Cứ mỗi mùa nhập học, lại có một lứa học sinh háo hức được bắt đầu hành trình du học của mình. Tuy nhiên, sự thật là phần lớn những người lần đầu du học dù ít hay nhiều cũng đều gặp phải các cú sốc văn hóa. Sự khác biệt về môi trường học, môi trường sống thường gây ra không ít bỡ ngỡ cho du học sinh, đặc biệt là những ai chỉ quen sống trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ và chưa va chạm nhiều với cuộc sống. Sốc văn hóa cũng được xem là một trong những lý do hàng đầu gây khó khăn cho cuộc sống của các du học sinh, thậm chí nhiều người vì không chịu nổi áp lực mà phải bỏ dở việc học.
Môi trường học chủ động
Một trong những nguyên nhân sốc văn hóa hàng đầu chính là môi trường học thay đổi. Yếu tố dễ thấy nhất chính là ngôn ngữ. Dù có giỏi ngoại ngữ đến mấy thì du học sinh cũng dễ gặp khó khăn khi phải nghe giảng, phát biểu và trao đổi. Vượt qua được rào cản ngôn ngữ, du học sinh lại phải đối mặt với thử thách lớn hơn về phương pháp dạy và học. Các du học sinh Việt nói riêng và châu Á nói chung hay gặp phải nhiều vấn đề khi du học tại các nước phương Tây. Trong khi nền giáo dục tại Việt Nam tập trung nhiều vào việc ghi nhớ kiến thức thì ở các nước phương Tây là khả năng lập luận và phản biện. Ở các lớp học tại Việt Nam, học sinh có nhiệm vụ ghi chép và tiếp nhận kiến thức mà giáo viên đưa ra trên lớp. Tuy nhiên, ở các nước phương Tây, sinh viên trong lớp phải chủ động thảo luận với giáo viên và bạn học về những nội dung giảng dạy. Giữa một môi trường như vậy, thay vì cố gắng hòa nhập, nhiều sinh viên lại càng thu mình lại dẫn đến việc ngày càng tụt hậu so với các bạn trong lớp.
Hòa nhập vào giới trẻ năng động, toàn diện
Một trong những cú sốc lớn nhất của các du học sinh chính là việc không hòa nhập được với cộng đồng giới trẻ bản địa. Các bạn trẻ ở những nước phát triển thường năng động và tham gia nhiều hoạt động từ khi còn nhỏ. Việc có một vài môn năng khiếu, chơi giỏi thể thao, đàn hát… là chuyện rất đỗi bình thường. Nếu một bạn trẻ Việt Nam trước giờ chỉ biết đến học thì sẽ khó có thể hòa nhập được vì sự chênh lệch này. Ngoài việc học, các bạn không thể tham gia vào các hoạt động năng khiếu, cũng khó thể hòa nhập vào các cuộc hội thoại về các chủ đề văn hóa, nghệ thuật… Việc nhiều gia đình có điều kiện hiện nay đầu tư cho con theo học các môn năng khiếu là rất đúng đắn. Và chính những môn năng khiếu này sẽ giúp các bạn trẻ dễ hòa nhập hơn khi đi du học.
Khi không thể hòa nhập, mỗi bạn trẻ thường có một cách khác nhau để vượt qua. Trong đó cách phổ biến nhất là co cụm lại trong cộng đồng đồng hương của mình, hoàn toàn tránh giao tiếp với sinh viên và người dân bản xứ. Với những ai chưa giỏi tiếng Anh, điều này lại làm mất đi cơ hội để trau dồi tiếng Anh. Và khi đã quen co cụm như vậy, những người này sẽ mất đi cố gắng giao tiếp và kết bạn với người nước ngoài. Việc này vô tình làm cho họ ngày càng cảm thấy lạc lõng giữa một xã hội mà mình không thuộc về.
Thực tế khác với tưởng tượng
Nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái sốc văn hóa khi bị “vỡ mộng” trước thực tế không như mình tưởng tượng trước đó. Được đến các nước “phát triển”, chưa kể tác động của phim ảnh, âm nhạc cũng làm cho họ có những hình dung không hoàn toàn chính xác với thực tế của đất nước “trong mơ”. Ở đâu cũng vậy, cũng sẽ có những mặt tốt và chưa thật sự phù hợp với mong muốn của mình, đặc biệt là khi chúng ta đến từ một nền văn hóa hoàn toàn khác. Ví dụ như nhiều bạn trẻ trước đây có ấn tượng tốt với sự “bộc trực và thẳng thắn” của người nước ngoài qua các bộ phim, nhưng khi trải nghiệm thực tế lại không ít lần “muối mặt” vì gặp phải những phản ứng thẳng thắn đó. Để có thể vượt qua cú sốc này, cần phải giữ bình tĩnh và có cái nhìn khách quan hơn về mọi thứ. Hãy tập trung nhìn vào những mặt tươi sáng, những cái được và bỏ qua những điểm chưa phù hợp với mình. Nếu được, có thể tâm sự với cha mẹ hoặc bạn bè ở nhà về những điều làm mình thất vọng, qua đó có thể phần nào giải tỏa được sự căng thẳng.
Vượt qua giai đoạn khủng hoảng
Thông thường, hai tháng đầu được xem là giai đoạn “trăng mật” khi tất cả mọi điều đều mới và tươi đẹp. Tuy nhiên, những chuyện tiêu cực sẽ mau chóng đến sau đó. Khi cái háo hức ban đầu không còn, các vấn đề trong cuộc sống bắt đầu phát sinh và đã đủ thời gian để thấy nhớ gia đình, đó chính là lúc cú sốc văn hóa gây ra tác dụng mạnh nhất. Đây được xem là giai đoạn khủng hoảng cho cả du học sinh lẫn cha mẹ ở nhà và là giai đoạn khó khăn mà nhiều du học sinh không thể vượt qua và phải quay về nhà. Trên thực tế, đây cũng là giai đoạn quan trọng để xác định liệu việc du học có phù hợp và đúng lúc với các bạn trẻ hay không. Với những ai thật sự rơi vào trạng thái hoảng loạn, trầm cảm thì việc trở về nhà là quyết định đúng đắn. Với những ai đã quyết tâm ở lại, hãy cố gắng giải quyết mọi việc một cách từ từ, không nôn nóng. Thông thường phải khoảng ba, bốn tháng sau cú sốc đầu tiên, du học sinh mới có thể hòa nhập và vượt qua. Nếu được, hãy tìm lời khuyên từ những anh chị đi trước cũng như luôn luôn giữ liên lạc với gia đình.
Nhật Hà (DNSGCT)