Mặc dù, giá trị xuất khẩu mặt hàng cá tra trong năm 2013 có tăng 1% so với năm 2012, song theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đây chỉ có thể gọi là xuất khẩu ổn định và cầm chừng. Hai thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU đã đưa ra nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn và môi trường ngày càng khắt khe. Sản lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường EU sụt giảm trong một thời gian dài vì các rào cản thương mại, còn có thêm nguyên nhân các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh nhau về giá khiến giá cá xuất khẩu giảm. Giá cả cứ bấp bênh, vốn eo hẹp đã khiến người nuôi giảm tới 17,5% diện tích nuôi, sản lượng chỉ đạt 1,15 triệu tấn, giảm 7,6% so với năm 2012.
Bước vào đầu năm 2014, nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu, người nuôi bán được giá khá tốt, hiện đang khoảng 22.000-24.000 đồng/kg. Nhà nông đang hy vọng sự khởi đầu thuận lợi, tuy nhiên, chuyện người nông dân mù mờ về ngưỡng thị trường, cũng như không làm chủ được giá cả đã kéo dài, nên ai cũng vẫn tỏ ra thận trọng, giá thức ăn lại đang tăng lên 10 – 15% so với năm 2013. Như vậy, rủi ro của thị trường còn nhiều tiềm ẩn.
Trong khi đó, Luật Nông trại 2014 của Mỹ mang đến băn khoăn cho các cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp xuất khẩu cá Việt Nam. Luật được ban hành có những điểm đáng chú ý: cá tra thuộc đối tượng chịu điều chỉnh của những hàng rào kỹ thuật mới do Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra; Quốc hội Mỹ phê chuẩn việc chuyển chức năng giám sát cá da trơn, trong đó có cá basa và cá tra của Việt Nam, thuộc cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ; do đó, thay vì chỉ kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Mỹ sẽ kiểm soát luôn cả vùng nuôi cá tra của Việt Nam, quy trình sản xuất đến việc đóng gói xuất khẩu.
Các doanh nghiệp dự đoán Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ yêu cầu các vùng nuôi của Việt Nam phải nâng cấp để đáp ứng những tiêu chuẩn giống như tiêu chuẩn mà những người nuôi cá da trơn tại Mỹ hiện nay đang áp dụng. Điều này dễ dẫn đến những chuẩn mực không tương thích, không phù hợp với những điều kiện của Việt Nam, thậm chí chỉ để bảo hộ ngành cá của họ. Chuyện này cũng dễ hiểu khi cá tra Việt Nam xếp thứ sáu trong danh sách 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường Mỹ trong năm 2012, còn cá da trơn nuôi của Mỹ tụt hạng từ vị trị thứ 7 năm 2011 xuống thứ 9 năm 2012.
Không nghĩ một chiều như vậy, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An (Ô Môn, tỉnh Cần Thơ) lại cho rằng với những chuẩn mực không tương thích, với những điều kiện của Việt Nam, ngành cá tra sẽ có thêm một, hai năm khó khăn, nhưng nếu nhà nước, doanh nghiệp quyết tâm tái cấu trúc ngành cá tra thì sẽ có biện pháp tích cực hỗ trợ nông dân thay đổi. Năm nay, HTX Thới An không giảm diện tích nuôi mà còn tăng lên khoảng 3ha do có hợp đồng thường xuyên với doanh nghiệp, sản lượng tăng từ 5.000 tấn lên 6.500 tấn/năm, tiêu chuẩn ao nuôi và chất lượng cá theo đúng những quy định về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thế nhưng, nhìn ra tổng thể ngành cá tra, ai cũng nhận thấy đã nhiều năm nay chưa có được quy hoạch tốt để quyết tâm giúp nông dân nâng tầm sản xuất tương thích với những điều kiện của các nước. Bởi vậy, khi Luật Nông trại 2014 của Mỹ được ban hành trong vài tháng tới, chắc chắn có ảnh hưởng đến việc nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu của Việt Nam, theo ông Hải không nên xem đó là một tin xấu, mà cần lấy đó làm động lực để nhanh chóng thay đổi theo hướng phát triển bền vững. Ngành lúa gạo xuất khẩu tổ chức được những cánh đồng mẫu lớn cho nông dân sản xuất kết hợp với sự đảm bảo tiêu thụ của doanh nghiệp và mang lại nguồn lợi lâu dài đã có kết quả.
Vân Khánh