Những năm qua, sự phức tạp, chồng lấn, rắc rối của các quy định về điều kiện kinh doanh đã gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp chúng ta. Sau nhiều lần tuyên bố sẽ cắt giảm, vừa qua Thủ tướng đã thể hiện rõ quyết tâm khi thành lập tổ công tác, giao chỉ tiêu cắt giảm cụ thể cho các bộ, ngành. Mới đây nhất, việc Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ký quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh đang khơi dậy niềm hy vọng về một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn.
Doanh nghiệp khó phát triển trước quán tính kiểm soát
Cho đến nay, có thể nói chưa tổ chức nào thống kê được Việt Nam chính xác đang có bao nhiêu điều kiện kinh doanh. Vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) liệt kê ra được khoảng hơn 5.700 điều kiện, còn thống kê sơ bộ của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy hiện đang có hơn 4.200 điều kiện. Hàng ngàn trong số điều kiện đó đang gây ra những chi phí bất lợi cho doanh nghiệp, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh, dựng lên rào cản đầu tư. Nhiều điều kiện kinh doanh can thiệp vô lý vào hoạt động, quyền tự quyết của doanh nghiệp như đòi hỏi bằng cao đẳng – đại học chuyên ngành của người đứng đầu công ty; hay để được cấp điều kiện kinh doanh ngành nghề vận tải ôtô thì doanh nghiệp phải trình phương án kinh doanh cho cơ quan Nhà nước xác nhận… Sở dĩ có những điều kiện vô lý trên vì các bộ ngành vẫn còn giữ tư duy kiểm soát doanh nghiệp hơn là quản lý. Rất nhiều quy định điều kiện kinh doanh đặt ra vì sự thuận tiện và tránh rủi ro cho nhà quản lý, chứ không hề tính đến chi phí của doanh nghiệp.
Lần này, các điều kiện này được Bộ Công thương bãi bỏ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực an toàn thực phẩm, kinh doanh khí, bia, rượu, điện lực, thương mại điện tử. So với các nước, lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam chậm phát triển một phần vì khâu quản lý kinh doanh qua internet quá chú trọng vào kiểm soát, các quy định về đăng ký và cấp phép. Điều này làm chi phí gia nhập thị trường bị đội lên cao. Tư duy tiền kiểm như vậy khiến doanh nghiệp Việt bị kìm hãm, phải nhường thị phần cho doanh nghiệp nước ngoài.
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa được Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) và một số nước chủ chốt khác công nhận có nền kinh tế thị trường, dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam gặp bất lợi khi xuất khẩu sang các thị trường đó. Ai cũng biết, để có được nền kinh tế thị trường thật sự thì Nhà nước cần phải tạo ra được môi trường kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên nhiều năm qua, một số doanh nghiệp thay vì cạnh tranh trực tiếp thì đã tác động vào việc dùng giấy phép và điều kiện kinh doanh để loại đối thủ. Chẳng hạn như Sở Giao thông Vận tải yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh taxi, vận tải theo hợp đồng phải đạt số lượng xe tối thiểu. Quy định trên đã loại bỏ 70% doanh nghiệp vận tải nhỏ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn chiếm giữ thị trường, giảm sự lựa chọn của khách hàng, mặc dù không có cơ sở nào cho thấy doanh nghiệp có nhiều phương tiện hơn thì chất lượng dịch vụ tốt và an toàn hơn.
Dù dựng lên hàng rào điều kiện dày đặc, công tác quản lý của nhiều bộ ngành vẫn bị đánh giá kém hiệu quả. Chẳng hạn Nghị định 38/2012/NĐ-CP trong đó có mục công bố xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI thì đã nhiều doanh nghiệp, chuyên gia khuyến nghị rằng giải pháp hiện tại theo Nghị định 38 không hiệu quả. Mẫu kiểm định là do doanh nghiệp mang đến, cơ quan quản lý cũng không kiểm soát được mẫu nào đạt yêu cầu, mẫu nào không đạt yêu cầu vì khi doanh nghiệp đến xét nghiệm đã bỏ đi những mẫu không đạt yêu cầu. Kinh nghiệm các nước kiểm soát thực phẩm là kiểm soát tại nguồn, kiểm soát xác xuất và có trừng phạt nặng nề nếu vi phạm quy định. Khi dùng biện pháp quản lý như vậy phải tập trung vào những nhóm nguy cơ cao song Nghị định 38 đang kiểm soát nhóm được đánh giá là nguy cơ không cao. Có đến 99% vụ ngộ độc là diễn ra ở đường phố, bếp ăn tập thể thì lĩnh vực đó bộ máy nhà nước về an toàn thực phẩm không tập trung vào mà lại tập trung vào thực phẩm bao gói.
Cắt giảm sẽ thành công nếu Chính phủ đủ quyết tâm
Mười năm trước, Hàn Quốc đã thành công trong cải cách quy định kinh doanh khi chính phủ nước này đạt được mục tiêu cắt giảm 50% quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Ngoài Hàn Quốc, có nhiều bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển hơn để Việt Nam có thể học hỏi. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là quyết tâm của chính phủ. Nhiều luật sư cho rằng đã đến lúc phải bỏ tư duy tiền kiểm, chuyển sang hậu kiểm và công khai thông tin để người tiêu dùng lựa chọn và sàng lọc doanh nghiệp. Tức là Nhà nước cho phép doanh nghiệp tự kiểm tra sản phẩm và công bố hợp chuẩn, hợp quy. Bên cạnh đó, các cơ quan của Chính phủ cần triệt để áp dụng quản lý theo hướng quản lý dựa trên rủi ro để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Theo hướng này, Chính phủ xây dựng hệ thống thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm để có thể truy xuất nguồn gốc theo chuỗi. Ngoài ra, việc rà soát cần phải có những tiêu chí, các căn cứ cụ thể khi cắt bỏ các điều kiện kinh doanh như tính hợp lý, tính khả thi, tính thống nhất, tính công khai minh bạch…
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng việc ký quyết định cắt giảm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là kết quả bước đầu quan trọng vì quyết định trên đã đưa ra mục đích rõ ràng, phương án cụ thể. Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng tỏ ra lạc quan: “Trước đây, chúng ta nói đến việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhưng chỉ nói theo một cách chung chung, chưa có cách tiếp cận rõ ràng. Ở thời điểm hiện tại cách tiếp cận với các điều kiện kinh doanh đã cụ thể hơn. Thêm vào đó, hiện tại nhận thức của nhà nước cũng như bộ ngành về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh đã được nâng cao hơn rất nhiều. Trên thực tế đã có những Nghị quyết được cộng đồng DN và Hiệp hội đánh giá cao như Nghị quyết 19/NĐ/CP và Nghị quyết 35/NĐ/CP của Chính phủ”.
Mới năm ngoái đây, việc rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh đã được nêu lên rầm rộ để rồi sau đó chìm dần. Hy vọng lần này quyết tâm của thủ tướng Chính phủ sẽ được thực hiện và trở thành hoạt động hiệu quả, thường xuyên trong quá trình thúc đẩy Việt Nam tăng trưởng cao, đua tranh với các nước trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
- Cẩm Tú