Trong các mục tiêu phát triển bền vững 2015-2030, mục tiêu thứ hai “an toàn thực phẩm” có thể được hiểu và thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Tháng 3-2016 vừa qua, các nhà khoa học đã đề xuất một nghiên cứu mới nhằm đạt được mục tiêu 2.5 là duy trì tính đa dạng về di truyền của cây trồng và những giống cây cùng họ với chúng. Chính những giống cây cùng họ trong hoang dã có tác dụng giúp vào sự phát triển của các chủng loại cây nhà đang được trồng trọt phổ biến, xét về mặt năng suất và phục hồi.
Hiện nay, các điều kiện khí hậu khắc nghiệt đã khiến cho thời tiết thay đổi, vi sinh vật và bệnh tật đe dọa cây trồng. Muốn tăng cường khả năng kháng bệnh của cây trồng, cần có những phương tiện và cách thức phù hợp. Theo những nghiên cứu mới nhất, phần lớn những giống cây cùng họ trong hoang dã không dễ có mặt trong ngân hàng di truyền và điều này đã hạn chế khá nhiều khả năng chọn lựa để đạt đến mục tiêu một cách hữu hiệu nhất. Dù vậy, trong thời gian qua, giới khoa học cũng đạt được một số thành công nhất định trong công tác này, chẳng hạn giống lúa hoang Oryza nivara được dùng để phát triển các giống lúa có khả năng kháng loại virus làm cho cây mau cằn cỗi, giảm năng suất, thậm chí có thể làm thất bát cả một mùa vụ. Các chủng loại lúa trồng có chứa gien Oryza nivara đang được sử dụng tại nhiều nước châu Á, giúp nhà nông tăng năng suất cây trồng, kháng các loại vi sinh vật quen thuộc như loài mọt đậu chẳng hạn. Trong cuộc nghiên cứu có tên “Ưu thế bảo tồn toàn cầu các chủng loài cây hoang dã” do Trung tâm Quốc tế về Nông nghiệp Nhiệt đới (CIAT) tiến hành, các nhà khoa học đã lên khuôn mẫu cho những giống cây cùng họ trong hoang dã có liên quan đến 81 loại cây trồng quan trọng như bắp, lúa, lúa mì, khoai tây, chuối… mà nhà nông có thể tiếp cận thông qua các ngân hàng gien trên toàn thế giới.
Trong quá trình nghiên cứu và chọn lọc, đã có 1.076 giống cây hoang dã được phân tích, chọn lọc và trên 400 nguồn dữ liệu được sử dụng để xác định xem chủng loài nào có thể đưa vào ngân hàng gien. Một bản đồ đánh dấu nơi có thể tìm ra những giống cây hoang dã cũng được thiết lập, chỉ rõ những “hotspots” (điểm nóng) trên toàn thế giới. Các điểm nóng được tìm thấy nhiều ở vùng Địa Trung Hải, Cận Đông, Tây và Nam Âu, Đông Nam và Đông Á, Nam Mỹ. Cuộc nghiên cứu này được mở rộng đến 10 năm, với kinh phí do chính phủ Na Uy tài trợ. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy những nông sản như chuối, xoài, khoai tây, táo, hoa hướng dương… đều có nhiều chủng loại cây cùng họ. Có 29 giống khoai tây hoang dã được tập trung ở vùng Bắc và Trung dãy Andes, đặc biệt tại Peru, nơi tìm thấy sáu giống chuối có năng suất cao xuất phát từ Philippines và Nam Trung Hoa. Riêng nước Mỹ, hiện có 38 chủng loại hoa hướng dương hoang dã được thu thập ưu tiên, sẽ là nguồn cung cấp giống và dầu hướng dương quan trọng cho nhiều khu vực trên thế giới như Đông Phi và Đông Âu. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có nhiều chủng loại cà rốt hoang dã, 81% đang cần thu thập gấp. Từ năm 1973 đến nay, trung tâm CIAT đã phân phối trên 186 ngàn mẫu cây trồng cho 164 nước trên thế giới. Các nhà khoa học hy vọng lộ trình mới này sẽ đóng góp rất nhiều vào việc nâng cao năng suất nhiều loại cây trồng, giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng thiếu thốn lương thực trên thế giới.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)