Gần tám tháng sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, số phận của hiệp định này vẫn mờ mịt. Tương lai của TPP hiện phụ thuộc vào việc các nghị sĩ Mỹ và tổng thống Mỹ sắp tới sẽ xử lý những cách nhìn nhận trái chiều về hiệp định ấy như thế nào.
Mặc dù được ký từ tháng 2-2016, nhưng TPP sẽ chỉ có hiệu lực nếu như nhận được sự phê chuẩn của quốc hội tại ít nhất là sáu quốc gia thành viên chiếm ít nhất là 86% tổng GDP của tất cả các bên tham gia hiệp định. Riêng Mỹ đã chiếm tới hơn 60% GDP của 12 nước tham gia TPP cộng lại, do vậy sự phê chuẩn của Washington có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của hiệp định này.
Ngày 28-9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hối thúc Quốc hội, do đảng Cộng hòa kiểm soát, phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, đồng thời cho rằng việc bác bỏ TPP sẽ gây phương hại lớn cho uy tín và an ninh quốc gia của Mỹ. Trong bài phát biểu tại trung tâm Wilson, ngoại trưởng Kerry khẳng định việc không thông qua TPP sẽ không chỉ gây thiệt hại cho hoạt động thương mại của Hoa Kỳ mà còn góp phần khích lệ các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc và Triều Tiên, đồng thời khiến các đồng minh khu vực của Washington hoài nghi quyết tâm xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của Nhà Trắng.
Theo chương trình nghị sự, Quốc hội Mỹ sẽ chính thức bỏ phiếu về TPP sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Chắc chắn rằng Tổng thống Obama đang rất kỳ vọng có thể tăng thêm một dấu ấn không thể xóa nhòa cho di sản chính trị của mình.
Vừa kết thúc chuyến thăm châu Á cuối cùng trong nhiệm kỳ, ông Obama đã liên tục có các cuộc vận động hành lang để tranh thủ Quốc hội thông qua TPP.
Do cuối năm ngoái thượng viện và hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trao quyền xúc tiến thương mại hay đàm phán nhanh (TPA) cho tổng thống, nên Quốc hội sẽ có ba tháng để xem xét TPP và tiến hành phê chuẩn dưới tiền đề không được sửa chữa các điều khoản trong nội dung hiệp định.
Ngày 16-9, Tổng thống Obama đã tổ chức cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng với các thành viên đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa, nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP đối với lợi ích quốc gia Mỹ. Những người tham gia gồm có các chính khách như thống đốc bang Ohio John Kasich, cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson, thống đốc bang Louisiana John Edwards, thị trưởng Atlanta Kasim Reed. Ngoài ra còn có lãnh đạo giới doanh nghiệp như CEO của IBM Ginni Rometty hay ông Michael R. Bloomberg – cựu thị trưởng New York, nhà sáng lập và sở hữu mạng tin tức kinh tếBloomberg.
Trong cuộc gặp, Tổng thống Obama tiết lộ ông đã nhận được sựủng hộ của hơn 100 thị trưởng đối với TPP.
Ngay sau cuộc gặp, hai thành viên quan trọng của nhóm là Michael R. Bloomberg và Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ Thomas J. Donohue đã cùng chấp bút một bài phân tích đăng trên mạng tin tức kinh tếBloomberg dưới tiêu đề: “Giúp công nhân Mỹ, hãy thông qua TPP”.
Nội dung của bài báo tất nhiên là đề cao những tác động tích cực của TPP đối với kinh tế Mỹ trong thời đại toàn cầu hóa và phản bác lập luận của những người chống đối thông qua các số liệu và dẫn chứng cụ thể. Nội dung này nhận được sự tán đồng của một số chính trị gia nổi tiếng trong nhóm như ông John Kasich, Thống đốc bang Ohio và cũng là ứng cử viên Tổng thống Mỹ trước khi bị ông Donald Trump đánh bại trong hội nghị sơ bộ của đảng Cộng hòa.
Trước đó, Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman, bà Ursula Burns – Chủ tịch Hội đồng xuất khẩu của tổng Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đều công khai bày tỏ ý kiến ủng hộ TPP đồng thời hứa hẹn sẽ nỗ lực thúc đẩy việc thông qua hiệp định này.
Trong những ngày qua, thị trưởng thành phố Atlanta Kasim Reed và thống đốc bang Ohio John Kasich cũng thông qua các phương tiện truyền thông một lần nữa tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và kêu gọi mọi người ủng hộ TPP.
Hiện nay TPP gặp sự chống đối của cả hai ứng cử viên tổng thống, bà Hillary Clinton và ông Donald Trump. Nhưng bất chấp sự phản đối này, vào giữa tháng trước Nhà Trắng đã gửi văn bản chính thức tới Quốc hội Mỹ thông báo Tổng thống Obama sẽ đưa TPP, dài hơn 5.554 trang, ra Quốc hội biểu quyết trước cuối năm nay.
Cuộc họp ở Nhà Trắng hôm giữa tháng 9 được coi là bước mở đầu cho hàng loạt nỗ lực cuối cùng và có tính quyết định của ông Obama để thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua TPP.
Đáp lại bước đi của Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ nhiều lần nói rằng, họ không có kế hoạch xem xét cái gọi là “tự do thương mại” trong các kỳ họp cuối cùng trước ngày 8-11 sắp tới, là ngày cử tri Mỹ không chỉ đi bỏ phiếu bầu ra vị tổng thống mới mà còn bầu lại một nửa số đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các bang.
