Nghệ phẩm được tạo tác tuyệt vời và thần bí của miền Trung Java, Indonesia có tên là “Loro Blonyo” có nghĩa là “cặp đôi không thể tách rời”. Nghệ thuật tín ngưỡng đáng chú ý này là những món đồ lưu niệm “truyền thống” gồm một bộ búp bê nam-nữ thường phổ biến bằng gỗ hoặc gốm, đất nung, kim loại…gắn liền với câu chuyện thần tiên về Loro Blonyo.
1. Hồi giáo là tôn giáo chính thức của Java. Tín đồ Hồi giáo luôn đáp lời kêu gọi đi lễ nhà thờ vào thứ sáu, cử hành tháng ăn chay (ăn kiêng) Ramadan, cầu nguyện hàng ngày, đọc kinh Koran và hành hương đến Mecca. Tuy nhiên, người Hồi giáo cũng có kiến thức và cảm nhận về triết học Phật giáo-Hindu giáo, quan tâm sâu sắc đến sử thi Ramayana, và nếu người con trai trong gia đình bị bệnh hoặc sắp chuyển đến một ngôi nhà mới, người ta sẽ cử hành một nghi lễ gọi là Selametan (bữa ăn nghi lễ cộng đồng) để xoa dịu những linh hồn cổ xưa đã ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của người Java từ rất lâu trước khi Hindu giáo, Phật giáo hay Hồi giáo được truyền bá đến hòn đảo vốn là trái tim của đất nước Indonesia ngày nay.
Tín ngưỡng, tôn giáo của Java là một sự điều chỉnh, tiếp biến rất đáng chú ý; trong hệ thống Hồi giáo bao trùm, những ảnh hưởng thẩm mỹ huyền bí có từ nhiều thế kỷ của Ấn Độ vẫn còn lan tỏa niềm tin, tín niệm về thuyết vật linh và thờ cúng tổ tiên hình thành vào giai đoạn tiền sử buổi đầu của người Java.
Một ví dụ đặc biệt thú vị là những bức tượng, được làm cả bằng gỗ và đất nung/sành, biểu trưng cho nữ thần Dewi Sri và người phối ngẫu Sadono. Trong thần hệ các vị thần và nữ thần Java, Dewi Sri là vị nữ thần của sự màu mỡ/phì nhiêu và là người bảo vệ đồng ruộng; do đó, Dewi Sri có tầm quan trọng đặc biệt. Nữ thần Dewi Sri rõ ràng là sự phỏng theo/biến thể từ nữ thần Sri Devi của Ấn Độ, nữ thần của thịnh vượng, màu mỡ/phì nhiêu và sắc đẹp. Trong những bức tượng bằng đồng có niên đại trung kỳ Java (650-950), nữ thần Dewi Sri được thể hiện với cây lúa và trong tư thế ban tặng một món quà.
2. Ở miền Trung Java, chủ yếu tại các khu vực quanh kraton (cung điện hoàng gia) ở Surakarta (Solo ngày nay) và Jogyakarta, suốt một thời gian dài, biểu trưng về Dewi Sri đã phát triển từ một hình thức cổ điển của Ấn Độ sang biến thể mang diện mạo con người và đặc trưng dân gian bản địa Indonesia nhiều hơn trong tư thế, trang phục và trong tín niệm. Việc sử dụng nguyên liệu đồng giờ đây được thay thế bằng gỗ và đất nung.
Trong quá trình chuyển biến này, người phối ngẫu Sadono đã được thêm vào, rõ ràng không vì mục đích nào khác ngoài việc hỗ trợ thêm người đồng hành cho Dewi Sri, ít nhất là có liên quan đến việc bảo vệ đồng ruộng cho lúa gạo; nhưng người Java luôn cho rằng trong thực tế Dewi Sri không bao giờ được nhìn thấy một mình và tên gọi tiếng Java cho cặp đôi thần linh này là loro blonyo, có nghĩa là “cặp đôi không thể tách rời”.
