khu vực. Các đại biểu cũng đề cao các sáng kiến toàn cầu, trong đó có các sáng kiến của Liên Hiệp Quốc về Ngày Nước thế giới, Thập kỷ hành động về nước cho cuộc sống và sáng kiến của Hội đồng Nước Thế giới về nước và tăng trưởng xanh…
Việc xử lý các thách thức phi truyền thống toàn cầu nói chung và vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên nước nói riêng đang tạo ra những cơ hội mới cho hợp tác và đối thoại Á – Âu. Hội thảo nhất trí cần tăng cường sự tham dự và hỗ trợ của ASEM đối với các cơ chế của những thành viên trong hợp tác khu vực và tiểu vùng về quản lý nước, như tiểu vùng Mekong, Danube…, đồng thời tăng cường sự đóng góp của ASEM cho các nỗ lực toàn cầu, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Nước châu Á – Thái Bình Dương lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Chiangmai, Thái Lan vào tháng 5-2013.
Hiện nay những thách thức lớn của chúng ta là việc dòng sôngMekongđang bị các nước ở thượng nguồn khai thác thủy điện quá mức, gây tác hại môi trường và nguồn lợi kinh tế các nước vùng hạ lưu.
Gia Minh tổng hợp