Cho đến nay, sự phản đối TPP trong Quốc hội Mỹ chủ yếu đến từ các nghị sĩ đảng Dân chủ và một số nghị sĩ Cộng hòa. Lập luận chính của những người này là TPP sẽ mở cửa thị trường Mỹ cho hàng hóa của các nước đối tác, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa người lao động Mỹ và lao động của các nước thành viên TPP, từ đó dẫn tới tình trạng việc làm chảy ra nước ngoài, người lao động Mỹ bị mất việc và lương bổng bị cắt giảm. Tuy nhiên, lập luận này đã nhiều lần bị các chuyên gia kinh tế bác bỏ với những luận điểm thuyết phục.
Nguyên nhân sâu xa và ít được nói tới đằng sau sự phản đối TPP của các nghị sĩ Mỹ là họ cảm thấy quyền lực của mình bị đe dọa.
Khi có hiệu lực, TPP sẽ lập ra một Ủy ban Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TransPacific Partnership Commission – TPPC) có nhiệm vụ giám sát việc thực thi các điều khoản của hiệp định. Ủy ban quốc tế này có thẩm quyền điều hành gần như mọi chính sách kinh tế thương mại liên quan tới lĩnh vực di cư, thực phẩm, năng lượng, dược phẩm, internet, lao động, sở hữu trí tuệ và giao dịch thương mại… trong phạm vi 12 nước thành viên. Hệ thống pháp luật của các nước thành viên phải được điều chỉnh để tương thích với hiệp định và từ đó về sau, mọi luật lệ ban hành đều không được trái với tinh thần của TPP.
Các thành viên TPP dự kiến có quyền biểu quyết ngang nhau và hoàn toàn bình đẳng, do vậy nhiều nghị sĩ Mỹ lo ngại thẩm quyền của TPPC sẽ vượt quá Quốc hội Mỹ.
Trong nỗ lực đưa TPP ra xem xét và biểu quyết trong kỳ họp Quốc hội Hoa Kỳ tới đây, Tổng thống Obama cũng có những toan tính khôn ngoan. Tại kỳ họp này, các nghị sĩ bị thất cử phải rời ghế trước khi Quốc hội mới ra mắt vào tháng 1-2017 sẽ có cơ hội cuối cùng để bỏ phiếu thuận mà không phải lo lắng về trách nhiệm; các nghị sĩ mới được bầu ngày 8-11 thì chưa có tiếng nói tại Quốc hội cũ; còn các nghị sĩ tái đắc cử cũng có thể bỏ phiếu thuận mà không lo ngại bị cử tri “trừng phạt” – chưa kể đây chính là dịp lấy lòng các nhà tài trợ vốn là các doanh nghiệp hay tập đoàn kinh tế lớn.
Ngoài các thành viên tham gia TPP, thì Trung Quốc là nước quan tâm và theo dõi từng bước đi của việc phê chuẩn hiệp ước này, đặc biệt là tại Mỹ. Mạng thepaper.cn mới đây đã có bài nhận định tình hình, qua đó các nhà bình luận Trung Quốc phân tích nhiều điểm cho thấy những cố gắng của Tổng thống Mỹ trong cuộc chạy nước rút hai tháng để TPP được Quốc hội thông qua.
Trang mạng này cho rằng, trước hết ông Obama sẽ thông qua các kênh khác nhau để khẳng định sự phù hợp của TPP với mục tiêu chiến lược chính sách kinh tế quốc tế của Mỹ. Thứ hai, vị tổng thống Mỹ sẽ sử dụng triệt để hai quân bài, một là “Thuyết về mối đe dọa về Trung Quốc” được nói đến rất nhiều gần đây và được một bộ phận tương đối lớn nghị sĩ Mỹủng hộ, và quân bài thứ hai là mối đe dọa của Donald Trump là người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại và ra sức phản đối thương mại tự do, muốn đưa nước Mỹ trở lại chủ nghĩa biệt lập đã lỗi thời. Mạng xã hội này cho rằng muốn thông qua TPP thì khó khăn không phải là nhỏ.
– Về mặt dư luận, điều mà chính quyền Obama cần phải giải quyết là ngoài việc tăng thêm việc làm còn phải làm sao để người dân Mỹ tin rằng TPP sẽ thực sự làm cho cuộc sống của họ tốt lên chứ không phải tồi tệ đi.
– Obama được cho là vị tổng thống yếu thế trong những năm gần đây, phản ứng chậm trước cuộc khủng hoảng Ukraina cũng như sự nổi dậy của Nhà nước IS, để đảng Cộng hòa kiểm soát hoàn toàn Quốc hội. Điều này sẽ mang lại những trở ngại về mặt thể chế cho việc thực hiện chính sách của tổng thống.
– Thêm vào đó là thời gian cầm quyền còn lại của ông Obama chưa đầy hai tháng, bất kỳ sự kiện cấp bách và quan trọng nào xảy ra cũng đều có khả năng làm rối loạn sự sắp đặt của một vị tổng thống sắp mãn nhiệm kỳ.
Dù ông chủ Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tới đây là ai thì mục tiêu chiến lược trong chính sách kinh tế của Mỹ vẫn không có nhiều thay đổi. Đối với người Mỹ, nếu họ có phản đối TPP không phải là vì thương mại tự do mà là kỳ vọng vào chính sách kinh tế có thực sự cải thiện, chất lượng cuộc sống có được đáp ứng hay không.
Cho nên, thông qua TPP chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn.
- Tổng hợp