Ngày nay nhiều người chọn chế độ ăn nhiều thực vật hoặc ăn chay (thay vì ăn nhiều thịt và chất béo) để cải thiện cũng như duy trì sức khỏe tốt. Một trong những loại thực vật được nhiều người chọn sử dụng là nấm – loại thực phẩm đa dạng và hợp túi tiền của mọi tầng lớp. Không chỉ là món ăn ngon, nấm còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống lão hóa, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, ung thư…
Một bài báo được đăng tải trên tạp chí Thực phẩm và Dinh dưỡng gần đây đã đưa ra lời khuyên nên ăn nấm mỗi tuần để duy trì chế độ ăn lành mạnh do nấm cung cấp dưỡng chất quan trọng cho sức khỏe.
- Cân bằng cholesterrol. Nấm có protein nạc, không chất béo, cholesterol, và ít carbohydrate. Nấm cũng có các enzyme và chất xơ có thể làm giảm nồng độ cholesterol và cân bằng độ cholesterol tốt và xấu trong cơ thể. Ăn nấm thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch,…
- Chữa thiếu máu. Khi bị thiếu máu, thiếu sắt sẽ bị đau đầu, mệt mỏi, xanh xao, khó thở, xảy ra các vấn đề về tiêu hóa. Điều trị thiếu máu bằng thực phẩm, bao gồm nấm, cũng là một cách an toàn cho sức khỏe. Nấm rất giàu chất sắt và có thể hấp thụ vào cơ thể, đồng thời có thể thúc đẩy sự hình thành các tế bào máu cũng như giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Tình trạng này cũng là một căn bệnh rất phổ biến ở Mỹ và nó ảnh hưởng đến khoảng 3,5 triệu người ở Mỹ. Nên giữ cho tinh thần được thư giãn, tránh căng thẳng, và hạn chế dùng các loại thực phẩm như thức ăn nhanh, cà phê, thức uống có cồn…
- Giảm thiểu nguy cơ ung thư. Nấm chứa các chất chống oxy hóa, như selenium giúp kìm hãm sự phát triển của khối u, chống viêm, kích hoạt chức năng các enzyme của gan và hỗ trợ nỗ lực vô hiệu hóa một số nguyên tố gây ung thư. Thông qua tác dụng điều chỉnh chu kỳ tăng trưởng tế bào, vitamin D của nấm cũng chống ung thư. Ngoài ra, axit folic đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp DNA và các quá trình sửa chữa, ngăn ngừa sự xuất hiện các biến thể gen.
Nấm cũng giúp ngăn ngừa hai loại ung thư nguy hiểm phổ biến trên toàn thế giới: ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú. Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến ở nam giới với hơn 40.000 trường hợp mỗi năm ở Anh. Đây là loại ung thư phát triển chậm và không có dấu hiệu báo trước nhiều năm. Các triệu chứng rõ nhất như: tăng đi tiểu, căng thẳng nhiều, có cảm giác đầy trong bàng quang. Các axit linoleic, beta-glucan trong thành phần của nấm giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư này. Ngoài nấm, nên bổ sung thêm trong chế độ ăn các loại thực phẩm màu đỏ như cà chua, trái cây, rau, cá, đậu nành, trà, chất béo tự nhiên, các sản phẩm từ sữa và không hút thuốc, uống rượu. Ung thư vú là một loại bệnh rất phổ biến ở phụ nữ trên toàn thế giới. Theo một báo cáo từ Viện Ung thư Quốc gia, có 2.240 bệnh ung thư vú của nam giới và 232.340 phụ nữ bị ung thư vú ở Mỹ mỗi năm, gây ra 39.620 ca tử vong. Axit linoleic trong nấm có thể làm giảm tình trạng estrogen tăng và ngăn ngừa ung thư vú hiệu quả.
- Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường. Do nấm không có chất béo, cholesterol, nhưng chứa nhiều protein, khoáng chất, vitamin, chất xơ, nước. Ngoài ra, nấm còn chứa enzyme, insulin tự nhiên có thể phá vỡ các tinh bột và đường trong thức ăn. Nấm có thể phát huy chức năng của gan, tuyến nội tiết, tuyến tụy và khuyến khích sự hình thành insulin.
- Cải thiện trí nhớ. Nấm có chứa nhiều choline, thành phần không thể thiếu trong hầu hết các hoạt động của hệ thần kinh – điều hòa giấc ngủ, căng cơ, các quá trình học tập và ghi nhớ. Choline duy trì cấu trúc màng tế bào hợp lý, hỗ trợ truyền tải xung điện thần kinh, điều chỉnh sự hấp thụ chất béo và làm dịu những trạng thái viêm mạn tính.
- Giảm stress. Tình trạng cơ thể thiếu hụt vitamin thuộc nhóm B dẫn đến rối loạn hệ thần kinh, stress, tăng trạng thái bất an, nóng nảy, mất tự tin, cáu giận vô cớ và khó tập trung. Nấm giàu vitamin B2, B3, B5… nên làm giảm stress hiệu quả.
Theo Foodandnutrition