Locarry: Dịch vụ chia sẻ đồ dùng cho du khách như quần áo, nón, mắt kính, giày dã ngoại, balô, khăn tắm biển, máy chụp hình, xe đẩy trẻ em, đồ tập thể dục, thảm tập yoga, lều cắm trại…, là những thứ mà chủ nhân có thể chia sẻ với du khách và nhận lại một khoản phí.
Shimpei Watanabe, nhà khởi nghiệp người Nhật cho rằng có lẽ nhiều người cũng nghĩ giống như anh – họ không muốn mang theo quá nhiều thứ khi đi du lịch. Thay vào đó, họ sẽ tìm đến Locarry, công ty startup mới của Watanabe để thuê mọi thứ khi tới nơi. Ý tưởng này đến với Watanabe từ một chuyến đi đến Trung Quốc. Lần đó, anh mang theo rất nhiều đồ tập thể dục và phải dùng một chiếc vali to. Khi đến nơi, những người bạn ở đây nói rằng lẽ ra anh không cần mang vác nặng nề như thế vì họ có thể cho anh mượn đồ.
Cho thuê quần áo không phải là một ý tưởng mới – Rent The Runway là một cái tên nổi tiếng, hiện trị giá đến 800 triệu USD. Nhưng Locarry có lẽ là dịch vụ đầu tiên cho phép bất cứ ai cũng có thể chia sẻ đồ dùng của họ. Ứng dụng chia sẻ nhà ở Airbnb, ứng dụng chợ trời Mercari của Nhật và sàn giao dịch Carousell của Singapore là nguồn cảm hứng cho Watanabe khi cân nhắc về ý tưởng khởi nghiệp.
Theo tính toán của nhà sáng lập này, Locarry có thể tạo việc làm thêm hoặc thậm chí là “việc toàn thời gian” cho nhiều người dùng dịch vụ ở các nước đang phát triển và có thị trường du lịch nhộn nhịp. Anh ước tính ở những thị trường như thế một người cho thuê có thể kiếm được đến 600-700 USD/tháng. Để thu hút nhiều người thuê và cho thuê hơn, Watanabe đang nghĩ tới chuyện hợp tác với những chủ nhà Airbnb vì họ có sẵn một đối tượng hấp dẫn cần thuê đồ dùng. Hãy tưởng tượng khi bạn đến nơi ở Airbnb của mình và nhìn thấy hành lý đã sẵn sàng chờ bạn ở đó. Mục tiêu của Watanabe là tạo ra một mạng lưới chia sẻ toàn cầu để mọi người có thể đi đến bất cứ nơi đâu mà không cần phải mang theo hành lý nặng nề.
Với cách tiếp cận không can thiệp trực tiếp mà để cho người dùng tự quyết, startup này dựa vào hệ thống đánh giá (review) để bảo đảm rằng quần áo sạch sẽ, vệ sinh. Hơn nữa, họ cũng sẽ áp dụng biện pháp kiểm chứng bằng tin nhắn SMS và ID thật để giúp cho các cuộc gặp mặt trở nên an toàn hơn. Việc trao đổi vật dụng và thanh toán diễn ra trực tiếp giữa những người dùng. Hiện nay Locarry không lấy phí hoa hồng từ các giao dịch cho thuê và cũng không có phí đăng ký hay phí thành viên. Đây là một chiến lược khác thường trong nền kinh tế chia sẻ – nơi mà các startup dùng ứng dụng để kết nối mọi người thường có xu hướng kiểm soát tối đa các giao dịch và lấy phí trung gian. “Việc lấy phí hoa hồng hay không là một quyết định khó khăn”, Watanabe nói.
Anh đưa ra hai lý do: phí trung gian sẽ khiến người cho thuê nâng giá, và việc tính phí sẽ làm cho quá trình mở rộng toàn cầu trở nên khó khăn hơn vì phải tranh cãi với các dịch vụ thanh toán. Locarry (locarry.com/vi) sẽ thêm vào chức năng dịch vụ cao cấp và quảng cáo trong trang để tạo doanh thu. Cách tiếp cận này tương tự với những sàn giao dịch trực tuyến không thu phí trung gian từ các nhà buôn bán hàng đầu của họ.
Hiện nay dịch vụ này đã có mặt tại Nhật, Mỹ, Canada, Australia, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan và Hongkong.
- Xem thêm: Dịch vụ dạy vẽ cũng hấp dẫn nhà đầu tư
Gần một năm sau khi rời bỏ công việc ở hãng tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC), Watanabe miêu tả đời sống khởi nghiệp của anh là “rất thú vị”. “Từ giờ trở đi, công việc quan trọng nhất mà con người có thể làm là thẩm định, phán đoán. Việc tập hợp dữ liệu hoặc phân tích hay nhiều việc khác tương tự sẽ do công nghệ AI và máy học đảm nhận. Đó là lý do vì sao tôi rời khỏi PwC và thay đổi con đường sự nghiệp – tôi muốn đi đến bất cứ nơi đâu mà tôi có thể tự quyết định cho chính mình”, Watanabe chia sẻ.
Theo Tech in Asia