Donald Trump đúng là vị tổng thống Mỹ luôn tạo bất ngờ trong những quyết định gây xáo trộn cục diện thế giới. Nửa tháng trước đây, ông đưa ra lời đe dọa tăng thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% với nhôm nhập khẩu vào Mỹ – một động thái nhằm bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất nội địa – kể từ ngày 23-3 tới đây.
Vài giờ trước khi đặt bút ký quyết định này vào ngày 8-3 vừa qua, ông nói sẽ miễn áp dụng cho vài nước tùy theo thái độ, trong đó ám chỉ Canada và Mexico – hai đối tác đang trong tiến trình đàm phán lại NAFTA với Mỹ.
Ngày 9-3, có tin nói rằng Hoa Kỳ đang mở đường để miễn trừ cho thêm nhiều quốc gia không bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới ban hành lên thép và nhôm nhập khẩu, sau áp lực từ các nước đồng minh và sự vận động mạnh mẽ từ giới lập pháp Mỹ.
Nhưng dù quyết định cuối cùng ở ông Trump thế nào đi nữa thì thế giới cũng đang lo ngại về hậu quả của biện pháp này, có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại.
Việc tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm sẽ đẩy giá thành các sản phẩm cần sử dụng hai loại nguyên liệu này lên cao. Hãng sản xuất ôtô Nhật Bản Toyota cảnh báo nếu các nhà máy của Toyota tại Mỹ phải mua nhôm và thép đắt hơn, giá thành của mỗi chiếc xe bán ra trên thị trường Mỹ sẽ tăng cao gây bất lợi cho người tiêu thụ ở Mỹ. Nếu tiêu dùng ảm đạm, tốc độ tăng trưởng của Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Các công ty thép của Mỹ là cử tri ruột của ông Trump. Ông đã giành được sự ủng hộ từ những người lao động chân tay bằng cam kết hồi sinh ngành công nghiệp thép của Mỹ vốn đã mất hàng trăm ngàn việc làm trong hai thập niên qua, một phần do việc tự động hóa và một phần do cơn lũ thép của Trung Quốc khiến giá thép toàn cầu xuống thấp đến mức một số nhà máy của Mỹ không thể cạnh tranh nổi.
Tại quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới này, năm 2016 có khoảng 83.000 người làm việc trong các nhà máy sản xuất thép và nhôm. Trong khi đó, những ngành công nghệ và công nghiệp sử dụng nhôm và thép bảo đảm công việc làm cho 6,5 triệu người lao động Mỹ. Biện pháp tăng thuế này đúng là “lợi bất cập hại”.
Hiệp hội Nông nghiệp Mỹ cho rằng Nhà Trắng muốn bảo vệ các nhà máy nhôm, thép mà quên mất rằng các đối tác thương mại của Mỹ có thể trả đũa, ngừng mua nông phẩm “Made in USA” hay đánh thuế lúa mì, thịt bò, ngũ cốc của Mỹ.
Canada và Mexico là những thị trường nông nghiệp lớn nhất và lớn thứ ba của Mỹ trong năm 2016, còn Hàn Quốc là thị trường chủ chốt đối với thịt bò, bắp, thịt heo và trái cây tươi. Mỹ xuất khẩu bông sang Thổ Nhĩ Kỳ và bột mì, bơm sữa sang Brazil cùng một số nước cung cấp thép chủ chốt khác. Trung Quốc là thị trường lớn nhất mua vào đậu tương của Mỹ.
Darci Vetter, cựu quan chức phụ trách đàm phán mậu dịch cho đại diện thương mại Mỹ, cho hay nông dân nằm trong số những nhà xuất khẩu lớn nhất nước Mỹ và thường trở thành mục tiêu trong các cuộc tranh cãi mậu dịch. Bà cho biết cộng đồng nông nghiệp đang “lo lắng một cách chính đáng” trước viễn cảnh một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu.
Cả thế giới sẽ trả đũa
Ngay sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu, một loạt đối tác mậu dịch của Mỹ cho biết sẽ trả đũa những mặt hàng “tinh hoa” của nước Mỹ như quần jeans, xe máy Harley-Davidson và rượu mạnh – những động lực kinh tế chủ chốt của Kentucky, bang nhà của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ là Thượng nghị sĩ Mitch Mc Connell. Danh sách trên cũng có thể được mở rộng đến các sản phẩm
pho-mát nhập khẩu từ bang Wisconsin của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan.
Tờ New York Times cảnh báo nguy cơ nổi lên một làn sóng phản đối Mỹ trong bối cảnh nhiều nước – trong đó có cả các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ – phản ứng trước kế hoạch của ông Trump trấn áp hoạt động nhập khẩu kim loại từ nước ngoài.
Canada, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã nói rằng họ sẽ áp đặt những mức thuế quan có thể khiến các nhà xuất khẩu Mỹ thiệt hại hàng tỉ USD. Những mức thuế này ngoài việc gây phương hại tới các lợi ích của chính những người nông dân và doanh nghiệp mà chính quyền Trump đã hứa sẽ bảo vệ, còn thổi bùng một cuộc chiến thương mại có thể cản trở mục tiêu của Tổng thống Trump là củng cố ngành công nghiệp của Mỹ.
