Lâu lâu chúng ta lại “hết hồn” vì bỗng có một đứa trẻ phát ngôn… tạm gọi theo dân gian là “ông cụ non”.
Những đứa ở Mỹ viết thư cho tổng thống, thôi thì xứ họ không bàn đến, nhưng ở xứ ta mà trẻ con lại phán kiểu truyện tranh là “con sâu đục khoét tâm hồn”, hay là dễ nhớ nhất gần đây là cậu bé nói nền giáo dục thối nát, nếu các ông không làm cách mạng thì khi cậu làm bộ trưởng giáo dục sẽ làm.
Phát biểu của cậu học sinh lớp 8 gây sóng gió cả trên báo chính thức lẫn trên mạng xã hội. Có cả cãi nhau, “unfriend” nhau trên Facebook. Đại khái tóm lược có hai phe: Một phe ca ngợi “thần đồng có chí khí, có tầm nhìn”, còn một phe thì chê trách việc tung hô này. Thế là cãi nhau (dù biết rằng chỉ ít ngày nữa, một việc khác sẽ gây tranh cãi và vụ này chìm đi, vì nó sẽ chẳng đi đến đâu).
- Xem thêm: Lễ phép… ra khỏi từ điển
Bao nhiêu “lời có cánh” đã tung ra. Gặp đúng thời điểm thí sinh chạy nơi nộp đơn, rút đơn chạy vòng vòng tuyển sinh đại học mùa này, bao nhiêu bực bội tung ra. Cãi vã nhau đã vào tận gia đình.
Ông xã đọc báo mạng suốt ngày, nói, thối nát thật, thối nát quá, không ai dám nói thẳng thì để một đứa trẻ nói. Cậu ta giỏi giang và có khí chất thẳng thắn. Rồi ông nói vợ nên đọc bài này bài kia trên mạng này mạng kia.
Bà xã hỏi: “Thì có gì mới đâu, giáo dục của ta loay hoay mãi, càng gỡ càng rối ai chẳng biết, cứ gì chờ cậu bé kia nói mới biết? Mạng “của ông” tôi còn lạ gì, bình thường đã chửi nát nước, bây giờ có dịp chửi mạnh hơn, hỏi giải quyết được gì? Có ông bà nào đưa ra được lối thoát không?
Cách mạng là thế nào? Sao không tìm chương trình tiên tiến của người ta, đem về dạy con em mình mà cứ loay hoay cải tiến hóa cải lùi như vậy? Giỏi lắm thì lại đưa ra bài ca cho về vườn lãnh đạo chứ gì, đồng ý, về vườn xong ai lên? Ông có thấy ai lên sẽ cách mạng được nền giáo dục đang bí rị này không, chỉ ra cho tôi coi?”.
Ông chồng bí, nhưng ông xoay sang phê cơ chế: “Cơ chế cán bộ như vậy thì lấy đâu người tài? Người tài văng ra cả rồi”.
Bà xã đuối lý, xoay sang hướng khác: “Ông và một số người khen cậu bé giỏi giang chí khí. Vậy cậu ta ở đâu ra? Ở nền giáo dục này ra, vậy thì giáo dục đâu có “thối nát”? Còn nếu phê thằng bé ngạo mạn vô căn cứ, huênh hoang tự tin vô căn cứ, thì đó chính là một sản phẩm thối nát đó chứ đâu? Vậy có gì mà khen rùm trời vậy?”.
- Xem thêm: Phải khổ mới nên người?
Rồi bà bày tỏ ý mình: “Chưa bàn đến đúng sai, riêng cái cách nói năng huênh hoang vô căn cứ như vậy là tôi không thể ưa một đứa trẻ như vậy được”.
“Vậy là bà đứng về phe nói “Chú bé bị mượn miệng” rồi”. Ông xã “khinh bỉ” loại người ít chịu đọc trên mạng. Không ngờ ông lại “mở ra” cho vợ một lối thoát mới: “Mượn miệng là sao? Là nhân cơ hội này chửi mạnh hơn nữa hả, chửi điều ai cũng nói rồi, giờ chỉ cần người chỉ ra cách làm sao thoát khỏi “thối nát” thì chẳng thấy ai đề xuất được gì. Nào, ông đọc nhiều, thử nói tôi coi, ai đề xuất được gì tích cực để cứu nền giáo dục nào?”.
Cuộc “cãi nhau” trên mạng không có kết luận nào được đưa ra. Chửi thì dễ rồi. Nhưng còn cách mạng giáo dục là thế nào? Bí thật chứ chẳng không đâu. Bí từ mạng ra… nhà.