Trong tuần giao dịch trước và phiên giao dịch đầu tuần mới này, VN-Index liên tiếp muốn chinh phục ngưỡng cản 1.130 điểm và cũng là vùng đỉnh mà chỉ số này đã thiết lập ở đợt tăng trong tết. Tuy nhiên, đây đang là vùng kháng cự mạnh, nên VN-Index liên tiếp bị đẩy lại, thậm chí trong phiên cuối tuần qua, bị đẩy lại rất xa tới hơn 12 điểm, xuống dưới tham chiếu.
Trong phiên hôm qua, kịch bản cũ của phiên cuối tuần trước cũng được lặp lại khi VN-Index được kéo lên ngưỡng 1.135 điểm đầu phiên, nhưng sau đó đuối dần trong phiên sáng. Khi bước vào phiên chiều, VN-Index lại cố ngoi lên đỉnh, nhưng lại bị đẩy sâu, may mắn trong phiên hôm qua là VN-Index còn có sự ủng hộ của nhóm ngân hàng và một số mã lớn khác nên thoát được sắc đỏ.
Trong phiên giao dịch sáng nay, VN-Index một lần nữa leo lên chinh phục ngưỡng 1.130 điểm ngay từ đầu phiên với sự hỗ trợ của dòng bank, nhưng cũng rất nhanh chóng, chỉ số này bị đẩy ngược trở lại xuống dưới tham chiếu
Sau khi “từ từ” lùi xuống sát ngưỡng 1.120 điểm, VN-Index đã bật mạnh trở lại, nhưng với chỉ hơn 20 phút còn lại của phiên sáng đã không thể giúp chỉ số vươn lên tham chiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HoSE có 122 mã tăng và 162 mã giảm, VN-Index giảm 2,92 điểm (-0,26%), xuống 1.123,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 133,5 triệu đơn vị, giá trị 3.645,79 tỉ đồng, tăng nhẹ hơn 4% về khối lượng và giảm hơn 3% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,76 triệu đơn vị, giá trị 349,2 tỉ đồng.
Nhóm ngân hàng cũng không còn tăng đồng đều như phiên trước, mà có sự phân hóa khá rõ nét. Trong khi CTG, STB và MBB vẫn giữ được mức tăng, nhưng chỉ còn tăng nhẹ, trong đó CTG và STB có thanh khoản tốt, thì VCB, BID, HDB, VPB, HDB và thậm chí cổ phiếu tăng trần trong phiên hôm qua là EIB lại chìm trong sắc đỏ.
Cụ thể, nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn có VNM tăng 1,2% lên 208.500 đồng/cổ phiếu; VIC tăng 1,1% lên 101.100 đồng/cổ phiếu; CTG tăng 1,8% lên 34.050 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 7,9 triệu đơn vị.
Còn lại, VCB giảm 0,3% xuống 71.800 đồng/cổ phiếu; GAS giảm 1,6% xuống 114.300 đồng/cổ phiếu; SAB giảm 1% xuống 218.000 đồng/cổ phiếu; BID giảm 0,3% xuống 38.500 đồng/cổ phiếu; VRE giảm 0,9% xuống 55.300 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 3 triệu đơn vị; PLX giảm 1,2% xuống 81.400 đồng/cổ phiếu; MSN giảm 1,4% xuống 93.900 đồng/cổ phiếu.
Nhìn xa hơn trong top 20 mã vốn hóa lớn nhất thì điểm xanh chỉ còn có MBB (+0,1%, lên 33.850 đồng). Còn lại cũng đều giảm trên dưới 1%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm điểm còn có HDB giảm 1,1% xuống 42.050 đồng/cổ phiếu; VPB giảm 1,3% xuống 62.100 đồng/cổ phiếu, khớp 2,41 triệu đơn vị. Tăng điểm có thêm STB tăng 0,6% lên 16.050 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 7 triệu đơn vị.
