Hằng năm, cứ vào thời điểm này chuyện lương tiền lại được nói đến với không ít tranh luận và mỗi bên đều tìm cách bảo vệ quan điểm của mình. Vào cuối tháng 7 vừa qua, trong cuộc họp Hội đồng Tiền lương quốc gia, “lương tối thiểu” được bàn đến và thêm lần nữa lại có cự ly về mức tăng thế nào là hợp lý. Tổng Liên đoàn Lao động đứng về phía đối tượng cần được mình bảo vệ là người lao động, đã đề xuất tăng 8%, tức là đã có nhân nhượng so với đề xuất trước đó là 13%. Trong khi đó Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đứng về phía doanh nghiệp muốn tăng 5%, như vậy là đã cao hơn mức tăng đề nghị trước đây là chỉ 1 – 2%.
Luật Lao động nói rõ rằng mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ (Điều 91) nhưng trong thực tế hàng chục năm qua với bao nhiêu lần lương tối thiểu được điều chỉnh, sau khi được nhân với hệ số, vẫn không làm tròn chức năng của mình. Hậu quả là người lao động thường xuyên bỏ việc nơi này để tìm việc nơi khác, trong khi ngày càng nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì không chịu nổi chi phí quá cao khi lương tiền và các khoản chi khác cho người lao động là một nỗi ám ảnh thường trực.
Vậy thì bài toán cho cả hai phía, người lao động và người sử dụng lao động là vấn đề năng suất, đúng như những gì thuộc về quy luật: tăng lương mà không dựa vào tăng năng suất không chỉ khiến cho hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm đi, ảnh hưởng đến đầu tư mở rộng; mà còn làm cho nguồn lực của nền kinh tế nhỏ lại, ảnh hưởng đến tăng trưởng. Muốn có lương cao thì năng suất phải cao, đó là điều hợp lý hợp tình.
Khổ nỗi, năng suất lao động của chúng ta hiện nay rất thấp. Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy năng suất lao động bình quân khu vực nông lâm thủy sản thấp nhất với 32,9 triệu đồng/lao động/năm, khu vực công nghiệp và xây dựng 112 triệu đồng, khu vực dịch vụ đạt 103,5 triệu đồng. Năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế năm 2016 ước đạt 84,5 triệu đồng/người/năm tức là khoảng 3.853 USD. Theo Tổng cục Thống kê, so với các nước trong khu vực thuộc loại thấp nhất, chỉ bằng 4,4% của Singapore, 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan, 48% của Philippines và 48,8% của Indonesia. So sánh một cách cơ học thì 23 người Việt Nam có năng suất lao động bằng một người Singapore.
Tất nhiên năng suất lao động còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như bản thân người lao động chủ yếu là trình độ tay nghề và thái độ làm việc, yếu tố công nghệ, yếu tố quản lý, niềm tin và không loại trừ cả yếu tố tiền lương cùng sự đãi ngộ.
Thế cho nên khi bàn về tăng lương tối thiểu nói riêng và tăng thu nhập cho người lao động nói chung mà không chiếu cố đến những yếu tố này là một khiếm khuyết nảy sinh nhiều tranh cãi.
- Ngọc Anh
Xem thêm:
- Tăng lương tối thiểu cho người lao động
- Tăng lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp vừa và nhỏ càng gặp khó
- Lương tối thiểu thấp hơn mức sống tối thiểu gần 1 triệu đồng