Ngày 10-8-2018 vừa qua là tròn một năm thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) chính thức đi vào hoạt động. Kể từ đó tới nay, chứng khoán phái sinh (CKPS) đã trở thành một sản phẩm quan trọng giúp gia tăng hàng hóa đầu tư và thúc đẩy thanh khoản trên thị trường. Nhà đầu tư cũng có thêm một kênh đầu tư để đa dạng hóa danh mục và quản trị rủi ro tốt hơn.
Sau một năm đi vào hoạt động, TTCKPS đã có những bước tăng trưởng rất ấn tượng, tốc độ tăng trưởng hằng tháng lên tới 35%, thị trường liên tục ghi nhận những kỷ lục mới về số lượng các hợp đồng cũng như giá trị giao dịch.
Về cơ bản, có thể thấy sự phát triển của TTCKPS trong một năm qua được chia làm hai giai đoạn chính, tương ứng với những thăng trầm của TTCK cơ sở. Giai đoạn thứ nhất từ tháng 8-2017 tới đầu tháng 4-2018, TTCKPS giao dịch với thanh khoản cầm chừng ở mức 1.500 tỉ đồng/phiên, tương đương hơn 15.000 hợp đồng. Ở giai đoạn này, khối lượng giao dịch hằng ngày dao động 2-3 lần khối lượng mở, tương đương với các thị trường khu vực như Đài Loan, Nhật Bản.
Giai đoạn thứ hai, từ giữa tháng 4-2018 đến nay, TTCKPS chứng kiến giá trị giao dịch (GTGD) nhảy vọt lên mức hơn 10.000 tỉ đồng/phiên, đạt đỉnh 14.700 tỉ đồng với 164.000 hợp đồng tương lai trong phiên ngày 10-7-2018, cao gấp ba lần GTGD trên TTCK cơ sở. Cùng với thanh khoản gia tăng, tốc độ quay vòng của dòng tiền cũng được đẩy nhanh nhờ lợi thế giao dịch trong phiên T+0. Khối lượng giao dịch tăng mạnh trong khi khối lượng mở tăng chậm hơn khiến vòng quay tăng lên tới 10 lần trong giai đoạn này. Các giao dịch ngắn hạn trong phiên chiếm tỷ trọng áp đảo, một hệ quả dễ thấy bởi CKPS thường phát huy lợi thế trước những biến động nhanh của thị trường cơ sở.
Mặc dù đạt được những thành tựu tích cực như trên nhưng TTCKPS vẫn còn những điểm cần cải thiện để phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Thứ nhất, cần có biện pháp thúc đẩy hơn nữa giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường này.
Hiện nay, tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài mới chiếm 0,1% giá trị giao dịch của TTCKPS. Sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp sẽ giúp TTCKPS phát triển ở mức sâu hơn. Thứ hai là câu chuyện có hay không sự liên thông và ảnh hưởng tiêu cực của dòng tiền chảy vào TTCKPS thay vì chảy vào thị trường cơ sở? Số liệu giao dịch trên TTCKPS trong giai đoạn bùng nổ thanh khoản vừa qua cho thấy mặc dù thanh khoản gia tăng, giao dịch trong ngày chiếm đại đa số. Kỷ lục giao dịch trong ngày gấp khoảng 10 lần khối lượng mở (OI) cuối ngày.
Đây cũng là điểm khác biệt rất lớn giữa thị trường Việt Nam và các thị trường phát triển, nơi kỷ lục giao dịch là thiểu số so với khối lượng mở do xu hướng đầu tư mang tính dài hạn hơn. Bên cạnh đó, do giá trị một hợp đồng hiện đã giảm đáng kể, nên tổng giá trị OI vẫn chỉ ở khoảng 1.500 tỉ đồng, tăng nhẹ so với mức 1.000 tỉ đồng trong những tháng đầu năm. Đây là tổng giá trị danh nghĩa của các hợp đồng tương lai đang giao dịch, còn giá trị thực tế của dòng vốn đầu tư vào thị trường thậm chí còn thấp hơn nhiều do hiệu ứng đòn bẩy tài chính.
Do đó, không có đủ cơ sở để cho rằng TTCKPS hút vốn từ TTCK cơ sở và làm ảnh hưởng đến thị trường cơ sở. Tuy vậy, trong tương lai, nếu các giao dịch ngắn hạn nhằm mục tiêu kiếm lời vẫn chiếm vai trò chủ đạo trên TTCKPS thì dòng tiền vào thị trường cơ sở chắc chắn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng tiêu cực.
Thứ ba là việc quản trị rủi ro trên TTCKPS. Trong giai đoạn thị trường biến động mạnh vừa qua, Ủy ban Chứng khoán đã quyết định tăng nhẹ tỷ lệ ký quỹ trên TTCKPS lên mức 13%. Trên thế giới, việc thay đổi tỷ lệ ký quỹ không phải hiếm. Đây là công cụ để các sở giao dịch điều tiết thị trường bằng cách điều chỉnh linh hoạt tỷ lệ này phù hợp với diễn biến thị trường và mức độ rủi ro hiện hữu. Do đó, công cụ này vẫn nên được sử dụng nếu Ủy ban Chứng khoán thấy cần thiết.
Thứ tư là tăng cường tính công khai minh bạch. Lợi ích của tính công khai minh bạch là rất lớn và thực tế đã được phản ánh vào giá và tỷ lệ sở hữu nước ngoài của nhiều cổ phiếu. Trong tương lai, tính công khai minh bạch sẽ là một nhân tố quan trọng giúp nâng hạng TTCK nói chung, từ đó thu hút dòng tiền lớn hơn cho phát triển kinh tế.