Nhóm VN30 cũng chỉ còn 8 mã tăng là NT2, SSI và KDC cùng nhóm cổ phiếu trong nhóm vốn hóa nêu trên. Thanh khoản đáng kể nhất là SSI khi có hơn 3,1 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng 0,8% lên 38.700 đồng/cổ phiếu. Trong khi NT2 và KDC chỉ có từ 53.000 đến 82.000 đơn vị khớp, trong đó KDC tăng nhẹ 0,3% thì NT2 tăng 4,1% lên 30.500 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu nhỏ cũng có sự phân hóa khi IDI, VOS vẫn có được sự sô động, còn EVG tiếp tục có sắc tím, cùng với đó là đà tăng trần của ASM, EVG, HAR, EMC, NVT, C47… Trong khi đó, FLC, HQC, SCR, HAI, AMD, OGC, DLG, CCL, JVC giảm điểm, thanh khoản có từ gần 400.000 đến 4 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong đó, sau thông tin ASM đăng ký mua 50 triệu cổ phiếu IDI để nâng sở hữu tại IDI lên 66,82%, đã chắp cánh cho hai mã này, khi IDI tăng 5,3% lên 15.900 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 9,1 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HoSE, còn ASM tăng lên mức giá trần 10.800 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 4,6 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index mất điểm đáng tiếc khi phần lớn thời gian giao dịch đều ở sắc xanh, do nhóm cổ phiếu SHB, PVS mất điểm, trong khi ACB, SHS lại chỉ đứng tham chiếu, và tăng điểm đáng kể chỉ có MBB, PVI, VCG, VGC.
Cụ thể, chốt phiên sáng, sàn HNX có 48 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index giảm 0,25 điểm (-0,2%), xuống 128,81 điểm.Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,82 triệu đơn vị, giá trị 452,38 tỉ đồng, giảm 27% về khối lượng và 26,7% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,87 triệu đơn vị giá trị 41,66 tỉ đồng, trong đó có 3,6 triệu cổ phiếu VIX ở mức giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu, giá trị 37,8 tỉ đồng.
Trong các mã, SHS giảm 1,6% xuống 12.500 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. PVS giảm 1,7% xuống 23.400 đồng/cổ phiếu, khớp 1,91 triệu đơn vị.
MBS tăng 1,8% lên 17.000 đồng/cổ phiếu, khớp 2,17 triệu đơn vị; PVI tăng 4,7% lên 40.200 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 2 triệu đơn vị; VCG tăng 2,1% lên 24.100 đồng/cổ phiếu, VGC 0,4% lên 22.800 đồng/cổ phiếu, và cùng có hơn 500.000 đơn vị khớp lệnh.
Một số mã khác như ACB, SHS, KLF, HUT, DST đứng tham chiếu khớp lệnh từ hơn 600.000 đến 1,84 triệu đơn vị.
Trên sàn UpCoM, hầu hết các mã lớn và thanh khoản cao nhất đều giảm, trừ MSR tăng 7,1% lên 33.400 đồng/cổ phiếu, nhưng chỉ có hơn 210.000 đơn vị khớp lệnh và OIL đứng tham chiếu ở mức 23.000 đồng/cổ phiếu, khớp gần 800.000 đơn vị.
Còn lại, POW giảm 1,2% xuống 17.100 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 2,54 triệu đơn vị, lớn nhất sàn. BDW giảm 11,2% xuống 15.100 đồng/cổ phiếu, khớp 1,65 triệu đơn vị; LPB giảm 1,9% xuống 15.900 đồng/cổ phiếu; khớp hơn 850.000 đơn vị; BSR giảm 2,4% xuống 28.200 đồng/cổ phiếu, HVN giảm 2,3% xuống 51.300 đồng/cổ phiếu và cùng có hơn 810.000 đơn vị khớp lệnh.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,56%), xuống 60,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,28 triệu đơn vị, giá trị 162,69 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,93 triệu đơn vị, giá trị 52,4 tỉ đồng.
- Theo ĐTCK