Năm 32 tuổi, Mick Jagger từng dại dột tuyên bố “Tôi thà chết chứ không muốn đến 45 tuổi mà vẫn hát bài Satisfaction”. Có lẽ anh không nghĩ sự nghiệp âm nhạc của mình có thể kéo dài như vậy. Đến năm 2013, Rolling Stones thực hiện chuyến lưu diễn có tên 50 & counting… (dịch trại ra là 50 năm vẫn chạy tốt) và đương nhiên Satisfaction là ca khúc khó có thể thiếu khi diễn live của nhóm.
Khi Mick Jagger 32 tuổi, anh đã nếm trải những đỉnh cao vinh quang mà một nghệ sĩ thời đó có thể đạt được cùng nhóm Rolling Stones. Nhưng với Leonard Cohen, tới năm 33 tuổi, album nhạc đầu tiên của ông mới được tung ra, đĩa Songs of Leonard Cohen năm 1967. Đĩa nhạc cũng không gây được một cú đột phá nào nhưng gợi ra cho Leonard một hướng đi mới, sau con đường viết lách không thành công lắm về tiền bạc. Khởi đầu trễ tràng như vậy nhưng cũng không ai nghĩ rằng sự nghiệp âm nhạc của Leonard có thể kéo dài đến như vậy. Ngay sau sinh nhật lần thứ 80 một ngày (21-9-2014), Leonard Cohen tung ra album studio thứ 13 của mình có tên là Popular Problems.
Leonard Cohen quen thuộc nhất với người nghe có lẽ là từ Hallelujah, ca khúc đã được rất nhiều ca sĩ cover và nổi tiếng nhờ sử dụng trong phim Shrek hoặc trong các cuộc thi hát trên truyền hình. Ngoài ra, có thể còn biết đến ông ở bài I’m Your Man. Album cùng tên năm 1988 này là lúc Leonard chuyển hướng sang một phong cách hiện đại hơn và là đĩa nhạc phổ biến nhất của nghệ sĩ Canada này. Leonard Cohen là một nhà thơ và các album nhạc của ông, nếu bỏ đi phần nhạc, giống như đang đọc thơ. Để quảng bá cho đĩa Popular Problems, những ai đã đăng ký mua trước (pre-order) album này trên iTunes sẽ có được ngay bài Almost Like The Blues. Phần lời của ca khúc này đã được đăng trên tờ The New Yorker dưới dạng một bài thơ!
Giống như một loại rượu được ủ càng lâu càng ngon, giọng hát thấm đẫm sương khói và mùi gỗ sồi của Leonard chỉ có thể quyến rũ hơn, khả năng viết nhạc của ông chỉ có thể xuất sắc hơn theo năm tháng. Một cây viết đã đánh giá album này “Những bài hát đơn giản với phần lời sắc bén”. Bài hát đơn giản đang tràn ngập làng nhạc còn phần lời sắc bén chắc chắn là đặc tính gắn liền với Leonard Cohen. Phần âm nhạc khá đơn giản, rất quen thuộc và gần như trở thành công thức với Leonard Cohen: organ chơi kiểu blues, đàn piano điện với dàn hát bè giọng nữ, giọng hát của Leonard “thều thào” bên trên. Nhưng đĩa nhạc không hề nhàm chán. Did I ever Love You dễ dàng làm sững lại với nhịp điệu country nhộn nhịp bất chợt giữa bài hát và những giọng nữ lặp lại những câu hỏi mà ông vừa hát ra. Nevermind cũng vậy, nhịp điệu chập chùng trống bass và đan xen một giọng nữ hát tiếng Ả Rập “Salaam” (Hòa bình) để đặt khung cảnh bài hát vào Trung Đông. Nhìn chung, phần nhạc đệm trong đĩa này đầy đặn và dày hơn. Như ở My oh My có thêm dàn kèn chào đón sau mỗi phiên khúc. Đây là một bản tình ca về việc cặp kè cùng một cô gái đẹp, khi mà chở cô tới sân ga thì các gã trai ở đó đều vẫy tay tìm cách gây được sự chú ý của cô!
Đĩa mở đầu với Slow, một bản nhạc “sống chậm” mặc kệ mọi thứ vội vã. Ai muốn nhanh cứ nhanh, vội cứ vội, “Tôi thích mọi thứ chậm rãi, chẳng phải vì tôi đã già, chẳng phải vì tôi đã chết (những kẻ hấp hối càng chẳng hề muốn chậm) mà vì tôi thích như vậy. Tôi cũng buộc dây giày nhưng tôi chẳng muốn chạy. Khi nào tới đích thì tôi tới, chẳng cần phát súng chạy đua”. Và ông còn đóng vai chàng Romeo ở độ tuổi 80 với những câu “Let me catch my breath/I thought we had all night” (tạm dịch: Hãy để anh thở chút, anh nghĩ chúng ta còn cả đêm mà) hoặc “I like to take my time/I like to linger as it flies/A weekend on your lips/A lifetime in your eyes” (tạm dịch: Anh muốn từ từ, kéo dài khi thời gian trôi. Một cuối tuần trên môi, cả đời trong mắt em).
Hầu hết các bài hát trong đĩa đều mới toanh, ngoại trừ bài Born In Chains đã được ông biểu diễn trên sân khấu vào năm 2010 và My Oh My được thử trong một lần soundcheck cùng năm. Đây là album thứ 2 kể từ khi ông trở lại sân khấu năm 2008. Trước đó, trong 15 năm, ông gần như biến mất khỏi làng nhạc và có một thời gian năm năm, ông bỏ hết mọi thứ, sống ẩn dật tại thiền viện Núi Trọc ở Los Angeles. Những tưởng không bao giờ còn được nghe ông hát nữa thì bất ngờ, Leonard xuất hiện và có những buổi diễn dài ba tiếng rưỡi. Những nhà hát nhỏ bé ở Canada đã không đủ sức chứa lượng fan và dần kéo ông đến các sân vận động trên khắp thế giới, tất cả đều dễ dàng bán sạch vé.
https://soundcloud.com/leonardcohen/leonard-cohen-darkness
Động lực chính để ông lưu diễn khá “trần tục”: Số tiền để dành dưỡng lão của ông bị người quản lý tước đoạt và sau những kiện tụng vẫn không lấy lại được, ông cần một số tiền để có thể nhàn nhã khi về hưu: “Tôi phục hồi được gia tài nhỏ bé của mình sau cỡ một năm nhưng tôi vẫn tiếp tục lưu diễn”. Câu chuyện trở lại sân khấu của ông giống như một câu chuyện nào đó đã từng được chính Leonard viết ra và hát: Một người nghệ sĩ già bị ép buộc trở lại sân khấu để tìm lại số tiền mà ông đã từng kiếm được trước đó. Nhưng biểu diễn giúp ông tìm lại nàng thơ của mình và tích cực sáng tác, ghi âm hơn. Mất tám năm giữa Dear Heather năm 2004 và Old Ideas năm 2012. Chỉ hai năm sau, Popular Problems ra đời.
Trí Quyền