Trong trường hợp các nước khác kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nếu như tổ chức này ra phán quyết chống lại Washington, điều này sẽ là phép thử xem ông Trump có chịu tuân thủ các quy định mậu dịch toàn cầu hay không.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đánh giá việc tổng thống Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm là “thiếu thông minh” và EU cũng có thể buộc phải hành động tương tự. Ngoài ra, các nhà chức trách EU cũng tuyên bố sẵn sàng hành động đơn phương nếu cần thiết. Trên thực tế, EU dự kiến sẽ sớm thông qua một loạt biện pháp bao gồm cả việc giải quyết tranh chấp với Mỹ.
Động thái đáp trả của EU dự kiến bao gồm các biện pháp trả đũa phù hợp với quy định của WTO để trừng phạt hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang thị trường châu Âu một cách tương xứng. Các biện pháp đáp trả cũng bao gồm việc bảo vệ thị trường châu Âu, đồng thời tránh cho lục địa già không rơi vào tình cảnh thừa mứa sản lượng của ngành sản xuất thép.
EU đã chuẩn bị một danh sách các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ có khả năng phải chịu mức thuế 25% với giá trị khoảng 2,8 tỉ euro, tương ứng với thị phần của các sản phẩm thép và nhôm của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới của Mỹ.
Tóm lại, một phần ba các sắc thuế mà châu Âu dự định trả đũa Mỹ sẽ đánh lên các sản phẩm nông nghiệp và phần còn lại là áp dụng đối với các mặt hàng khác. Ngoài ra, các sản phẩm sữa và nước cam – những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Florida, bang then chốt trong các cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ – cũng được nhắc tới như một mục tiêu tiềm năng.
Mỹ cần rút ra bài học
Nước Mỹ đã từng trải qua một số bài học về việc tăng thuế nhập khẩu. Chẳng hạn trong thời gian 18 tháng từ tháng 3-2002 đến cuối năm 2003, chính quyền Bush tăng thuế thép nhập khẩu và hậu quả là 200.000 người lao động Mỹ bị vạ lây, theo như nghiên cứu của Viện Kinh tế Oxford.
Trong khi đó, từ tháng 8-2017, Mỹ và Canada – Mexico đàm phán lại Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) vốn có hiệu lực từ 1994. Các bên đã trải qua sáu vòng đàm phán gay go mà vẫn chưa đạt được những kết quả rõ ràng. Vào lúc các bên họp lại lần thứ 7 ở Mexico, phái đoàn Mỹ đang đau đầu vì nhiệm vụ của họ càng khó được hoàn thành khi Tổng thống Trump tuyên chiến trên mặt trận nhôm và thép với Canada và cả Mexico. Canada là nguồn cung cấp số 1 cho nước Mỹ còn Mexico đứng thứ 4. Phải chăng đứng trước hậu quả khó lường, mới đây ông Trump cho biết có thể sẽ không tăng giá thép và nhôm nhập khẩu từ hai nước nói trên.
Theo các nhà kinh tế học, cuộc chiến thương mại gần đây nhất mà Mỹ đã gặp là vào thập niên 1930 đã làm trầm trọng thêm những tác động của cuộc Đại suy thoái. Mọi chuyện bắt đầu sau khi cựu Tổng thống Herbert Hoover biến dự luật thuế Smoot Hawley thành luật vào năm 1930, tăng thuế đánh vào hơn 20.000 sản phẩm.
Chiến tranh thương mại là khi một quốc gia áp thuế hay những rào cản khác dành cho những sản phẩm nhập khẩu, khiến cho các quốc gia khác trả đũa bằng cách áp dụng những mức thuế hay các biện pháp trừng phạt tương tự. Theo Manuel Perez-Rocha, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chính sách Mỹ, ông Trump đã thật sự tuyên chiến bằng tuyên bố đánh thuế lên thép và nhôm nhập khẩu.
Các cố vấn của ông Trump tranh luận rằng những mức thuế hiện tại của họ, mà chỉ nhắm vào thép và nhôm, thì không giống như những điều khoản bảo hộ trong Smoot Hawley, vốn tăng thuế dành cho nhiều sản phẩm và tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng đó chỉ là sự ngụy biện.
Sự biến động mạnh trong thương mại có thể làm mất tất cả những lợi ích đạt được từ nỗ lực giảm bớt các quy định và hạ thuế của chính quyền Trump. Một sự vượt rào trong chủ nghĩa bảo hộ ở mức độ cao nhất sẽ khiến cho giá USD tăng lên, xuất khẩu giảm và tăng trưởng gặp khó khăn, theo Shawn Tully, phóng viên của Fortune.
Douglas Holtz-Eakin, Chủ tịch Diễn đàn American Action và là cựu Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội dưới thời Tổng thống George W. Bush, đã gọi một cuộc chiến thương mại là “nguy cơ lớn đối với thành công của ông Trump”.
Perez-Rocha, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chính sách thì cho rằng: “Một cuộc chiến thương mại đầy đủ là nguy hiểm cho cả hai phía. Các công ty xuất khẩu của Mỹ, từ máy bay cho tới các sản phẩm đóng hộp, cũng có thể bị thiệt hại nặng nề”. Theo nhà phân tích này, các đối tác thương mại chính của Mỹ gồm Canada, EU, Mexico, Nhật Bản, Trung Quốc và Brazil đều nói rằng họ đang cân nhắc các biện pháp trả đũa đối với các mức thuế cao chót vót này.
- Tổng hợp