CEO Facebook Mark Zuckerberg vừa có bài viết 3.000 chữ phác thảo tương lai. Theo đó thời gian tới, Facebook sẽ chuyển hướng phát triển từ những nội dung công cộng như hơn một thập kỷ qua, sang đáp ứng nhu cầu liên lạc mã hóa, riêng tư.
Thay đổi này sẽ diễn ra trên cả ba nền tảng ứng dụng tin nhắn của hãng. Đây là hứa hẹn được chính nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đưa ra trong bài đăng mới nhất trên blog cá nhân.
“Tôi tin rằng các nền tảng giao tiếp lấy trọng tâm là tính riêng tư sẽ trở nên quan trọng hơn những nền tảng mở khác hiện nay. Hiện các kênh liên lạc theo kiểu nhắn tin, các story chỉ xuất hiện trong 24 giờ và các nhóm người dùng nhỏ mới là những nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất”, Zuckerberg cho biết. Ông cũng nhấn mạnh rằng “mã hóa” sẽ là chìa khóa cho tương lai của Facebook và công ty sẵn sàng chặn các quốc gia nào từ chối cách hoạt động này.
Để đạt mục tiêu này, Facebook sẽ phát triển mạnh hơn các nền tảng chat của mình theo hướng giống như ứng dụng WhatsApp: mã hóa tất cả các nội dung từ đầu đến cuối. Hiện tại công ty đã bắt đầu thống nhất nền tảng và công nghệ bên dưới ứng dụng WhatsApp, Facebook Messenger và Instagram Direct.
Zuck chia sẻ rằng ông đang có kế hoạch làm cho 3 ứng dụng chat của mình hoạt động được với nhau, không đứng độc lập như hiện nay. Ngoài ra, chúng cũng sẽ có khả năng tích hợp với SMS nữa (hiện chỉ mới có app Messenger trên Android là được tích hợp SMS). Zuckerberg cũng nói rằng việc tập trung vào các kênh giao tiếp riêng tư như thế này cũng tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, nhất là những thứ liên quan tới thanh toán điện tử hay bán hàng. Đây cũng là thứ mà Facebook muốn tập trung trong các năm gần đây, ví dụ như việc thúc đẩy bán hàng qua Facebook hay các Group.
Theo đó, Zuckerberg khẳng định mã hóa sẽ là một trong những trụ cột phát triển của Facebook trong tương lai, đồng thời khẳng định sẵn sàng đối mặt với việc bị cấm ở một vài quốc gia để đảm bảo điều đó.
Và tất nhiên, Facebook sẽ làm nhiều cách để chặn những người xấu khỏi các app của mình, ví dụ như việc phát hiện những hành vi đáng ngờ ngay cả khi công ty không thể đọc được tin nhắn của người dùng (vì tin nhắn đã bị mã hóa). Facebook cũng sẽ khiến cho các tin nhắn không tồn tại lâu. Hiện công ty đang cân nhắc tự động xóa tin nhắn sau khoảng 1 tháng hoặc 1 năm, và nếu không thích thì người dùng có thể giữ nguyên lịch sử chat của mình. Ngoài ra thì Facebook cũng phát triển những tính năng cho phép tin nhắn tự biến mất sau vài giây hoặc vài phút.
Dù có chiến lược rõ ràng, song Zuckerberg lại chưa đưa ra khung thời gian cụ thể cho những bước đi nêu trên, ngoại trừ tuyên bố “trong vài năm tới”. Trong đó, việc đàm phán với chính phủ các nước về phương thức lưu trữ dữ liệu, cũng như các vấn đề về pháp lý sẽ tốn khá nhiều thời gian.