Xem ra, các nước Đông Nam Á đang đẩy mạnh chi tiêu cho nhu cầu hiện đại hóa quân đội nhằm bảo vệ lãnh hải, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển và hoạt động hàng hải vốn đóng vai trò cốt yếu trong xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu năng lượng. Gần đây, những tranh chấp hải phận tại khu vực Biển Đông – nơi được xem là rất hứa hẹn về nguồn trữ lượng dầu thô và khí đốt, đã hối thúc Malaysia, Philippines, Việt Nam, thậm chí cả Brunei nỗ lực tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân để chủ động đối đầu với hải quân của Trung Quốc. Ngay cả những quốc gia nằm khá xa “đường lưỡi bò” như Indonesia, Thái Lan và Singapore, nhiệm vụ giữ gìn an ninh hải phận cũng được các nhà lãnh đạo quốc gia đưa vào nhiệm vụ trọng tâm.
Tàu ngầm Scorpene của Malaysia
Suốt nhiều thập niên qua, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á chi tiêu rất ít vào việc mua sắm vũ khí, nếu mua thì chỉ mua súng và xe tăng cỡ nhỏ. Lý do là hầu hết những mối nguy đều xuất phát từ bên trong và “chiếc ô bảo vệ” của Mỹ tại khu vực này được xem là đủ lớn để cảnh cáo những mối xâm lược tiềm ẩn ngoại bang. Thế nhưng, trước những tham vọng ngày một lớn của Trung Quốc, tình hình an ninh tại đây ngày càng trở nên phức tạp và khó dự đoán hơn. Do đó, các quốc gia Đông Nam Á buộc phải tăng cường quốc phòng nhằm bảo vệ lãnh hải, biển đảo và đặc biệt là các đặc khu kinh tế. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), kể từ khi kinh tế khu vực Đông Nam Á bùng nổ, chỉ trong mười năm (từ 2002 đến 2011), chi tiêu quốc phòng của các nước trong khu vực này đã tăng vọt đến 42%, còn hạng mục hàng hóa quân sự rất đa dạng, từ tàu chiến, tàu tuần dương, hệ thống radar và máy bay chiến đấu đến tàu ngầm và tên lửa phá tàu chiến (vốn rất hiệu quả trong việc ngăn chặn việc xâm phạm đường bờ biển). Hiện tại, Malaysia đang sở hữu hai tàu ngầm Scorpene, Việt Nam đang mua sáu tàu ngầm lớp Kilo từ Nga, còn quân đội Thái Lan lên kế hoạch đàm phán với đối tác Saab AB (Thụy Điển) về cả tàu ngầm, phi cơ chiến đấu Gripen và tên lửa phá tàu Saab RBS-15. Tương tự, Singapore đã đầu tư mua về máy bay chiến đấu F-15SG do Tập đoàn Boeing sản xuất và bổ sung thêm hai tàu ngầm Archer (do Thụy Điển chế tạo) vào bộ tứ tàu ngầm Challenger đang có.
Dù đây không hẳn là một cuộc chạy đua vũ trang, song giới phân tích tin rằng việc trang bị những loại vũ khí đắt tiền là do các sự kiện tranh chấp gần đây tại Biển Đông, trong khi các nước Đông Nam Á đã tích lũy được khoản dự trữ ngoại tệ đủ lớn để hiện đại hóa quân đội. Ngoài ra, cướp biển, đánh cá bất hợp pháp, buôn lậu, khủng bố và cứu trợ thiên tai cũng là những yếu tố đóng vai trò không nhỏ. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi biết quốc gia chi tiêu mạnh nhất vào quốc phòng lại là Singapore – một đảo quốc nhỏ nhưng sở hữu cảng biển sầm uất thứ hai thế giới, đồng thời là trung tâm tài chính toàn cầu, trung tâm buôn bán dầu thô, khí đốt và sản phẩm hóa dầu. Trong năm 2011, ngân sách quốc phòng của Singapore lên đến 9,66 tỉ USD, bỏ xa các nước khác trong khu vực là Thái Lan (5,52 tỉ USD), Indonesia (5,42 tỉ USD), Malaysia (4,54 tỉ USD) và Việt Nam (2,66 tỉ USD).
Lâm Kiên theo Reuters