Từ ngày khai trương gallery 8 (8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP. Hồ Chí Minh) đến nay, chưa có buổi khai mạc triển lãm nào đông người dự như “Hiện thực mù” của Lê Quảng Hà.
Có nhiều lẽ khiến phòng tranh mới nhất của Lê Quảng Hà gây được chú ý như vậy. Đây là một họa sĩ rất “quái” trong cuộc sống lẫn sáng tác. Anh vẽ nhiều, không chịu ràng buộc vào những chủ đề hàn lâm, truyền thống, mà hướng tới những đề tài đậm chất xã hội như một phản ứng trước những thực trạng bức bối của đời sống. Từ khoảng hơn mười năm trở lại đây, các triển lãm cá nhân của Lê Quảng Hà luôn gây dư luận, đặc biệt là vào năm 2008 đã nổ ra một cuộc tranh luận giữa anh và họa sĩ Lê Thiết Cương, khi phòng tranh Máy của Lê Quảng Hà được tổ chức tại Viện Goethe (Hà Nội). Và cái tên “Hiện thực mù” cũng đã gợi rất nhiều tò mò.
Thật ra, như họa sĩ lý giải thì “hiện thực mù” đơn giản “là thứ hiện thực mà tôi không thể nhìn thấy, hoặc không thể biết về nó. Trong quá trình thể nghiệm tìm ra thứ hiện thực trong bóng tối ấy, tôi thử tự đặt mình vào vị trí của người mù, và đã tìm thấy khái niệm hiện thực mù bằng chính tư duy độc lập mang tính logic của chính mình. Đứng ngoài tất cả sự ve vãn của hiện thực lãng mạn hay sự gào thét cay nghiệt của hiện thực trần trụi, hiện thực mù không mơ màng giả dối và cũng không quá chi tiết, cụ thể, thô thiển. Đó là hiện thực của tư duy và cảm nhận”.
Phòng triển lãm bày khoảng hơn chục bức tranh lớn, nhỏ và ba tượng điêu khắc bằng composite, được Lê Quảng Hà sáng tác từ những năm 2005, 2008 cho đến 2011, 2012 – có thể gọi đây là giai đoạn “máy hóa” gần gũi với Siêu thực của anh, sau thời kỳ vẽ những khuôn mặt người bị bóp méo, vặn vẹo, máu me trông thật ghê rợn bằng ngôn ngữ Biểu hiện mà có người gọi đây là giai đoạn “thú hóa” của hội họa Lê Quảng Hà.
Thích hay không chịu nổi với những hình nhân bị “thú hóa” hay “máy hóa” thì cũng phải thừa nhận thái độ dấn thân đến mức quyết liệt của người nghệ sĩ này. Và “Hiện thực mù” (kéo dài đến 30-10) vẫn là một phòng tranh rất đáng xem.
- Như Hoa