Dấu ấn khó phai của nó là, cay the nhẹ và rất thơm, lại chứa hậu vị ngòn ngọt tựa như “cơm” cà chua ngon đương chín rục vậy. Nó còn thơm thanh dịu và tạo cảm giác sảng khoái hơn cả mùi tiêu lốt nữa.
Đôi khi, gu ẩm thực chẳng khác với “tiếng nói” con tim chút nào! Và, dẫu biết “ớt nào mà ớt chẳng cay”, nhưng lỡ mê ớt ngoại đẳng cấp rồi!
Cũng cần nói thêm, hiện nay, các giống “rau ớt” ngoài ớt Đà Lạt còn có ớt xanh Hàn Quốc (trồng được trong nước). Thế nhưng, lọt vào mắt xanh của nhóm mê món lạ chúng tôi lại là một giống ớt khác của Campuchia.
Giống ớt này, được một số người bạn sành ăn của người viết gọi tên với chất giọng thật trìu mến: ớt thơm hoặc ớt ngọt.
Chẳng hạn, anh Cao Trung Kiên, gốc Triều Châu, ở (thành phố Bạc Liêu) có khiếu chế biến nhiều món ăn độc đáo rất xem trọng nó. Anh Kiên quả quyết rằng, các món: bún bò cay, xào cay kiểu Tứ Xuyên, lẩu cay của người Hoa không thể thiếu ớt ngọt được. Nhiệm vụ chính của nó là “bọc lót” cho vài ba loại gia vị cay bỏng lưỡi khác (ớt, tiêu), tạo vùng đệm bất ngờ thú vị cho lưỡi và mũi. Do vậy, nó thuộc nhóm gia vị bí mật của nhiều đầu bếp Hoa giàu kinh nghiệm, khắp trong ngoài nước.
Người viết may mắn nếm qua món đuôi bò hầm thảo quả với ít quế có nêm 3- 4 trái ớt Cam này do anh Kiên nấu. Muỗng nước ngọt thanh, cay the dịu nhẹ và thơm thanh cảnh lạ thường. Càng húp càng “nghe” thèm ăn dễ sợ!
Anh Kiên cho hay, chợ Việt kiều Campuchia ở quận 10, TP.HCM có bán loại ớt hiếm đó. Thế nhưng, người viết từng đến đây dò hỏi vài bận mà chẳng thu thập được gì. Nhiều tiểu thương bán gia vị Cam ở đây, đa số đều lắc đầu. Có người, còn đưa ra ớt giả mới sầu.
Thời may, trong một trong một lần dạo chợ ở cố hương An Giang, anh bạn Đoàn Hữu Thọ ở quận 11, TP.HCM đã tình cờ gặp được loại ớt quý hiếm này. Người bán thật thà cho biết, đây là hàng “xách tay” từ bên Cam về. Và bà còn nói rằng, giống ớt này mỗi năm dân Cam chỉ trồng một vụ. Giá sỉ tại chợ An Giang vào tháng Sáu năm rồi cỡ 300.000 đồng/kg, hàng đã phơi khô.
Anh Thọ, chia lại cho tôi cỡ 100g. Thỉnh thoảng mang ra vài ba trái nêm vào nồi lẩu mắm hoặc ơ cá nục bông kho măng hay “hùn hạp” cùng nồi cà ri cá trà sóc đều hấp dẫn vô cùng.
Dấu ấn khó phai của nó là, cay the nhẹ và rất thơm, lại chứa hậu vị ngòn ngọt tựa như “cơm” cà chua ngon đương chín rục vậy. Nó còn thơm thanh dịu và tạo cảm giác sảng khoái hơn cả mùi tiêu lốt nữa. Và nếu ta gia tăng lượng ớt này lên gấp đôi, cỡ 5- 6 trái, cho vào nồi dung tích khoảng 1 lít thì sẽ nghe tê tê nơi đầu lưỡi, chứ không gây bỏng rát kiểu như ớt Ấn Độ hay ớt hiểm của mình.
Ngặt nỗi, mùa này chính phủ Campuchia đang đóng chặt cửa khẩu, nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19. Cho nên, việc lùng mua loại ớt “tao nhã” vừa kể là không thể. Và cơn thèm ớt ngọt Cam lại có cơ hội trỗi dậy, gia tăng gấp bội với nhóm bạn từng nếm trải hương vị loại ớt dễ thương này!