Lễ nghi cho Dewi Sri và Sadono được cử hành trong 4 cung điện hoàng gia của Surakarta và Jogogo chỉ giới hạn ở các gia đình quý tộc hoặc giàu có vì lý do đơn giản là cần một ngôi nhà có diện tích đáng kể. Ngôi nhà truyền thống của giới quý tộc hoặc tầng lớp thượng lưu Java bao gồm 3 phần: pendopo (một không gian mở, cột trụ, nhà rạp/sảnh đường có mái thấp để khách khứa tụ tập), pringgitan (phần giữa của ngôi nhà, tương ứng với diện tích phòng khách và phòng ăn của một ngôi nhà hiện đại) và dalem (phần bên trong của ngôi nhà). Bản thân dalem bao gồm 3 phần, bên phải và bên trái nơi phòng ngủ, trong khi phần giữa của dalem chỉ được sử dụng cho các chức năng nghi lễ như đám cưới và đám tang.
3. Chiếc giường nghi lễ hay krobongan được trang bị cho căn phòng trung tâm của dinh thự hoàng gia và những ngôi nhà của người giàu có của miền Trung Java. Nó không được sử dụng để ngủ, nhưng được dùng làm nơi an nghỉ cho nữ thần Dewi Sri của sự màu mỡ, thịnh vượng và lúa gạo.
Những bức tượng loro blonyo cặp đôi không thể tách rời, được đặt ngồi phía trước chiếc giường biểu thị cho Dewi Sri và người phối ngẫu, Sadono. Họ đôi khi được ám chỉ như cặp vợ chồng hay cô dâu chú rể, và trong suốt hôn lễ được thay thế bởi cô dâu và chú rể thực sự, người đã sao chép phục trang của Dewi Sri và Sadono với hy vọng nhận được phước lành từ nữ thần cho một cuộc hôn nhân thuận lợi và hạnh phúc.
Cả cô dâu và chú rể đều mặc trang phục in hoa batic tuyệt đẹp; da của họ được lau bằng một miếng dán màu vàng làm từ các loại thảo mộc và hoa có mùi thơm. Tóc của cô dâu được cắt để giống với những cánh hoa của nụ sen, hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp hoàn hảo và thuần khiết. Một dấu màu xanh lá cây đậm được điểm ở chính giữa trán. Cô dâu và chú rể ngồi nghiêm trang và như vị thần trước krobongan trong những giây phút cuối cùng của hôn lễ.
Ở Jogyakarta, Dewi Sri ngồi bên phải, với người phối ngẫu ở bên trái. Ở Surakarta láng giềng, vị trí của họ bị đảo ngược. Ở Jogyakarta, cặp đôi ngồi trên gót chân của họ, trong khi ở Surakarta, họ ngồi khoanh chân. Bát, đĩa và đèn được đặt hướng về nữ thần và người phối ngẫu của cô rất thoải mái. Họ sẽ dâng cúng nước, thức ăn và sirih pinang, những nguyên liệu để tạo nên miếng trầu. Đèn dầu ở trung tâm luôn được thắp sáng.
Mặc dù những chiếc giường nghi lễ phức tạp không còn được tìm thấy trong ngôi nhà của những người giàu có, họ vẫn đánh dấu chính xác trung tâm của kraton, cung điện hoàng gia và bản sao thu nhỏ vũ trụ. Đám cưới hoàng gia tiếp tục tập trung vào chiếc giường; trong các trường hợp khác, các nghi thức trung tâm của lễ cưới có thể diễn ra trước một chiếc ghế trường kỷ với mặt lưng trang trí công phu được phủ vàng và vải nhung, hoặc trong phòng khách của một tư gia.
Ngoài ra, Krobongan có nghĩa là “lễ phục trang trí lôi cuốn”, dirobyong. Chiếc giường còn được biết đến như pedaredan, thùng chứa gạo và petanen, nơi hoạt động nông nghiệp.