Ngày 26-10, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết chống lại sự cấm vận của Mỹ đối với Cuba, và lần đầu tiên trong suốt 25 năm qua, đại sứ Mỹ tại cơ quan quốc tế này là bà Samanta Power đã bỏ phiếu trắng (nước còn lại cũng bỏ phiếu trắng như Mỹ là Israel). Phát biểu về sự kiện này, bà Power cho rằng trong thời gian qua, Cuba đã có những tiến bộ quan trọng trong việc bảo vệ người dân, như giảm mức tử vong của trẻ em và tạo điều kiện cho các em đến trường. Bà cũng nhấn mạnh đến vai trò tích cực của Cuba trong thời gian bùng nổ dịch bệnh Ebola vào năm 2014.
Đón nhận sự kiện này, Đại sứ Cuba tại LHQ, ông Bruno Rodriguez Parrilla, hoan nghênh nghị quyết của LHQ, nhưng cũng lưu ý rằng sự cấm vận Cuba vẫn còn đó và đang tiếp tục làm thương tổn đời sống của người dân cùng với nền kinh tế nước này. Theo ông, sự cấm vận của Mỹ đã làm cho đảo quốc này thiệt hại 125 tỉ USD, cho dù những hạn chế về du lịch và thương mại đã được nới lỏng, nhưng nhiều luật lệ và quy định về các lĩnh vực này vẫn còn hiệu lực. Điển hình là đạo luật Dân chủ Cuba (Cuban Democracy Act) năm 1992 cấm tất cả chi nhánh công ty của Mỹ ở nước ngoài giao dịch thương mại với Cuba, dẫn đến hậu quả là nhiều dược phẩm và thiết bị y tế không được phép nhập vào nước này để giúp phòng chống bệnh tật một cách có hiệu quả. Năm 2012, Ngân hàng ING bị phạt 619 triệu USD, Ngân hàng HSBC bị phạt 1,9 tỉ USD, Ngân hàng BNP Paribas bị phạt 8,83 tỉ USD vì có những giao dịch kinh tế với Cuba. Thậm chí sau tháng 12-2014, tức sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố lần đầu tiên ý định phục hồi mọi quan hệ với Cuba, Ngân hàng Credit Agricole của Pháp đã bị phạt 787 triệu USD do vi phạm lệnh cấm của Mỹ.
Đến nay, tình hình đã có những chuyển biến quan trọng. Theo các nhà bình luận thời sự quốc tế, nghị quyết ngày 26-10-2016 của LHQ sẽ có tác dụng tích cực hơn trước, mở ra nhiều triển vọng giao dịch thương mại giữa hai nước chỉ cách nhau một vùng biển nhỏ. Hai mặt hàng quan trọng sẽ được các nhà sản xuất Cuba cung cấp cho Mỹ là thuốc lá cigar và rượu rum vốn là gu của giới sành điệu nước Mỹ. Bên cạnh đó, người Mỹ còn cần nhập khẩu từ Cuba các mặt hàng trái cây bón bằng phân hữu cơ, hải sản và đường. Đổi lại, Cuba cần nhập khẩu từ Mỹ các sản phẩm gạo, lúa mì, bắp… Sự bình thường hóa quan hệ thương mại giữa hai nước chẳng những giúp người dân Cuba được tiếp cận với lương thực, thực phẩm phù hợp với sở thích mà còn tạo cơ hội tốt cho các nhà kinh doanh nông nghiệp Mỹ trong việc thâm nhập vào thị trường Cuba. Trong một tương lai gần, Bộ Ngân khố Mỹ sẽ dỡ bỏ những rào cản kinh tế trong nhiều lĩnh vực như du lịch, thương mại, ngân hàng và vô tuyến viễn thông. Vào thế kỷ XVIII, đường và thuốc lá là hai mặt hàng được Cuba xuất khẩu nhiều nhất. Trước cấm vận, Mỹ và Cuba có những quan hệ thương mại chặt chẽ, vào giữa thế kỷ XIX, người Mỹ tiêu thụ khoảng 300 triệu điếu cigar, nhiều nhà sản xuất cigar định cư gần bang Florida, nơi Tampa được mệnh danh là “Thành phố Cigar” (Cigar City) vào đầu thế kỷ XX. Nay người dân Mỹ sẽ có cơ hội được thưởng thức cigar và rượu rum do Cuba sản xuất ở mức độ không hạn chế, mở ra triển vọng phát triển ở cả hai nền kinh tế. Đó là chưa kể du lịch, vốn là thế mạnh của đảo quốc xinh đẹp Cuba và một tiềm năng du khách to lớn từ xứ sở của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)